Chính sách giáo dục tiếng An hở Thái Lan từ thời Rama

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách ngôn ngữ về tiếng anh của thái lan và những gợi ý cho việt nam (Trang 40 - 48)

6. Bố cục của luận văn

2.2. Chính sách giáo dục tiếng An hở Thái Lan qua các thời kỳ

2.2.1. Chính sách giáo dục tiếng An hở Thái Lan từ thời Rama

2.2.1.1. Bối cảnh xã hội thời Rama III đến Rama V

Vào thời vua Rama III (1824-1851), những thương gia người Anh vào Thái Lan nhằm mở rộng buôn bán, đồng thời phong trào thực dân đang gia tăng ở châu Á lúc bấy giờ. Nhận thấy sự cần thiết phải bảo vệ đất nước tránh khỏi nguy cơ xâm lược, những nhà cầm quyền Thái Lan đã ký các hiệp ước thương mại với Anh và Mỹ với hy vọng vừa thiết lập được mối quan hệ hữu nghị với các đế quốc vừa giữ được chủ quyền của Thái Lan. Những nhà truyền giáo người Mỹ cũng đến Thái Lan trong thời gian này nhằm truyền bá tư tưởng đạo Thiên chúa đến người dân Thái Lan nhưng họ đã không thể thuyết phục được người Thái như mong đợi. Không thành công trong việc truyền bá ảnh hưởng tôn giáo, những nhà truyền giáo đã chuyển hướng sang việc đóng góp cho các lĩnh vực khác như là lĩnh vực y tế với việc sử dụng cơ sở chuyên khám bệnh và phát thuốc đầu tiên ở Thái Lan hay lĩnh vực công nghệ với sự ra đời của tờ báo in đầu tiên của Thái. Cũng vì điều này mà Mỹ có thể coi là quốc gia đặt nền móng cho sự trao đổi về ngôn ngữ và văn hóa giữa những người nói tiếng Anh và người Thái ở Thái Lan.

Đến thời vua Rama IV (1851-1868), ông nhận ra được nguy cơ đô hộ của thực dân phương Tây là rất cao, nên ông đã đưa ra các chính sách ngoại giao khôn khéo nhằm bảo vệ Thái Lan không bị xâm lược. Theo đó, các hiệp ước ký với các nước châu Âu cũng trở nên linh hoạt hơn, mối quan hệ giữa Thái Lan với Anh và Mỹ được củng cố. Được sự cho phép của vua Rama IV, những quan chức, thương gia và những người lao động từ Miến Điện (Myanmar) đến Chiang Mai (một tỉnh ở phía Bắc của Thái Lan, tiếp giáp với Miến Điện) thăm quan, làm việc và cư trú ở đây. Vốn đang là thuộc địa của Anh lúc bấy giờ, những người Miến Điện đã mang theo cả ngôn ngữ tiếng Anh đến đây, vì thế mà bên cạnh thủ đô Băng Cốc, Chiang Mai đã trở thành một thủ phủ nữa của những người nói được tiếng Anh ở Thái Lan. Ở miền Nam Thái Lan, những người lao động Trung Quốc di cư đến Phuket làm thuê cho những ông chủ

người Anh và cũng bắt đầu làm quen với tiếng Anh được sử dụng ở đây (Bennui, P. & Hashim, A., 2014).

Thời vua Rama V (1867-1910), tiếng Anh đã trở thành ngoại ngữ chiếm ưu thế nhất ở Thái Lan. Trong thời gian này, số lượng người phương Tây đến Thái Lan tăng cao, tạo ra một nhu cầu lớn hơn cho việc học tiếng Anh của người Thái. Dưới thời vua Rama V, có rất nhiều người Anh và Mỹ sống ở Thái Lan đã kết hôn với những người địa phương và sinh ra thế hệ tiếp theo là những đứa trẻ lai có thể nói cả hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Thái (Bennui, P. & Hashim, A., 2014).

2.2.1.2. Chủ trương về giáo dục tiếng Anh thời Rama III đến Rama V

Thời vua Rama III, giao thương quốc tế phát triển, những nhà lãnh đạo đất nước lúc bấy giờ coi tiếng Anh là một công cụ quan trọng trong trao đổi thương mại với những người ngoại quốc (Rappa & Wee, 2006). Vua Rama III cũng rất ủng hộ những tiến bộ về giáo dục, y tế và công nghệ mà những nhà truyền giáo giới thiệu ở Thái Lan và tin rằng hiện đại hóa sẽ giúp cho Thái Lan vượt lên được những đối thủ cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Để có thể bắt kịp được với những tiến bộ này, vua Rama III xác định việc học tiếng Anh là rất cần thiết và ông bắt đầu cho triển khai việc dạy tiếng Anh lần đầu tiên ở Thái Lan thông qua những nhà truyền giáo người Mỹ (Wongsathorn, 2000).

Tiếp nối vua Rama III, vua Rama IV chủ trương coi tiếng Anh là công cụ trợ giúp việc bảo vệ đất nước và hiện đại hóa nên ông rất coi trọng việc dạy và học tiếng Anh.

Đối với vua Rama V, ông vẫn tiếp tục ý tưởng của cha mình (vua Rama IV) về việc sử dụng tiếng Anh để đối phó với chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, do lo sợ trước những tiến bộ công nghệ của phương Tây sẽ đe dọa đến bản sắc của Thái Lan, chủ trương của ông là học tiếng Anh chỉ để giao tiếp, không hơn không kém (Darasawang, 2007).

2.2.1.3. Kế hoạch và biện pháp về giáo dục tiếng Anh thời Rama III đến Rama V

Xác định được tầm quan trọng của tiếng Anh, vua Rama III đã yêu cầu các con cháu trong hoàng gia cùng với một nhóm các quan chức và các nhà quản lý trong

cung điện học tiếng Anh (Baker, 2008; Foley, 2005). Việc dạy tiếng Anh dưới thời vua Rama chỉ giới hạn trong hoàng cung.

Đến thời vua Rama IV, ông quyết định học tiếng Anh và trở thành vị vua đầu tiên có có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài mà không cần đến sự trợ giúp của phiên dịch (Durongphan, Aksornkool, Wannawech & Tiancharoen, 1982). Ông khuyến khích các thành viên trong hoàng gia và những nhà quý tộc học tiếng Anh và khoa học phương tây để đảm bảo rằng Thái Lan có thể tự tiến hành hiện đại hóa đất nước trước khi „bị‟ hiện đại hóa bởi chủ nghĩa đế quốc (Bennui, P. & Hashim, A., 2014). Năm 1851, vua Rama IV thuê những chuyên gia người Mỹ để dạy tiếng Anh cho những người vợ, các con của mình và các thành viên trong gia đình hoàng gia. Lớp học được tổ chức 6 ngày một tuần, và duy trì hoạt động được khoảng 3 năm. Ngoài ra, vua Rama IV còn gửi các học giả người Thái đi nghiên cứu ở châu Âu. Trong thời gian này, các sách giáo khoa tiếng Anh đầu tiên, sách bài tập tiếng Anh, từ điển Anh – Thái và Thái – Anh đã được xuất bản (Sukamolson, 1998, dẫn theo Bennui, P. & Hashim, A., 2014). Năm 1857, vua Rama IV bắt đầu tiến hành hiện đại hóa đất nước bằng việc khuyến khích giới quý tộc học tiếng Anh và khoa học và xóa bỏ những phong tục lạc hậu để tạo điều kiện cho việc phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa Thái Lan và các nước châu Âu. Kết quả là, thông qua việc sử dụng tiếng Anh, mối quan hệ giữa nhà vua, gia đình hoàng gia, giới quý tộc với những người Anh và Mỹ đã được duy trì rất tốt; việc dạy và học tiếng Anh đã không còn bị giới hạn trong hoàng cung, thêm vào đó là những người giàu có bên ngoài xã hội và thậm chí có cả người dân thường đã bắt đầu học ngôn ngữ này.

Trước sự ngày càng phổ biến của tiếng Anh, vua Rama V tin rằng nhiều người Thái hơn cần học tiếng Anh và đi học nước ngoài vì điều này cần thiết cho sự hiện đại hóa và tiến bộ của đất nước (Wongsathorn, 2000). Bản thân ông là người có năng lực về tiếng Anh và hiểu biết sâu rộng về phương Tây, hai chuyến viếng thăm châu Âu của ông vào năm 1897 và 1907 đã để lại được ấn tượng tích cực đối với các nhà lãnh đạo châu Âu. Ông đã yêu cầu các các con của mình học tiếng Anh và thêm một trong hai ngoại ngữ nữa là tiếng Pháp hoặc tiếng Đức (Dhiravegin, 1975, dẫn theo Bennui, P. & Hashim, A., 2014). Ông tiếp tục thuê những chuyên gia nước ngoài để giúp đỡ việc hiện đại hóa đất nước và tiếng Anh chính là ngôn ngữ làm việc giữa các nhà quản

lý của hoàng gia với những chuyên gia nước ngoài này. Ngoài ra, ông cũng trao tặng học bổng đi học nước ngoài cho những người thông thạo tiếng Anh. Năm 1872, ông thành lập một trường dạy tiếng Anh đầu tiên nằm trong hoàng cung dành cho con cái của các quan chức trong hoàng gia. Sau đó, có thêm 15 trường nữa được mở ra ở các tỉnh lớn của Thái Lan và dạy tiếng Anh như là một môn học. Lúc đầu, các lớp học tiếng Anh được giảng dạy bởi những người phương Tây với sách giáo khoa tiếng Anh do chính họ biên soạn dựa theo những gì mà họ cho là cần thiết với học sinh Thái lúc bấy giờ (Kulsiri, 2006), vì vậy mà không có một chương trình học chính thức, số giờ học tiếng Anh một tuần cũng không cố định. Các kỹ thuật giảng dạy thời này là ngữ pháp dịch và học thuộc lòng. Nhìn chung thì việc dạy tiếng Anh thời kỳ này cũng đạt được hiệu quả nhất định vì quy mô các lớp học khá nhỏ và giáo viên là người bản ngữ. Tuy nhiên, có hai vấn đề chính được đặt ra. Thứ nhất là do rào cản về ngôn ngữ nên giáo viên và học sinh thường xuyên phải sử dụng ngôn ngữ phi lời (non-verbal) và phụ thuộc nhiều vào từ điển để dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia. Thứ hai là chương trình học không cố định bài bản nên kiến thức mà học sinh đạt được không đồng đều.

Năm 1892, Bộ Giáo dục được thành lập và một chương trình dạy tiếng Anh chính thức được xây dựng, các tiêu chuẩn tiếng Anh đã được bổ sung vào chương trình học và các kỳ thi (Durongphan et al., 1982). Đây là chương trình học 6 năm, tập trung vào kỹ năng đọc, viết và dịch. Ở các trường tư ở Bangkok và Chiang Mai, tiếng Anh được sử dụng là phương tiện giảng dạy cho tất cả các môn học (trừ môn tiếng Thái). Năm 1898, nhóm giáo viên người Thái đầu tiên đã bắt đầu dạy tiếng Anh tại một số trường học (Kulsiri, 2006).

Có thể thấy, cả ba vị vua của Thái là Rama III, IV và V đều ý được tầm quan trọng của tiếng Anh và hiểu rằng tiếng Anh là cần thiết trong mối quan hệ giữa Thái Lan với các nước phương Tây, giúp cho Thái Lan không phải chịu ảnh hưởng của chiến tranh. Nhờ có tiếng Anh mà những nhà lãnh đạo làm việc được với các thương gia và các nhà ngoại giao nước ngoài mà không cần đến phiên dịch, đồng thời cũng giúp học sinh Thái Lan tiếp cận được với những công nghệ hiện đại giúp phát triển đất nước.

2.2.2. Chính sách giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan từ thời Rama VI đến năm 1960 (1910 – 1960)

2.2.2.1. Bối cảnh xã hội thời Rama VI đến 1960

Dưới thời vua Rama VI (1910-1925), Thái Lan phát triển hiện đại hơn với nhiều dự án cơ sở hạ tầng được hoàn thành. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Mỹ bắt đầu thể hiện vai trò nhiều hơn về chính trị, quân sự và giáo dục ở Thái Lan, vì thế văn hóa phương Tây ngày càng ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống ở xã hội Thái Lan (Bennui, P. & Hashim, A., 2014). Ở lĩnh vực báo chí, khác với sự thịnh hành của nhiều tờ báo tiếng Anh như ở các thời vua trước, dưới thời vua Rama VI chỉ có duy nhất một tờ báo tiếng Anh được phát hành vì lúc này những tờ báo viết bằng tiếng Thái đã bắt đầu trở nên phổ biến.

Đến thời kỳ vua Rama VII trị vì (1925-1935), do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, những chuyên gia nước ngoài ở Thái Lan đã được thay thế bởi những viên chức người Thái được giáo dục ở phương tây về. Ngoài ra, công cuộc hiện đại hóa đất nước diễn ra từ thời vua Rama V lúc này đã lan rộng sang một số tỉnh lớn khác của Thái Lan. Hệ thống đường sắt kết nối các khu vực đã được hoàn thiện hơn, tàu lửa trở thành được những người Anh và những người lao động Miến Điện sử dụng phổ biến để di chuyển giữa miền bắc và miền nam Thái Lan. Nhờ có hạ tầng giao thông phát triển, những người Anh ở Miến Điện và Malaysia có thêm cơ hội giao tiếp với những người dân địa phương ở Thái Lan (Bennui, P. & Hashim, A., 2014).

Năm 1932, với sự thay đổi từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến, bộ máy chính quyền ở Thái Lan bao gồm một thủ tướng và các thành viên chính phủ nắm vai trò quan trọng ảnh hưởng đến mối quan hệ chính trị xã hội giữa các đoàn đại biểu Anh và Mỹ. Bên cạnh đó, trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai, những công dân Anh và Mỹ sinh sống ở miền Bắc và miền Nam Thái Lan phải đối mặt với những vấn đề về địa vị của họ ở Thái Lan vì lúc này quân đội Nhật sử dụng Thái Lan như một lối đi để hành quân tiến vào Miến Điện và Malaysia. Mối quan hệ giữa những người Thái với người Anh-Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ, một số công ty lâm nghiệp của người Anh ở Chiang Mai phải ngừng hoạt động, các công ty khai thác quặng thiếc của người Anh Malay ở Phuket, Ranong và Pang-nga tạm thời

ngừng sản xuất do sự chiếm đóng của quân Nhật trên các hòn đảo ở đây (Bennui, P. & Hashim, A., 2014).

Những năm 1950, với sự chấm dứt của đế chế Anh ở Miến Điện và Malaysia, ảnh hưởng của Anh đến xã hội Thái Lan cũng giảm đi và được thay thế bởi những ảnh hưởng của Mỹ. Từ năm 1950 đến 1964, Mỹ tăng cường trợ giúp cho Thái Lan về quân sự, kinh tế, kỹ thuật và giáo dục. Cộng đồng người Mỹ ở Thái cũng mở rộng đáng kể trong thời gian này (Bennui, P. & Hashim, A., 2014).

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1964-1973), đã có khoảng 50,000 lĩnh Mỹ đóng quân ở miền trung, miền đông nam và đông bắc Thái Lan, vì thế người dân địa phương bị ảnh hưởng nhiều bởi phong cách sống của người Mỹ về ăn uống, thời trang hay âm nhạc.

Sự tương tác giữa quân đội Mỹ với người dân Thái đã có những ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực. Một mặt, nguồn trợ cấp dồi dào của quân đội Mỹ đã giúp kinh tế Thái Lan phát triển hơn, nhiều người Thái ở những tỉnh thành nơi có lính Mỹ đóng quân tìm được những cơ hội việc làm và kinh doanh như là may đo đồng phục cho lính Mỹ, mở các địa điểm giải trí phục vụ lính Mỹ nghỉ ngơi. Mặt khác, nhiều người Thái bảo thủ lại cho rằng quân đội Mỹ đã để lại nhiều vấn đề cho xã hội Thái Lan, như là ma túy, mại dâm và đặc biệt là hình ảnh về Thái Lan như là một thiên đường du lịch sex.

2.2.2.2. Chủ trương về giáo dục tiếng Anh thời Rama VI đến năm 1960

Mặc dù vua Rama VI là người được giáo dục ở châu Âu, muốn đẩy mạnh giáo dục Thái Lan phát triển theo phong cách phương tây nhưng ông không muốn người Thái bắt chước văn hóa phương Tây vì ông lo sợ họ sẽ đánh mất bản sắc của dân tộc mình. Vì vậy, ông khuyến khích người Thái biết chọn lọc những nét văn hóa phương Tây sao cho phù hợp với nhu cầu của họ, trong đó đề cao việc học tiếng Anh cho thật tốt.

Tuy nhiên, lúc này chính sách giáo dục phổ thông vẫn chưa thực sự phát triển nên những người Thái thuộc tầng lớp lao động trong xã hội ít có cơ hội được tiếp cận với việc học tiếng Anh. Tình trạng này đã được cải thiện vào năm 1921 khi vua Rama VI ban hành Luật giáo dục bắt buộc, trong đó yêu cầu trẻ em từ 4 đến 8 tuổi (lớp 1

đến lớp 4) phải đến trường và tiếng Anh trở thành một môn học bắt buộc từ lớp 5 (Methitham & Chamcharatsri, 2011). Có hai mục tiêu nổi bật trong luật này, một là tạo ra những con người có tư tưởng tiến bộ và hai là cung cấp cho thế hệ trẻ ở Thái Lan kiến thức đầy đủ về tiếng Anh để có thể giao tiếp được trong một lớp học nói tiếng Anh (Aksornkul, 1980, dẫn theo Methitham & Chamcharatsri, 2011). Với quy định rõ ràng trong luật giáo dục, tiếng Anh dưới thời vua Rama VI được coi là một ngôn ngữ học thuật hơn là một công cụ giao tiếp so với các thời vua trước.

Khi hệ thống chính trị thay đổi từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932 (dưới thời vua Rama VII), chính phủ mới chủ trương mang lại giáo dục bình đẳng cho tất cả công dân, nhiều cải cách giáo dục đã được thực hiện để nâng cao năng lực tiếng Anh cho người Thái.

2.2.2.3. Kế hoạch và biện pháp về giáo dục tiếng Anh từ thời Rama VI đến 1960

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách ngôn ngữ về tiếng anh của thái lan và những gợi ý cho việt nam (Trang 40 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)