Năng lực tư duy lý luận

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh ở đắk lắk hiện nay (Trang 39 - 44)

7. Kết cấu của luận án

2.1. Tƣ duy lý luận và năng lực tƣ duy lý luận

2.1.2. Năng lực tư duy lý luận

Năng lực của con người được hiểu là những phẩm chất tâm - sinh lý và xã hội của con người, thể hiện trong hoạt động thực tiễn, giúp chủ thể đạt được hiệu quả cao trong hoạt động thực tiễn. Tùy vào góc độ tiếp cận mà các nhà khoa học có quan niệm khác nhau về năng lực. Theo từ điển Tiếng Việt:

―Năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó ở mức độ cao, hoặc năng lực được hiểu là những phẩm chất của con người tạo cho người đó khả năng hoàn thành có kết quả một quá trình hoạt động nhất định‖[130, tr.639]. Quan niệm này thiên về cách

hiểu năng lực là một tố chất tự nhiên có sẵn giúp cho chủ thể hoạt động có khả năng hoàn thành có kết quả một hoạt động nào đó.

Cách tiếp cận tâm lý học coi năng lực là: ―Tổng hợp những thuộc tính

độc đáo của cá nhân, phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định nhằm bảo đảm hoàn thành có kết quả tốt trong lĩnh vực hoạt động ấy‖ [46, tr. 174], Theo quan niệm này thì năng lực lại được hiểu là

những khả năng độc đáo của cá nhân có thể có sẵn như năng khiếu, cũng có thể được hình thành trong hoạt động, nhưng quan trọng là khả năng đó phải đảm bảo hoàn thành có kết quả tốt trong một hoạt động nhất định.

Theo từ điển Bách khoa Việt Nam thì năng lực là: “Đặc điểm của cá nhân thể hiện mức độ thông thạo - tức là có thể thực hiện một cách thuần thục và chắc chắn một hay một số dạng hoạt động nào đó. Năng lực gắn liền với những phẩm chất về trí nhớ, tính nhạy cảm, trí tuệ, tính cách cá nhân. Năng lực có thể phát triển trên cơ sở năng khiếu (đặc điểm sinh lý của con người,

trước hết là của hệ thần kinh trung ương), song không phải là bẩm sinh, mà là kết quả phát triển của xã hội và của con người (đời sống xã hội, sự giáo dục và rèn luyện, hoạt động của cá nhân). Năng lực cao đạt được những thành tựu hoàn thiện, xuất sắc, mới mẻ, có ý nghĩa xã hội, gọi là tài năng. [129, tr.41]. Với quan niệm này, năng lực vừa thể hiện là những phẩm chất trí tuệ như là những năng khiếu có sẵn trong mỗi cá nhân, đồng thời lại là kết quả của sự phát triển xã hội thông qua giáo dục, rèn luyện và hoạt động của cá nhân. Năng lực, khi được khai mở và đạt được những kết quả xuất sắc chính là tài năng và mức độ cao nhất là thiên tài.

Dưới góc độ Triết học năng lực được hiểu là: ―Khả năng của chủ thể trong việc thực hiện có hiệu quả tối đa một công việc, hoạt động cụ thể nào đó trong những điều kiện nhất định; là những phẩm chất của con người tạo cho họ có khả năng hoàn thành một công việc nào đó có hiệu quả nhất‖[78,

tr.11]. Cách tiếp cận này nhấn mạnh phẩm chất con người như là những khả năng giúp chủ thể có thể đạt được hiệu quả tối đa trong một hoạt động cụ thể.

Như vậy, khi nói đến năng lực là nói đến năng lực của từng con người cụ thể. Đó là con người đã trưởng thành về mặt xã hội, mang những phẩm chất ưu việt, có thể do bẩm sinh mà có, nhưng cũng có thể do tương tác trong hoạt động xã hội hoặc do cả hai yếu tố trên, tạo thành năng lực của mỗi cá nhân. Năng lực đảm bảo cho chủ thể có khả năng hoàn thành một hoạt động nào đó ở mức độ cao. Tùy thuộc vào nghề nghiệp, hoàn cảnh sống và hoạt động của cá nhân đảm nhiệm mà năng lực của họ biểu hiện ra một cách sinh động, đa dạng và phong phú khác nhau.

Là một dạng năng lực, năng lực tư duy được hiểu là tổng hợp những phẩm chất trí tuệ, vừa thể hiện yếu tố thiên bẩm trong phẩm chất tâm sinh lý con người vừa là sản phẩm của quá trình tương tác trong hoạt động thực tiễn để tạo thành ưu thế nổi trội của con người xã hội. Năng lực tư duy luôn gắn liền với hoạt động, đặc biệt là hoạt động nhận thức và cải biến thế giới: “Năng

lực tư duy là tổng hợp những phẩm chất trí tuệ, đáp ứng yêu cầu nhận thức thế giới và bản thân con người, bảo đảm cho hành động sáng tạo của mình. Nó được biểu hiện ở khuynh hướng nhận thức và hành động, ở kết quả xử lý thông tin và nhất là kết quả hoạt động” [55, tr.48]. Như vậy, năng lực tư duy không chỉ thể hiện ở khả năng nhận thức, khái quát vấn đề từ thực tiễn mà nó còn biểu hiện ở kết quả hoạt động thực tiễn của con người trong quan hệ với đối tượng. Vì thế, năng lực tư duy luôn gắn liền với hoạt động thực tiễn. Thông qua nhận thức, các chủ thể xử lý thông tin, tiến hành hoạt động thực tiễn một cách sáng tạo và có chủ đích, để đạt được mục đích đặt ra. Cũng vì phải xem xét trong quan hệ với hoạt động thực tiễn nên ở các lĩnh vực đặc thù khác nhau thì năng lực tư duy cũng biểu hiện rất khác nhau. Rõ ràng, tư duy Nghệ thuật rất khác với tư duy Triết học và cũng không thể đồng nhất với tư duy Toán học; hay năng lực sáng tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật không có nhiều điểm tương đồng với sáng tạo trong Văn học nghệ thuật.v.v.. Điều đó cho thấy, năng lực tư duy biểu hiện sự khác biệt về khả năng tư duy giữa các cá nhân và cộng đồng người trong xã hội, tùy thuộc vào các yếu tố tự nhiên và xã hội cụ thể.

Với cơ sở tự nhiên là hoạt động sinh lý của hệ thần kinh trung ương, năng lực tư duy bị quy định trước hết bởi những khả năng thiên bẩm trong hoạt động tâm - sinh lý người. Bởi vậy, hoàn cảnh sống và các điều kiện xã hội có thể giống nhau, nhưng năng lực tư duy của mỗi người lại khác nhau. Tuy nhiên, cơ sở chủ yếu và quyết định nhất đến năng lực tư duy lại là các yếu tố xã hội, trong đó, sự tiếp thu tri thức thông qua giáo dục, đào tạo, sự trải nghiệm qua hoạt động thực tiễn và sự nỗ lực của các cá nhân để thích nghi với môi trường, là những nhân tố trực tiếp làm cho năng lực tư duy hình thành và phát triển.

Năng lực tư duy được cấu thành từ ba yếu tố cơ bản: đó là năng lực ghi nhớ, tái hiện; năng lực trừu tượng hóa, khái quát hóa; năng lực suy luận, liên

tưởng. Chính nhờ những yếu tố này mà năng lực tư duy không chỉ là sự phản ánh gián tiếp, khái quát mà nó còn có khả năng phát triển tri thức và vận dụng nó vào thực tiễn, mang lại kết quả cao: “Năng lực tư duy là tổng hợp những khả năng ghi nhớ, tái hiện, trừu tượng hóa, khái quát hóa, liên tưởng, luận giải và xử lý trong quá trình phản ánh, phát triển tri thức và vận dụng chúng vào thực tiễn trên cơ sở quy luật khách quan mang lại những kết quả nhất định”[98, tr.15-16].

Như vậy, năng lực tư duy còn có khả năng rất đặc biệt khi nó có thể biến tri thức thành phương pháp và sử dụng chúng một cách hiệu quả trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Tóm lại, năng lực tư duy là tổng hợp những phẩm chất trí tuệ của chủ thể nhận thức, thể hiện khả năng trừu tượng hóa, khái quát hóa của tư tưởng nhằm phản ánh một cách đúng đắn, sáng tạo khách thể, trên cơ sở đó giải quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn.

Với khả năng tiến hành các thao tác của tư duy trong quá trình hình thành và tiếp nhận tri thức, năng lực tư duy thể hiện ở khả năng hình thành các khái niệm, phán đoán và suy luận trong tư duy từ quá trình nhận thức cảm tính đến quá trình nhận thức lý tính; tức là ở khả năng lựa chọn, sắp xếp các thao tác tư duy theo một trật tự lôgic nhằm khái quát hóa những đặc điểm, thuộc tính chung của sự vật, hiện tượng để hình thành nên các khái niệm thông qua quá trình phản ánh hiện thực khách quan.

Khả năng vận dụng những tri thức đã đạt được vào hoạt động thực tiễn của năng lực tư duy thể hiện ở kết quả của việc tìm ra và phát hiện các mối liên hệ của tri thức trong hoạt động thực tiễn. Trên cơ sở nhận thức được mối liên hệ đó, tư duy tiến hành xử lý thông tin thông qua các phương pháp nhận thức cụ thể mà đặc biệt là phương pháp phân tích, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa để đề xuất các phương hướng tác động đến đối tượng cho phù hợp. Đây là biểu hiện cụ thể cho khả năng biến tri thức thành phương pháp và

sử dụng thành thạo chúng để nhận thức, tìm ra bản chất, quy luật, xu hướng tất yếu của sự vật, hiện tượng và vận dụng vào nhận thức và cải tạo hiện thực khách quan.

Như vậy, năng lực tư duy là sự tổng hợp khả năng tiếp nhận thông tin trong quá trình hình thành tri thức, khả năng xử lý thông tin thông qua các thao tác tư duy. Do đó, nó là một hiện tượng nhiều mặt và phức tạp, thể hiện khả năng đi sâu vào bản chất của thế giới hiện thực khách quan để phát hiện ra những quy luật, nguyên lý chi phối sự vận động và phát triển của thế giới dựa trên cơ sở của thực tiễn. Đồng thời, còn thể hiện khả năng hình thành nên các phương án khác nhau để tác động vào hiện thực khách quan có hiệu quả.

Từ khái niệm tư duy lý luận và khái niệm năng lực tư duy, có thể đưa ra quan điểm về năng lực tư duy lý luận như sau:

Năng lực tư duy lý luận là khả năng tư duy khoa học của chủ thể trong việc khái quát hóa những mặt bản chất, tính quy luật của các sự vật, hiện tượng ở trình độ lý luận, đồng thời, vận dụng sáng tạo lý luận đó vào giải quyết hiệu quả những vấn đề của thực tiễn.

Như vậy, nói đến năng lực tư duy lý luận, trước hết là nói đến khả năng trừu tượng hóa và khái quát hóa của chủ thể trong quá trình nhận thức. Chính sự nhận thức ở trình độ lý luận đã nâng tầm nhận thức cảm tính vượt thoát ra khỏi những phản ánh bề ngoài, ngẫu nhiên, hiện tượng để xâm nhập vào bản chất của đối tượng, nhờ đó, các mảnh đoạn đơn lẻ của hiện thực được chắp nối thành một bức tranh tổng thể trong tính hệ thống của những quy luật chi phối nó. Cách nhìn biện chứng và năng lực khái quát, xâu chuỗi các hiện tượng để giải thích đúng bản chất của hiện thực là biểu hiện căn bản nhất của năng lực tư duy lý luận. Khi các tri thức lý luận đã được khái quát đó không dừng lại ở khả năng vận dụng tri thức mà còn có khả năng vận dụng một cách sáng tạo tri thức lý luận để cải tạo hiện thực. Năng lực tư duy lý luận còn thể hiện ở khả năng điều chỉnh và phản biện (hay kiểm chứng) các tri thức lý luận đã hình thành,

nhận thức lại và xây dựng những tri thức lý luận mới đảm bảo tính khoa học. Điều đó cho thấy, năng lực tư duy lý luận là sự phát triển cao của năng lực tư duy ở con người. Năng lực tư duy lý luận thể hiện tính khoa học, sáng tạo trong việc sử dụng hệ thống các khái niệm, phạm trù để phân tích, so sánh, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa và xác lập mối quan hệ giữa các tri thức nhằm đem đến tri thức mới mang tính chính xác, sâu sắc, chặt chẽ, logic và phù hợp với quy luật khách quan của hiện thực.

Các yếu tố cấu thành năng lực tư duy lý luận có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau, trong đó năng lực tư duy lý luận thể hiện rõ nhất thông qua khả năng linh hoạt và sáng tạo của tư duy. Năng lực tư duy lý luận còn thể hiện sức mạnh, cụ thể hóa lý luận thành phương hướng, giải pháp để giải quyết vấn đề của thực tiễn. Chính vì vậy, năng lực tư duy lý luận có thể đáp ứng yêu cầu phát hiện chính xác, nhận thức nhanh, đúng đắn đối với hiện thực ở trình độ lý luận, để trên cơ sở đó đề xuất các phương hướng, giải pháp sáng tạo, linh hoạt và phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh ở đắk lắk hiện nay (Trang 39 - 44)