1.2.2.1. Gía trị lý luận
Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại góp phần bổ sung, phát triển làm phong phú lí luận chủ nghĩa Mác - Lênin về ứng xử của giai cấp vô sản với những vấn đề quốc tế.
Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời khi giai cấp công nhân trở thành giai cấp tiên tiến nhất, đại diện cho phương thức sản xuất hiện đại nhưng lại là giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất. Cùng với đó, giai cấp tư sản đã bộc lộ sự lỗi thời, lạc hậu, hiếu chiến và phản động. Bằng sự áp bức giai cấp công nhân ở các nước tư bản và sự xâm chiếm, áp bức, bóc lột nhân dân lao động ở các nước thuộc địa, giai cấp tư sản đã tạo ra một mâu thuẫn mới trên thế giới. Tức là, bên cạnh mâu thuẫn gay gắt không thể điều hòa giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân ở các nước tư bản, giai cấp tư sản còn tạo ra sự căm phẫn của nhân dân các nước thuộc địa. Vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định, trong tất cả các giai cấp hiện đang tồn tại, chỉ có giai cấp công nhân là tiên tiến nhất và là giai cấp có sứ mệnh lịch sử là người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.
Theo đó, giai cấp công nhân phải là giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiền phong của mình là Đảng Cộng sản, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là lãnh đạo công tác đối ngoại để có chủ trương, đường lối và hoạt động ứng xử đúng đắn với các vấn đề quốc tế. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ quan điểm và hành động ứng xử của những người cộng sản đó là: phải lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giành lấy chính quyền, trở thành giai
cấp dân tộc, sau đó sử dụng chính quyền nhân dân để cải tạo xã hội cũ xây dựng xã hội mới; về hành động cụ thể là, dùng bạo lực để lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Do đó, “Sau hết, những người cộng sản ở mọi nơi đều phấn đấu cho sự đoàn kết và sự liên hợp của các đảng dân chủ ở tất cả các nước”. C.Mác và Ph.Ăngghen nêu khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại” [38, tr.139]. Từ sự nghiên cứu cụ thể về mâu thuẫn giữa tư sản với vô sản ở các nước tư bản phát triển, các Ông đã khẳng định: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”. Như vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen chưa chỉ ra quan điểm và cách thức cụ thể trong đối ngoại của các nước thuộc địa với các nước chính quốc và theo đó, chưa phát huy hết các lực lượng trong đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Kế thừa và phát triển quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen trong điều kiện lịch sử mới, nhất là sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), khi mà tất cả các dân tộc và các giai cấp bị áp bức trên toàn thế giới nhận rõ sự lừa dối, bịp bợm của chế độ dân chủ tư sản. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “…điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa là phải làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản”[75, tr.199]. Như vậy, V.I. Lênin đã chỉ ra cho các nước thuộc địa đối tượng cần đánh đổ, đối tác cần phải đoàn kết trong hoạt động đối ngoại khi chủ nghĩa thực dân đang lan rộng khắp thế giới. Mặc dù đã đề cao vai trò của các nước thuộc địa trong sự nghiệp đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc, nhưng Quốc tế Cộng sản vẫn cho rằng, thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở các nước chính quốc.
Hồ Chí Minh luôn nhận rõ quy luật phát triển không đều giữa các quốc gia, tôn trọng các giá trị truyền thống và sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc. Người không cho rằng cách mạng vô sản có thể thành công ở đồng loạt tất cả các nước. Bởi lẽ, mỗi quốc gia, dân tộc có đặc điểm, tiềm năng cách mạng riêng và thắng lợi của cách mạng ở mỗi nước phụ thuộc vào sự nỗ lực, tự lực, tự cường của giai cấp lãnh đạo và nhân dân ở nước đó. Trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp thuộc địa, do Người soạn thảo đã viết: “Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em” [38, tr.138]. Tuy nhiên, quy luật phát triển sẽ tạo ra xu thế và tiền đề thuận
lợi cho cách mạng mỗi nước. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta đều biết từ đời xưa đến đời nay, cách sản xuất từ chỗ dùng cành cây, búa đá phát triển dần đến máy móc, sức điện, sức nguyên tử. Chế độ xã hội cũng phát triển từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản chủ nghĩa và ngày nay gần một nửa loài người đang tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ cộng sản chủ nghĩa. Sự phát triển và tiến bộ đó không ai ngăn cản được” [51, tr.600-601]. Như vậy, tính đúng đắn về ứng xử trong đối ngoại của mỗi quốc gia bị chi phối bởi bản chất của giai cấp thống trị, nhận thức của lãnh tụ chính trị, của đảng cầm quyền về quy luật khách quan, xu thế thời đại và mục tiêu phát triển của đất nước.
Trên cơ sở phát huy truyền thống dân tộc, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về đối ngoại, Hồ Chí Minh khẳng định, cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa phải hòa cùng dòng chảy chung của cách mạng thế giới, phải đi theo con đường cách mạng vô sản, phải đoàn kết với các nước thuộc địa khác, với giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước chính quốc. Người còn chỉ rõ, cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa chẳng những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, mà còn có thể chủ động nổ ra, giành thắng lợi trước và sẽ giúp cho giai cấp vô sản ở chính quốc giành thắng lợi.
Thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại là cơ sở lý luận để Đảng và Nhà nước ta đề ra quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại phù hợp trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, tư tưởng của Người nói chung, tư tưởng đối ngoại nói riêng đã hòa quyện trong mọi chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách đối ngoại của Nhà nước. Trên cơ sở tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xác lập quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng. Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta xác định, phải quyết tâm đánh đổ sự thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, quyết tâm giành độc lập dân tộc và quyền làm chủ cho nhân dân. Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đang ta đã chỉ rõ hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là chống đế quốc và chống phong kiến. Hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, Cương lĩnh chỉ rõ: Có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa. Vấn đề đối ngoại cũng được chỉ rõ trong Sách lược vắn tắt của Đảng rằng…trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức
dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp. Như vậy, tư tưởng chủ đạo về đối ngoại trong Cương lĩnh là, một mặt phải cương quyết đánh đổ chủ nghĩa thực dân, một mặt phải đoàn kết chặt chẽ với các giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản và nhân dân các nước thuộc địa khác.
Với quan điểm, đối ngoại là một bộ phận cơ bản của cách mạng, vừa là nguồn gốc, vừa là mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng và phải phục vụ cho mục tiêu cách mạng, Hồ Chí Minh luôn nhất quán nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Quan điểm đó đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong đối ngoại để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thời điểm gay go, phức tạp nhất vào cuối năm 1945, đầu năm 1946. Sau khi đất nước được độc lập, có quyền tự quyết, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã sớm tuyên bố quan điểm, phương châm đối ngoại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 13-01-1947 trong Thư gửi lãnh tụ và nhân dân các nước Người viết: “Việt Nam chỉ muốn hoà bình và độc lập để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới...Việt Nam chỉ muốn giữ quyền độc lập của mình, chứ không hề xâm phạm đến ai” [41, tr.30]. Đây là quan điểm đối ngoại hòa bình, rộng mở, chấp nhận sự khác biệt về chế độ chính trị giữa các nước trên thế giới.
Khi thực dân Pháp rắp tâm cướp nước ta một lần nữa, tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh lại được quán triệt trong các chủ trương, đường lối của Đảng như: Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25-11-1945; Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” ngày 12-12-1946 của Trung ương Đảng. Trong kháng chiến chống Pháp, Đảng ta xác định đấu tranh ngoại giao là một mặt trận quan trọng nhằm triệt để cô lập kẻ thù, tranh thủ thêm nhiều bầu bạn, làm cho nhân dân thế giới kể cả nhân dân Pháp tán thành và ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi (7-5-1954), từ Hội nghị lần thứ sau Ban Chấp hành Trung ương khóa II (7-1954), sau đó là Hội nghị lần thứ bẩy (3-1955) và lần thứ tám (8-1955), Đảng ta đã xác định kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân ta là đế quốc Mỹ. Quán triệt tư tưởng “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làn nô lệ” và “không có gì quý quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nêu cao đường lối đối ngoại độc tập, tự chủ, quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, đưa cách mạng miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn, thông nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Về đối ngoại trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta chủ trương một mặt phải quyết tâm đánh và thắng Mỹ, mặt khác phải thực hiện đoàn
kết liên minh với các lực lượng cách mạng của thời đại, tranh thủ tối đã những điều kiện quốc tế thuận lợi cho cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại góp phần làm phong phú truyền thống nhân văn, hòa bình của dân tộc Việt Nam trong ứng xử với sự tác động từ nước ngoài.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, dân tộc Việt Nam đã tạo dựng lên truyền thống nhân văn và hòa bình trong ứng xử đối ngoại với các nước. Thực tế cho thấy, với vị trí địa lý nằm trên tuyến giao thông từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ rất sớm, Việt Nam đã tiếp nhận sự xâm nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau do quá trình giao thương giữa các dân tộc. Mặc dù vậy, nhân dân Việt Nam không kỳ thị, phân biệt đối xử với bất cứ một giá trị văn hóa nào, mà luôn chủ động tiếp biến, Việt hóa cho phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, khi có thế lực ngoại bang muốn đồng hóa dân tộc Việt Nam thì nhân dân ta luôn kiên quyết đấu tranh để giành quyền độc lập và giữ gìn bản sắc văn hóa của mình.
Ngay trong cuộc khởi nghĩa đầu tiên năm 40-43 của Hai Bà Trưng để chống lại âm mưu độ hộ của phong kiến phương Bắc, Bà Trưng Trắc đã long trọng đọc lời thề trước khi xuất quân rằng: “Một xin rửa sách nước thù; Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược từ năm 981 đến năm 1077, Lý Thường Kiệt đã có bài thơ Thần, được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, trong đó thể hiện rõ quan điểm về ứng xử đối ngoại của dân tộc ta. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên, Trần Bình Trọng - một danh tướng nhà Trần, khi bị quân địch bắt và dụ hàng đã khảng khái tuyên bố: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã viết: “Nghĩ khó đội trời cùng quân địch; Thề không chung sống với giặc thù”. Cũng với tinh thần đó, trước khi xuất binh tiêu diệt quân xâm lược nhà Thanh, Nguyễn Huệ đã tuyên bố, “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng…đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Nguyễn Trung Trực - người anh hùng yêu nước trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX khi sa vào tay giặc đã dõng dạc tuyên bố: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.
Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử giữa nước, ông cha ta luôn nhất quán quan điểm đề cao độc lập dân tộc trong ứng xử đối ngoại, với ý chí thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ cho kẻ xâm lược. Tuy nhiên, trong quá trình ứng xử với các thế lực ngoại bang, dân tộc Việt Nam luôn chủ trương “Đem đại nghĩa thắng
hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Sẵn sàng hy sinh chống lại sự tàn bạo của kẻ thù để giữ vững giang sơn, bò cõi nhưng cũng luôn đối xử nhân văn, nhân đạo với kẻ thù khi chúng đã là kẻ bại trận. Trong lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của mình, dân tộc Việt Nam đã nhiều lần mở đường hiếu sinh, cấp ngựa, thuyền, lương thảo cho kẻ bại trận trở về quê hương.
Kế thừa, phát triển truyền thống nhân văn, nhân đạo trong đối ngoại của dân tộc, một mặt Hồ Chí Minh luôn đặt nên hàng đầu nhiệm vụ đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, mặt khác Người luôn nhắc nhở cán bộ, nhân dân và quân đội ta rằng: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước” [40, tr.30]. Trong kháng chiến chống Mỹ, Người nêu quyết tâm: “dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn” [50, tr.577]. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh chỉ chủ trương đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào chứ không chủ trương tiêu diệt toàn bộ lực lượng Mỹ, ngụy ở Việt Nam.
1.2.2.2. Gía trị thực tiễn
Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại trong tiến trình cách mạng Việt Nam