6. Bố cục của luận văn
2.2. Chính sách giáo dục tiếng An hở Thái Lan qua các thời kỳ
2.2.5. Những nhận xét rút ra
(1) Giáo dục tiếng Anh luôn được chính phủ quan tâm và đầu tư
Trải qua các giai đoạn trong lịch sử với những bối cảnh xã hội khác nhau, tiếng Anh vẫn giữ được vị trí của một ngoại ngữ quan trọng đối với Thái Lan, vì thế giáo dục tiếng Anh luôn được chính phủ quan tâm và đầu tư với những chương trình và kế hoạch cụ thể. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mà gần đây nhất là sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, chính phủ Thái Lan đã cho thấy những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của tiếng Anh như là một ngôn ngữ làm việc và giao tiếp trong khu vực, đồng thời đầu tư vào phát triển giáo dục tiếng Anh để đào tạo ra những con người có kỹ năng ngoại ngữ đáp ứng được với những yêu cầu của quốc tế.
(2) Ảnh hưởng của tiếng Thái và bản sắc dân tộc đến chính sách ngôn ngữ
Trong số các ngôn ngữ được nói ở Thái Lan, tiếng Thái chiếm ưu thế vượt trội trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là truyền thông và chính trị (Smalley, 1994). Việc rút lại đề xuất của Bộ trưởng Bộ giáo dục năm 2010 về việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức của Thái Lan hay sự khó khăn trong việc triển khai chương trình “Năm nói tiếng Anh 2012” đã phần nào cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của tiếng Thái và bản sắc dân tộc Thái đến chính sách ngôn ngữ và thực thi chính sách ngôn ngữ ở Thái Lan. Sự ảnh hưởng đó được thể hiện ở hai điểm như sau. Thứ nhất, chính sách ngôn ngữ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chủ nghĩa dân tộc (Feigenblatt et al., 2010). Có thể nói là có rất ít các tài liệu chính thức liên quan đến chính sách ngôn ngữ ở Thái Lan, bởi lẽ có thể những tài liệu như vậy sẽ tạo ra những nghi ngờ về vai trò chủ chốt của tiếng Thái đối với quốc gia. Thứ hai, ở Thái Lan, giáo dục là lĩnh vực duy nhất mà chính sách ngôn ngữ được ban hành và thực thi bởi vì chính phủ muốn tạo ra và thúc đẩy “sự thống nhất về ngôn ngữ” trong một xã hội đa ngôn ngữ của Thái Lan “thông qua hệ thống giáo dục” (Smalley, 1994, tr.4). Các tài liệu có liên quan đến chính sách ngôn ngữ chủ yếu là bàn về ngôn ngữ trong giáo dục và trong các tài liệu này, tiếng Thái luôn là ngôn ngữ được ưu tiên vì lý do an ninh quốc gia và hòa hợp các sắc tộc (Rappa & Wee, 2006).