VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ TRONG CHÍNH TRỊ VÀO GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
2.1.1. Những thành tựu đạt được về dân chủ trong chính trị.
Từ khi bước vào đổi mới, nhà nước ta đã có một bước chuyển khá căn bản từ một nhà nước tác nghiệp sự vụ, trực tiếp giải quyết mọi vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục... một nhà nước thời chiến - sản phẩm của nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, từng bước chuyển sang một nhà nước điều hành và quản lý xã hội bằng pháp luật. Và nay đang chuyển sang nhà nước của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chức năng công quyền quản lý xã hội chủ yếu bằng hoạch định chính sách vĩ mô, xây dựng thể chế pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật, tổ chức cung cấp dịch vụ công ... Đó là một bước tiến lớn trên con đường xây dựng nhà nước dân chủ. Nhà nước đã trải qua quá trình phát triển liên tục cả bề rộng lẫn chiều sâu. Các vấn đề lý luận về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước vạch ra ngay từ những ngày đầu của công cuộc đổi mới, mang tính định hướng lâu dài cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước từng bước được kiện toàn, từ cơ cấu tổ chức đến cơ chế hoạt động trên các lĩnh vực hành pháp, lập pháp và tư pháp. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy. Ổn định chính trị xã hội được giữ vững.
Chủ tịch nước được xác định là người đứng đầu nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại. Vị trí của Chủ tịch nước được xác định rõ trong các mối quan hệ trong bộ máy nhà nước.
Hoạt động của bộ máy hành pháp cũng có những bước chuyển biến tốt. Bộ máy Chính phủ và bộ máy chính quyền địa phương được kiện toàn một bước về tổ chức và hoạt động có hiệu quả. Chính quyền địa phương chất lượng hoạt động được tăng cường. Việc phân cấp giữa trung ương và địa phương đựoc thực hiện mạnh. Cải cách hành chính đã được tiến hành trên nhiều lĩnh vực và cải cách tổ chức bộ máy. Đội ngũ cán bộ công chức ngày càng được nâng cao về chất lượng và đạo đức tác phong…
Đối với các cơ quan tư pháp, ngày càng phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của các ngành Toà án, Viện kiểm sát…Phương thức hoạt động của các cơ quan tư pháp được củng cố và đổi mới… công tác xét xử có tiến bộ, toà án có hội thẩm nhân dân, có luật sư bào chữa (do bị cáo thuê riêng hoặc do nhà nước cử), đã xét xử theo luật mà không bị chi phối bởi các cơ quan quyền lực nào khác.
Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội cũng có nhiều đổi mới: từ lẫn lộn chức năng, bao biện làm thay, nhất là ở cơ sở, đến lãnh đạo nhà nước bằng đường lối, bằng tổ chức và bố trí, sắp xếp cán bộ, bằng kiểm tra việc thực hiện đường lối thông các các đảng đoàn, các đảng viên trực tiếp làm công tác trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội. Bước đổi mới này vừa tăng cường được vai trò lãnh đạo của Đảng vừa tôn trọng, phát huy được trách nhiệm, tính chủ động và năng động trong các cơ quan nhà nước.
Trong các lĩnh vực thực hiện dân chủ về chính trị tiếp tục được đề cao. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua hai phương thức: dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp (dân chủ đại diện). Quyền dân chủ trong ứng cử, bầu cử, trong thảo luận đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật và sinh hoạt dân chủ trong các cơ quan dân cử, trong các đoàn thể xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng…. Có nhiều tiến bộ. Nhà nước đã ban hành những chính sách, pháp luật đối với tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam định cư ở nước ngoài … đã góp phần tạo nên bầu không khí dân chủ, cởi mở, đoàn kết dân tộc. Việc ban hành các quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình tốt hơn và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Cùng với việc mở rộng dân chủ chính trị, Đảng và Nhà nước ta đã kiên quyết đấu tranh chống lại tình trạng cực đoan dân chủ, vô chính phủ, vượt ra ngoài luật pháp, kiên quyết xứ lý một số phần tử xấu, lợi dụng dân chủ để kích động, gây rối. Vì vậy, mặc dù tình hình hình chính trị trên thế giới và trong nước phức tạp, nhưng xét về cơ bản, nền chính trị của Việt Nam vẫn ổn định, được giữ vững.
Ở nước ta hiện nay, toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị là nhằm bảo đảm thực thi quyền dân chủ của nhân dân. Những bước tiến trong hoạt động của hệ thống chính trị là cơ sở quan trọng để tạo nên những bước tiến của nền dân chủ xã hội. Nhờ nắm vững lý luận, tổng kết thực tiễn, nhận thức của Đảng về dân chủ chính trị ngày càng rõ hơn. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đã từng bước đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Hoạt động của các hội quần chúng hợp pháp ngày càng phong phú hơn, có hiệu quả hơn. Thực hiện quy chế hoá hoạt động, nhiều cơ quan đảng ở Trung ương đến địa phương đã đổi mới hoạt động của mình theo hướng ngày càng thể hiện tính chất dân chủ. Sinh hoạt dân chủ trong nội bộ Đảng có bước tiến rõ rệt.
Hội nghị Trung ương 9 khoá IX nhận định: “Việc phát huy dân chủ, giữ vững
kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa theo hướng đảm bảo
quyền công dân và phục vụ nhân dân đang được triển khai có kết quả”1.
Thực tế đã chứng minh dân chủ xã hội chủ nghĩa của nước ta phải gắn liền với ổn định chính trị và an ninh quốc gia.
Đảng ta coi đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực của sự phát triển xã hội, coi phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" là biểu hiện cụ thể về thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong đời sống ở cơ sở. Trong Quy chế Dân chủ ở cơ sở, Nhà nước đã quy định những việc, những nội dung để nhân dân được biết, được bàn, được quyết định, được làm, được kiểm tra. Đó thực sự là một bước tiến trong việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và nâng cao chất lượng dân chủ đại diện của nhân dân.
Thực tế 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30, ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã chứng minh được tính đúng đắn và sáng tạo của sự lãnh đạo của Đảng ta. Quy chế Dân chủ ở cơ sở thể hiện ý Đảng hợp với lòng dân, đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực thực hiện. Quy chế đã đem lại nhiều kết quả và ý nghĩa thiết thực về nhiều mặt, góp phần làm chuyển biến đáng kể nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể, giữ vững sự ổn định và phát triển chế độ chính trị từ cơ sở, tạo động
1Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khoá IX, Nxb. CTGQ, H., 2004, tr.46. IX, Nxb. CTGQ, H., 2004, tr.46.
lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm cho người dân có điều kiện tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và đoàn thể với nhân dân.
Trong cuộc sống ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được tôn trọng, sức mạnh về vật chất và tinh thần của nhân dân được thể hiện thành các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng đời sống văn hóa. Bằng sức mạnh của Nhà nước và của nhân dân, hàng vạn công trình lớn nhỏ như: đường giao thông, công trình thủy lợi, thủy điện, trường học, trạm y tế, bệnh viện đã được xây dựng với hàng ngàn tỉ đồng và hàng chục triệu ngày công do nhân dân đóng góp; hàng vạn ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, vườn cây tình nghĩa, nhiều tỉ đồng tiền trợ giúp, sổ tiết kiệm, sổ bảo hiểm... được trao tặng cho các hộ nghèo và các gia đình chính sách, gia đình có công với nước. Việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở còn góp phần làm chuyển biến phương thức lãnh đạo, công tác điều hành, quản lý và lề lối làm việc của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nâng cao thêm tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, tạo dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội…
Những thành tựu trên đây tuy mới chỉ là bước đầu, nhưng nó rất quan trọng, đánh dấu sự đổi mới vĩ đại của nhân dân ta, từ địa vị nô lệ sang địa vị làm chủ, nó đặt nền tảng vững chắc cho sự đổi mới và phát triển nhà nước ta trên con đường phấn đấu trở thành nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, thực hiện dân chủ hoá trong đời sống chính trị của đất nước.