Những yếu tố ảnh hưởng đến việc nâng cao năng lực tư duy lý luận

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh ở đắk lắk hiện nay (Trang 44 - 50)

7. Kết cấu của luận án

2.1. Tƣ duy lý luận và năng lực tƣ duy lý luận

2.1.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc nâng cao năng lực tư duy lý luận

Năng lực tư duy lý luận của con người, xét ở góc độ nào đó vừa có giới hạn vừa không có giới hạn, vì, xét về bản tính và khả năng thì năng lực sáng tạo trong nhận thức và hoạt động của con người là không có giới hạn, nhưng xét ở sự thực hiện cá biệt thì nó luôn có những giới hạn xác định, bị quy định bởi những yếu tố tác động đến nó. Chính vì thế, luôn có sự khác biệt giữa khả năng tư duy của các cá nhân hay cộng đồng xã hội do những yếu tố chi phối trong chúng là khác nhau. Vì tư duy được hình thành từ nguồn gốc tự nhiên và xã hội nên quá trình hình thành và phát triển năng lực tư duy lý luận cũng bị quy định bởi các yếu tố tự nhiên và xã hội. Có thể khái quát thành một số yếu tố sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực tư duy lý luận phụ thuộc vào yếu tố năng lực bẩm sinh của chủ thể nhận thức.

Theo quan điểm của Triết học Mác - Lênin, con người là một thực thể sinh học, xã hội. Mặt sinh học là đặc tính tự nhiên vốn có của mỗi người do cấu tạo giải phẫu sinh lý của cơ thể, mà trước hết là cấu tạo hệ thần kinh trung ương của từng người quy định nên. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định yếu tố sinh học có tính chất bẩm sinh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tư chất thần kinh thông minh, năng khiếu bẩm sinh, trí nhớ tốt, khả năng trực giác nhạy cảm, khả năng phân tích, tổng hợp, phát hiện vấn đề và phán đoán tốt. Nó chính là cơ sở, tiền đề tạo nên sự phát triển của năng lực con người nói chung và năng lực tư duy lý luận nói riêng. Đây là đặc tính tồn tại dưới dạng khả năng, như là cái “tự nhiên” sẵn có. Yếu tố sinh học này là cơ sở, nền tảng để tạo nên năng khiếu, sở trường của mỗi người đối với nghề nghiệp mà họ chọn lựa sau này (như họa sỹ, nghệ sỹ, bác sỹ, nhà văn, nhà thơ, giáo viên ...). Do vậy, các cá nhân cùng sống trong cùng điều kiện kinh tế - xã hội, giáo dục, nhưng năng lực tư duy lý luận ở mỗi người lại có thể khác nhau là do sự khác nhau về yếu tố sinh học. Như vậy, yếu tố năng lực bẩm sinh phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động sinh lý thần kinh của con người.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào yếu tố sinh học, bẩm sinh để đánh giá về năng lực tư duy lý luận là phiến diện bởi cấu tạo sinh học, bẩm sinh trong mỗi cá thể là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ cho sự tồn tại và năng lực nhận thức của họ bởi tính quy định của những yếu tố xã hội: “Thực hiện sự bình đẳng về sức lực và tài năng con người thì đó là một điều ngu xuẩn... nói tới bình đẳng thì họ hiểu rằng đó luôn là sự bình đẳng xã hội, về địa vị xã hội, chứ quyết, không phải là sự bình đẳng về thể lực và trí lực của cá nhân” [51, tr.449]. Không phải ai có yếu tố sinh học hoàn thiện thì người đó sẽ có năng lực tư duy lý luận. Trong thực tế, nhiều người tuy có cấu tạo rất bình thường về yếu tố sinh học nhưng lại có năng lực nhận thức và hoạt động thực

tiễn hiệu quả, ngược lại, có người rất thuận lợi về cấu tạo sinh học do thừa hưởng những tinh hoa của cha mẹ qua gen di truyền nhưng lại là những người hạn chế về trí tuệ. Nó chứng tỏ, yếu tố sinh học của con người chỉ được phát huy khi có môi trường phù hợp. Để phát huy vai trò của yếu tố sinh học thì mỗi người, một mặt, phải chủ động tiếp thu tri thức khoa học một cách tự giác, tích cực, mặt khác, phải có những điều kiện khách quan để thúc đẩy nó phát triển.

Do đó, hoạt động tâm - sinh lý và những năng lực tự nhiên bẩm sinh vốn có ở mỗi người là điều kiện quan trọng để hình thành và phát triển năng lực tư duy lý luận, nhưng nó không phải là yếu tố quyết định sự hoàn thiện và phát triển của năng lực tư duy lý luận ở con người.

Thứ hai, nâng cao năng lực tư duy lý luận phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mà trong đó chủ thể nhận thức hoạt động và trải nghiệm.

Nếu sinh học là yếu tố bên trong, là điều kiện quan trọng thì điều kiện phát triển kinh tế - xã hội là yếu tố bên ngoài, có ảnh hưởng không kém phần quan trọng đến sự hình thành và phát triển năng lực tư duy lý luận của mỗi cá nhân. Trình độ nhận thức và năng lực tư duy lý luận của con người liên quan mật thiết đến trình độ phát triển của xã hội. Trong quan niệm duy vật về lịch sử, C.Mác đã chỉ ra rằng con người là sản phẩm của hoàn cảnh, hoàn cảnh kinh tế - xã hội như thế nào sẽ sản sinh ra con người thực tiễn như thế ấy. Bản thân tư duy lý luận cũng là sự phản ánh tồn tại xã hội, là sản phẩm của lịch sử - xã hội; tư duy của con người phát triển tương ứng sự phát triển KT- XH. Nếu xã hội có nền sản xuất hiện đại, có chế độ chính trị tiến bộ, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, có nền văn hóa tiên tiến, thì đó là môi trường thuận lợi để năng lực tư duy lý luận của mỗi người được hình thành và phát triển. Ngược lại, nếu sống trong xã hội lạc hậu về kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học thì con người khó phát triển năng lực tư duy lý luận của mình. Các

nhà kinh điển Mác - Lênin đã luận giải một cách thỏa đáng về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội, mà trước hết là điều kiện kinh tế với hoạt động thực tiễn của con người được chỉ đạo bởi quá trình nhận thức về hiện thực. Những nhiệm vụ cấp bách của lý luận chỉ được đặt ra và giải quyết trên nền tảng của điều kiện vật chất phát triển tương ứng : “Nhân loại bao giờ cũng chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết được, vì khi xét kỹ hơn, bao giờ người ta cũng thấy rằng bản thân nhiệm vụ ấy chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất để giải quyết nhiệm vụ đó đã có rồi, hay ít ra cũng đang ở trong quá trình hình thành” [63, tr.15-16]. Chính vì vậy, trong những thời đại khác nhau, với các điều kiện kinh tế- xã hội khác nhau thì trình độ và năng lực của tư duy lý luận cũng có những nội dung và phương thức khác nhau: “Tư duy lý luận của mỗi thời đại, cũng có nghĩa là của thời đại chúng ta, là một sản phẩm lịch sử mang những hình thức rất khác nhau trong những thời đại khác nhau và do đó có một nội dung rất khác nhau” [64, tr.487]. Chính hoạt động thực tiễn của con người trong quan hệ với tự nhiên là cơ sở trực tiếp và quan trọng nhất làm hình thành và phát triển tư duy lý luận. Trong hoạt động cải biến tự nhiên, thông qua lao động, mà các năng lực của nhận thức con người dần được hoàn thiện và phát triển song song với sự phát triển của giới tự nhiên: “Từ trước đến nay khoa học tự nhiên cũng như Triết học đã hoàn toàn coi thường ảnh hưởng hoạt động của con người đối với tư duy của họ. Hai môn ấy một mặt chỉ biết có giới tự nhiên, mặt khác chỉ biết có tư tưởng. Nhưng chính việc người ta biến đổi giới tự nhiên, chứ không phải chỉ một mình giới tự nhiên với tính cách giới tự nhiên, là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của tư duy con người, và trí tuệ con người đã phát triển song song với việc người ta học cải biến giới tự nhiên” [64, tr.720].

Chính những đòi hỏi của thực tiễn đã đặt ra yêu cầu và “thúc ép” năng lực tư duy của con người phải biến đổi để đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn.

Thứ ba, quá trình giáo dục và tự giáo dục của chủ thể tư duy một cách tự giác nhằm hoàn thiện và phát triển năng lực tư duy lý luận.

Giáo dục là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần và thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đã đặt ra. Đây là quá trình có tính hai mặt, mặt thứ nhất là sự tác động bên ngoài vào đối tượng giáo dục; mặt thứ hai là thông qua sự tác động để con người tự giáo dục chính bản thân mình ngày càng hoàn thiện hơn. Sự phát triển và hoàn thiện con người có nhiều yếu tố tác động, song có thể khẳng định yếu tố giáo dục đóng vai trò chủ yếu. Nếu không có giáo dục, con người không thể tiếp cận và tiếp thu được nền văn hóa, văn minh của nhân loại, cũng như vận dụng những tri thức đã tiếp nhận được vào trong hoạt động sống, nhằm tác động vào cải tạo hiện thực sống của bản thân, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng xã hội. Tính độc lập tương đối và tính năng động của tư duy có nguồn gốc trực tiếp của hoạt động giáo dục. Do đó, năng lực tư duy lý luận của con người luôn tỷ lệ thuận với với vốn tri thức mà người đó thu nhận được từ quá trình giáo dục. Giáo dục là con đường ngắn nhất trang bị cho chủ thể những tri thức khoa học, đặc biệt là những nguyên tắc phương pháp luận của tư duy khoa học. Trên cơ sở đó, chủ thể tư duy lý luận mới nâng cao được năng lực khái quát hóa những tri thức bản chất, quy luật của các sự vật, hiện tượng ở trình độ lý luận, đồng thời vận dụng sắc bén, sáng tạo lý luận đó vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn.

Tuy nhiên, kiến thức của loài người thì phát triển như vũ bão và luôn tăng theo cấp số nhân mà thời gian ngồi trên ghế nhà trường là rất ngắn ngủi. Chính vì vậy, kiến thức mà người học được trang bị ở nhà trường chỉ là những kiến thức cơ bản nhất. Để đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc sống trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì mỗi người phải không ngừng tự giáo dục bản thân mình. Con người là một thực thể tích cực,

có khả năng cải tạo hoàn cảnh xung quanh, đồng thời có khả năng tự uốn nắn, cải tạo bản thân để ngày một hoàn thiện hơn. Tự giáo dục là một dạng hoạt động thực tiễn mang tính độc lập, tự chủ và có tính tự giác cao nó giúp mỗi người không ngừng nâng cao năng lực trí tuệ và sự sáng tạo để đáp ứng yêu cầu hoạt động của từng lĩnh vực cụ thể. Tự giáo dục là một hoạt động tự giác có hệ thống của cá nhân, nhằm hình thành cho mình những phẩm chất nhân cách có giá trị xã hội, khắc phục những thiếu sót của hành vi, để tự hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu của xã hội và kế hoạch phát triển của cá nhân. Do đó, tự giáo dục là hình thức cao nhất trong hoạt động giáo dục của chủ thể nó thể hiện tính tự giác, trách nhiệm của chủ thể đối với công việc, nhiệm vụ được phân công. Thông qua giáo dục và tự giáo dục, con người được cung cấp những tri thức khoa học một cách khái quát, có hệ thống, nắm bắt được phương pháp tư duy khoa học và vận dụng vào hoạt động thực tiễn nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

Thứ tư, hoạt động thực tiễn với tư cách là nhân tố trực tiếp làm hình thành và phát triển năng lực tư duy lý luận.

Trong mối quan hệ của con người với tự nhiên và xã hội, thông qua hoạt động thực tiễn mà nhận thức, năng lực tư duy của con người mới dần hình thành và phát triển. Thực tiễn vừa là cơ sở, vừa là mục đích, động lực, vừa là tiêu chuẩn để kiểm tra tính đúng đắn của nhận thức. Chính thông qua hoạt động thực tiễn, sự tương tác, va chạm giữa chủ thể nhận thức với khách thể mà sự phản ánh của tư duy ngày càng tiến sâu vào các tầng bậc bản chất của đối tượng, khám phá được mặt bản chất, tính quy luật của đối tượng thông qua những hiện tượng bề ngoài mà đối tượng bộc lộ ra. Khi thực tiễn phát sinh những vấn đề mới cũng là lúc nó đặt ra yêu cầu của sự khái quát lý luận, nhờ đó, năng lực nắm bắt, nhạy bén, khái quát hóa, trừu tượng hóa, sáng tạo trong nhận thức ..., của tư duy lý luận ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Mặt khác, quá trình hoạt động thực tiễn của chủ thể là cơ sở để chủ thể

rèn luyện, ngày càng hoàn thiện và nâng cao năng lực tư duy của mình.

Như vậy, mặc dù phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhưng năng lực tư duy lý luận của con người không phải là yếu tố bẩm sinh, có sẵn (đây chỉ là điều kiện cần) mà chủ yếu là kết quả của quá trình tự giác, chủ động trong học tập, rèn luyện, hoạt động thực tiễn của chủ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Năng lực của con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có” [68, tr.280].

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh ở đắk lắk hiện nay (Trang 44 - 50)