Tư duy lý luận

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh ở đắk lắk hiện nay (Trang 35 - 39)

7. Kết cấu của luận án

2.1. Tƣ duy lý luận và năng lực tƣ duy lý luận

2.1.1. Tư duy lý luận

Tư duy là đối tượng nghiên cứu vô cùng phức tạp. Nó không thuộc lãnh địa riêng của bất cứ khoa học nào mà luôn nằm ở miền giao thoa của các khoa học khi nghiên cứu về nó. Tùy vào góc độ tiếp cận và mục đích của các khoa học khác nhau mà tư duy được nghiên cứu ở những khía cạnh khác nhau.

Với cách tiếp cận duy vật, Triết học Mác - Lênin quan niệm tư duy là sản phẩm của bộ óc hoạt động. Nó có nguồn gốc khách quan từ các yếu tố tự nhiên (bộ óc, thuộc tính phản ánh) và hiện tượng xã hội (lao động và ngôn ngữ). Vì thế, một cách tự nhiên, nó chính là kết quả của sự tiến hóa trong giới tự nhiên dẫn đến sự ra đời của một thực thể có năng lực đặc biệt: Con người tư duy: ―Nếu người ta đặt câu hỏi là tư duy và ý thức là gì, chúng từ đâu đến, thì người ta sẽ thấy rằng chúng là sản phẩm của bộ óc con người và bản thân con người, là sản vật của giới tự nhiên..., vì vậy, lẽ đương nhiên là những sản vật của bộ óc người, - quy đến cùng, cũng là những sản vật của giới tự nhiên, không mâu thuẫn mà lại còn phù hợp với mối liên hệ còn lại của giới tự nhiên‖ [64, tr.55). Với tính đặc thù trong sự tiến hóa của thuộc tính phản ánh,

nên phản ánh của tư duy là sự phản ánh một cách gián tiếp, khái quát, năng động và có chủ đích.

Tùy theo góc độ tiếp cận khác nhau mà có thể phân chia tư duy ra làm nhiều loại khác nhau. Xét về quá trình tư duy, có thể chia thành: Tư duy cảm tính và tư duy lý tính; xét về mức độ phản ánh của tư duy, có thể chia thành tư duy khoa học và tư duy tiền khoa học. Về phương pháp tư duy, có tư duy siêu hình và tư duy biện chứng, về trình độ tư duy, có tư duy kinh nghiệm và tư

duy lý luận, về lĩnh vực tư duy, có tư duy Triết học, tư duy Toán học, tư duy Chính trị, tư duy Kinh tế, tư duy Văn hóa, tư duy Nghệ thuật...

Nếu căn cứ vào cơ sở phân chia như vậy, có thể hiểu tư duy lý luận là tư duy ở trình độ cao, thông qua hệ thống các khái niệm, phạm trù, quy luật để phản ánh về hiện thực. Trong mối quan hệ với tư duy kinh nghiệm (tư duy dựa trên cơ sở chủ yếu là sự phản ánh trực tiếp, cảm tính về hiện thực khách quan, tri thức kinh nghiệm), tư duy lý luận không dừng ở sự mô tả, liệt kê, phản ánh trực tiếp bề ngoài của đối tượng mà nó đã thoát ra khỏi những cảm giác biểu tượng giản đơn để tiến sâu vào các tầng nấc khác nhau của bản chất đối tượng. Nó là bước thay đổi về chất so với các hình thức tư duy trước đó. Khi so sánh tư duy kinh nghiệm với tư duy lý luận, các học giả cho rằng, tư duy lý luận là sự phủ định biện chứng của tư duy kinh nghiệm, là tư duy dựa trên tri thức lý luận và phương pháp nhận thức khoa học. Nó chính là hình thức cao nhất của tư duy, là quá trình tiếp cận, nắm bắt, nhận thức và tái tạo hiện thực khách quan bằng lý luận, bằng hệ thống các khái niệm, phạm trù, quy luật [101, tr. 15, 21].

Như vậy, tư duy lý luận là sản phẩm riêng có của con người, nó là một “đặc tính” rất căn bản của người, là sự thể hiện năng lực của con người được phát triển và hoàn thiện thông qua lao động và ngôn ngữ. Chỉ trong quá trình phát triển của các khoa học cụ thể, đến một trình độ nhất định mới làm “ló” ra tính tất yếu của nhu cầu về sự khái quát. Khi lý luận vượt trên tầng bậc của những nghiên cứu cụ thể, kinh nghiệm thì tư duy lý luận ra đời và phát triển đúng như khẳng định của Ăngghen: “Khoa học tự nhiên kinh nghiệm đã tích luỹ được một khối lượng tài liệu chính diện to lớn đến nỗi ngày nay tuyệt đối bức thiết phải sắp xếp những tài liệu ấy lại một cách hệ thống và dựa vào mối liên hệ nội tại của chúng trong lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt. Người ta cũng thấy không kém cần thiết phải sắp xếp những lĩnh vực khác nhau của tri thức theo mối liên hệ đúng đắn giữa lĩnh vực nọ với lĩnh vực kia. Nhưng làm như

thế, thì khoa học tự nhiên đã chuyển sang lĩnh vực lý luận và trong lĩnh vực này những phương pháp kinh nghiệm trở nên bất lực, chỉ có tư duy lý luận mới có thể giúp ích được” [64, tr. 487].

Tuy nhiên, cái “năng lực” to lớn đó của con người lại không phải là cái có sẵn, tiền định hay bất biến như quan niệm của các nhà triết học duy tâm hoặc siêu hình, mà: “Nó chỉ là đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của người ta mà có thôi”[64, tr.487] và năng lực ấy cần phải được phát triển và hoàn thiện thì mới có thể phát huy được vai trò cũng như chức năng của mình trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Quá trình hoàn thiện và phát triển tư duy lý luận là một quá trình phức tạp, nó bắt đầu từ những tri thức kinh nghiệm hay tài liệu cảm tính nhưng phải trải qua sự thanh lọc với một lịch sử lâu dài và sự đúc kết kinh nghiệm ở một tầng bậc phổ quát nó mới có thể ra đời và phát triển: “Nghệ thuật vận dụng những khái niệm không phải bẩm sinh mà có, cũng không phải do ý thức bình thường hàng ngày đem lại, mà đòi hỏi một tư duy thực sự, tư duy này có một lịch sử kinh nghiệm lâu dài”[64, tr.27,28].

Vậy bản chất của tư duy lý luận là gì? Theo Ph.Ăngghen, nó chính là nội dung của phép biện chứng: “Chỉ có phép biện chứng mới có thể giúp cho khoa học tự nhiên vượt khỏi những khó khăn về lý luận” [64, tr.489]. Chỉ có phép biện chứng với tư cách là khoa học về mối liên hệ phổ biến và sự phát triển cả trong sự vật lẫn trong nhận thức về nó mới cung cấp cho người ta phương pháp tư duy khoa học nhất để nhận thức và hoạt động thực tiễn đúng đắn: “Một quan niệm đúng đắn về vũ trụ, về sự phát triển của vũ trụ và sự phát triển của loài người, cũng như về sự phản ánh của sự phát triển ấy vào đầu óc con người chỉ có thể có được bằng con đường biện chứng’’ [64, tr.39]. Tuy nhiên, phương pháp biện chứng mà người ta thu được khi khái quát từ việc nhận thức tính quy luật của giới tự nhiên chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu khái quát lý luận của con người về khách thể nhận thức. Điều quan trọng hơn để con người có thể hành

động đúng từ sự phản ánh biện chứng đó chính là tính biện chứng của tư duy lý luận. Tính biện chứng này, một mặt bị chi phối bởi mặt biện chứng của đối tượng, nhưng mặt khác nó bị chi phối bởi chính sự vận động đặc thù của tư duy lý luận: “Người ta có thể đạt đến quan điểm biện chứng do những sự kiện thực tế đang tích lũy lại của khoa học tự nhiên bắt buộc; nhưng người ta có thể đạt tới nó một cách dễ dàng hơn nếu đưa nhận thức về những quy luật của tư duy biện chứng vào việc tìm hiểu tính chất biện chứng của những sự kiện ấy...”[64, tr.27]. Bởi vậy, đối tượng phản ánh của tư duy lý luận cũng rất đặc thù. Từ các tài liệu kinh nghiệm cảm tính, bằng việc lấy ra những trừu tượng phổ quát nhất, cái mà tư duy lý luận hướng tới để phản ánh phải là những liên hệ bản chất, có tính quy luật của đối tượng, là sự phản ánh khách thể trong tính thống nhất cụ thể nội tại của nó. Chính sự tái tạo lại hiện thực bằng con đường khái quát lý luận đã làm cho đối tượng được nhận thức hiện ra trong tính chỉnh thể vẹn toàn của nó, trong sự thống nhất nội tại và tính sinh thành lịch sử mà người ta khó có thể đoán định hay cảm nhận về nó nếu chỉ bằng tư duy kinh nghiệm, cảm tính.

Xét về cấu trúc của tư duy lý luận, nó gồm hai bộ phận cơ bản là tri thức lý luận và phương pháp nhận thức khoa học. Tri thức lý luận, trên cơ sở của sự trừu tượng và khái quát hóa nên phản ánh được những mối liên hệ bên trong, có tính quy luật của hiện thực, đưa lại cho con người cách nhìn chỉnh thể, toàn vẹn về đối tượng. Phương pháp tư duy khoa học là hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực, yêu cầu, thao tác được rút ra từ những tri thức lý luận để điều chỉnh hoạt động của con người nhằm đạt được mục đích đặt ra. [101, tr.21, 22, 23]. Chính các bộ phận này làm nên những đặc trưng cơ bản của tư duy lý luận: Tư duy lý luận vừa là quá trình vận động của tư duy để nắm bắt đối tượng vừa là kết quả của quá trình đó; Tư duy lý luận là sự phản ánh gián tiếp và khái quát về đối tượng, nắm bắt được những mặt bản chất, tính quy luật của đối tượng phản ánh; Tư duy lý luận có tính sáng tạo, gắn liền với hoạt động thực tiễn và có tác dụng chỉ đạo hoạt động thực tiễn.

Từ những phân tích trên có thể quan niệm như sau: Tư duy lý luận là sự tái tạo lại hiện thực bằng con đường lý luận, trong đó, chủ thể nhận thức khái quát được những mặt bản chất, tính quy luật của hiện thực bằng hệ thống những khái niệm, phạm trù lý luận, có tác dụng chỉ đạo hoạt động thực tiễn trong quan hệ của con người với đối tượng.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh ở đắk lắk hiện nay (Trang 35 - 39)