1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến nghèo đa chiều
1.3.1. Các chính sách và việc thực thi chính sách của Nhà nước
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất khẳng định rằng các chính sách và việc thực thi chính sách của Nhà nước tác động trực tiếp cùng chiều đến thực trạng nghèo đa chiều tại quốc gia đó. Cụ thể các chính sách như: việc làm/thất nghiệp, lạm phát, thu nhập và chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong chính
sách phát triển kinh tế để phản ánh mức độ xóa nghèo đa chiều của nền kinh tế và thành công hay thất bại của mỗi quốc gia (Deutsch và Silber, 2005).
Thứ nhất, các chính sách đầu tư phát triển khu công nghiệp, công nghệ cao, vùng sản xuất chuyên canh, khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp: quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu sản xuất công nghệ cao ở những vùng ven đô và khu vực nông thôn thuần túy tạo ra rất nhiều điều kiện thuận lợi cho Nhà nước và nhà đầu tư như thuận lợi trong công tác quy hoạch, lợi thế giá thành/suất đầu tư, cơ sở hạ tầng xã hội phát triển, cải thiện kinh tế người nông dân tuy nhiên chính sách đầu tư này cũng khiến rất nhiều người dân nông thôn rơi vào tình trạng thất nghiệp, nghèo việc làm. Sau khi thu hồi đất sản xuất nông nghiệp cho xây dựng khu cụm công nghiệp, địa phương không có kế hoạch đào tạo nghề kịp thời hoặc đào tạo nghề không ăn khớp với nhu cầu thực tế khiến người dân rơi vào thế bị động. Bên cạnh đó, hoạt động của các khu công nghiệp thường mang theo hệ lụy, bất cập như không thực hiện đúng và đầy đủ các nguyên tắc thu gom và xử lý rác thải, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, là những yếu tố tạo nên tình trạng nghèo môi trường sống của người dân.
Thứ hai, chính sách vĩ mô trợ cấp, hỗ trợ khu vực sản xuất nông nghiệp (tín dụng ưu đãi, trợ cước, trợ giá, bảo hộ sản phẩm trong nước...) nhằm hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện về vốn, ưu thế về giá thành và thị trường cho sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ra, từ đó nâng cao tỷ suất lợi nhuận, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và các loại hình HTX, doanh nghiệp chế biến nông phẩm, nâng cao đời sống vật chất cho người nông dân .
Thứ ba, về các chính sách trực tiếp liên quan đến các hộ nghèo, vùng nghèo (Dạy nghề, khuyến nông, khuyến công và hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức về tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống, chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, việc làm cho hộ nghèo..): Việc thực hiện các chính sách này có ảnh hưởng tích cực trực tiếp đối với người nghèo nhằm cung cấp công cụ, trang bị được cho người nghèo khả năng tự thoát nghèo, khả năng tự vệ trước những khó khăn bất ngờ. Tuy nhiên nếu việc triển khai tổ chức thực hiện chính sách rời rạc, không đầy đủ và đồng bộ, thiếu tính minh bạch và không điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng nhóm người nghèo thì hiệu quả thực hiện không cao, không giải quyết được những vấn đề căn bản của nghèo đói.
Thứ tư, chính sách của nhà nước (năng lực thực thi, công cụ thực thi, quy trình thực thi...). Bộ máy tổ chức thực thi chính sách nhà nước nhân tố đầu tiên ảnh hưởng đến tổ chức thực thi chính sách trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện
thường thường xuất hiện những vấn đề phát sinh, những vấn đề này sẽ nhanh chóng được giải quyết nếu máy vận hành trơn tru. Ngược lại khi bộ máy không phù hợp, bản thân nó sẽ tạo ra các nút thắt, từ đó gây trở ngại cho việc tổ chức thực hiện chính sách. Bộ máy này bao gồm các cá nhân và các phòng ban chức năng tham dự vào quá trình triển khai chính sách hỗ trợ. Năng lực của đối tượng thực thi chính sách do đó ảnh hưởng trực tiếp và không nhỏ đến việc triển khai chính sách cũng như giải quyết những tình huống phát sinh từ quá trình thực thi chính sách. Khi những đối tượng được giao trách nhiệm tổ chức thực thi chính sách hỗ trợ có năng lực, họ sẽ có thể vận dụng linh hoạt những cách làm hay, những phương án giải quyết đem lại lợi ích cho các bên từ đó đem lại thành công cho chính sách; ngược lại khi năng lực của đội ngũ này không tốt, công tác tổ chức thực thi chính sách sẽ gặp nhiều bất cập từ những phản ứng của những đối tượng thụ hưởng chính sách khi họ không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi, hoặc cảm thấy không được đối xử bình đẳng theo tinh thần của chính sách được ban hành.
Thứ năm, chính sách tuyên truyền và hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội (hoạt động truyền thông giảm nghèo, chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ về y tế, dịch vụ về giáo dục, chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, chính sách an sinh xã hội, trợ giúp người có công và các đối tượng người yếu thế, trợ giúp pháp lý cho người nghèo): nhằm giải thiểu nghèo trên cả ba phương diện chất lượng cuộc sống, y tế và giáo dục. Trang bị và củng cố kiến thức xã hội cho người nghèo, tăng cường sức khỏe, nâng cao trình độ học thức, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết được quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo.
Thứ sáu, các chính sách về bình đẳng giới: bình đẳng trong quan hệ gia đình, quan niệm trọng nam khinh nữ, ưu tiên cơ hội phát triển cho nam hơn nữ....v...v...cũng là một rào cản hạn chế sự phát triển con người của phái nữ, trẻ em gái. Rào cản này khiến phụ nữ và trẻ em gái ở nhiều vùng miền này ít được tham gia hoạt động xã hội, không có tiếng nói, là khía cạnh nghèo về vị thế xã hội.