1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến nghèo đa chiều
1.3.4. Đặc điểm hộ gia đình
- Vấn đề nhân khẩu: quy mô hộ gia đình lớn hay nhỏ có ảnh hưởng đến mức thu nhập bình quân đầu người. Đông con vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của nghèo . Đông con cũng là đặc điểm điển hình của các hộ gia đình nghèo (Thorbecke, 2013).
- Trình độ giáo dục và nghề nghiệp của chủ hộ ảnh hưởng đến tình trạng nghèo. Giáo dục và nghề nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của hộ, và do vậy ảnh hưởng lên tình trạng nghèo của hộ. Tỷ lệ nghèo đa chiều có tương quan mạnh mẽ với trình độ giáo dục và nghề nghiệp của chủ hộ.
- Một địa phương có tổng dân số lớn, dân số ở trong đội tuổi lao động chiếm phần lớn vừa là thế mạnh về lực lượng lao động nhưng cũng là một gánh nặng về vấn đề việc làm, dễ dẫn đến tình trạng nghèo chất lượng cuộc sống.
- Chất lượng nguồn lao động là một trong những nguyên nhân trực tiếp của hiệu quả hoạt động của nền kinh tế tốt hay xấu, tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư cao hay thấp quyết định đến khía cạnh nghèo thu nhập, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân (Thorbecke, 2013).
- Tư duy, ý thức của người lao động:
+ Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo ở những vùng kinh tế nghèo, vùng sâu, vùng xa là do tính chủ thể của người lao động còn thấp, chưa tự chủ trong nắm bắt kiến thức sản xuất tân tiến, công nghệ mới, người nghèo chưa quyết tâm tự thoát nghèo mà còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước.
+ Trình độ học vấn thấp, việc làm thiếu và không ổn định: Những người có trình độ học vấn thấp, ít cơ hội kiếm được việc làm tốt, mức thu nhập hầu như chỉ đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu, do vậy không có điều kiện nâng cao trình độ của mình trong tương lai dẫn đến rơi vào cảnh nghèo và khó có cơ hội thoát nghèo. Bên cạnh đó, trình độ học vấn thấp còn ảnh hưởng đến các quyết định có liên quan đến sinh đẻ, giáo dục, nuôi dưỡng con cái...nên dễ tạo một chuỗi nghèo dai dẳng từ đời này sang đời khác. Trình độ học vấn thấp khiến người nghèo khó tiếp cận với pháp luật, chưa được bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp.
+ Quan niệm lạc hậu, suy nghĩ an phận khiến cho một bộ phận dân cư có tư tưởng e ngại, không dám tiếp cận với các chính sách, các hoạt động cộng đồng, dẫn
đến nghèo khía cạnh tham gia cộng đồng, không có tiếng nói và không bảo vệ được quyền lợi của chính mình.
+ Nếp sống không khoa học, điều kiện sống không hợp vệ sinh dẫn đến nguy cơ mắc bệnh và dịch cao. Khi nhiễm bệnh, đối với đối tượng người nghèo thường không có điều kiện trị bệnh hoặc trị bệnh không dứt điểm nên vướng vào cái vòng luẩn quẩn của bệnh tật và túng tiền, càng rơi sâu tình trạng nghèo y tế và kinh tế (Thorbecke, 2013). 1.3.5. Đặc điểm cơ sở hạ tầng - dịch vụ xã hội
Cơ sở hạ tầng
Một trong những nguyên nhân nghèo là hệ thống cơ sở hạ tầng, điều kiện địa lý, núi non hiểm trở, sông suối và rừng rậm không có đường giao thông vận tải đi lại giữa các huyện và các bản làng, dân chủ yếu chỉ đi bộ kể cả việc vận chuyển các sản phẩm sản xuất được từ nương rẫy, vườn ở xa về nhà cũng bằng vai, gùi, ngựa v.v Cho
nên vùng miền núi mà không có đường ô tô thì các dịch vụ, văn hóa, thương mại, truyền thông và khoa học công nghệ sẽ không vào đến nơi được và bị tách khỏi thế giới bên ngoài, không có đường xá việc ốm đau và học hành của con em người nghèo cũng bị hạn chế không tiếp cận được bệnh viện và trường lớp. Do đó việc thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự nghèo (Alkire và cộng sự, 2015).
Dịch vụ xã hội cơ bản
Dịch vụ xã hội cơ bản là rất cần thiết cho việc phát triển toàn diện con người, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế, người lao động và người nghèo. Sự phát triển hay trì trệ của các nhóm dịch vụ xã hội có ảnh hưởng đáng kể đến tăng/giảm mức trầm trọng nghèo đa chiều của con người (Alkire và cộng sự, 2015)..
-Các dịch vụ về giáo dục: Nhu cầu của các đối tượng là rất đa dạng, một trong số những nhu cầu và cũng là quyền cơ bản của con người là được học tập. Do vậy, dịch vụ về giáo dục đóng vai trò cực kì quan trọng đối với sự phát triển của con người và đặc biệt quan trọng đối với trẻ em. Các dịch vụ về giáo dục trang bị cho các đối tượng những kiến thức cơ bản để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, giúp tạo sự kì vọng, sự tin tưởng để học tập, nâng cao trình độ học vấn, xóa nạn mù chữ cho các hộ gia đình nghèo.
Dịch vụ hướng nghiệp và dạy nghề: Cung cấp những kiến thức cơ bản và phù hợp với khả năng của đối tượng trước khi tham gia vào thị trường lao động nhằm giảm thiểu những rủi ro gặp phải của đối tượng.
- Các dịch vụ y tế: Cung cấp các dịch vụ mang tính chất y tế dự phòng như: tiêm chủng dự phòng, phát hiện dị tật thai nhi sớm,… giúp cho các hộ gia đình biết
trước được vấn đề về tình trạng sức khỏe, từ đó có thể phòng ngừa hoặc chữa trị kịp thời, tránh trường hợp gây thương tổn hoặc tử vong (Alkire và cộng sự, 2015).
Các hình thức bảo hiểm đặc thù cho các đối tượng: Cung cấp nguồn tài chính giúp duy trì cuộc độc lập cho các đối tượng trong trường hợp gặp phải những rủi ro bất khả kháng như thất nghiệp, tuổi già, tai nạn,… như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm dự phòng tuổi già. Dịch vụ y tế cho các đối tượng đặc thù: Cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí hoặc giảm lệ phí cho các đối tượng đặc thù: người tàn tật nặng, các đối tượng nhiễm HIV/AIDS, người mất khả năng lao động, …
- Hoạt động tín dụng: Cung cấp các dịch vụ về tín dụng cho những người có thu nhập thấp cũng có thể tham gia tạo lập vốn khi có nhu cầu. hoặc sử dụng trong những trường hợp can thiệp cấp bách hạn chế thiệt hại khi xảy ra rủi ro (rất nhiều bằng chứng từ khảo sát, thí điểm mô hình quỹ an sinh thôn bản cho thấy người dân cần được cung cấp dịch vụ này với hình thức tài chính vi mô). Trợ giúp bằng tiền, trợ giúp bằng hiện vật khi các đối tượng gặp phải các rủi ro bất khả kháng và có nhu cầu cần trợ giúp để đảm bảo nhu cầu trong thời gian ngắn hạn, giảm tình trạng thiếu hụt trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt, từ đó giảm mức độ thiếu hụt nhu cầu cơ bản của các hộ nghèo (Alkire và cộng sự, 2015).
1.4. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và một số địa phương củanước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong giảm nghèo đa chiều nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong giảm nghèo đa chiều
1.4.1. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới
Kinh nghiệm của Campuchia
Campuchia là một quốc gia nghèo ở khu vực Đông Nam Á. Thời gian qua, chính phủ Campuchia đã có nhiều nỗ lực trong giảm nghèo có chính sách thu hút các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo, tổ chức các chương trình tín dụng nhỏ trong các địa bàn để cấp tín dụng cho người nghèo. Thực hiện mô hình “Minh bạch tài chính nhỏ” để đảm bảo tính minh bạch về tỷ lệ lãi suất của các tổ chức tín dụng vì người nghèo, đây là một sáng kiến của ông Chuck Waterfield, chuyên gia tài chính vi mô và là giáo sư của Trường Đại học Columbia được thử nghiệm ở Campuchia. Mục tiêu chính mà Waterfield muốn là làm sao xóa được khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu vay những món vay nhỏ và các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ cho vay đó. Nếu thành công, chương trình này sẽ giúp đại đa số người nghèo trên thế giới có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhỏ một cách nhân bản hơn.
Một kinh nghiệm khác của Campuchia được cộng đồng quốc tế đánh giá cao đó là hợp đồng cải thiện dịch vụ y tế.
Cuối thập kỷ 90, các chỉ số về y tế của nước này thuộc loại tồi ở Đông Nam Á. Tuổi thọ bình quân người dân tính từ khi sinh là 55 năm. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em là 95 trên 1000 ca sinh. Và tỷ lệ tử vong của bà mẹ là 437 trên 1000 ca sinh. Hệ thống chăm sóc sức khoẻ cộng đồng vẫn còn thô sơ, bệnh nhân than phiền chất lượng rất thấp. Đứng trước thực tế đó, chính phủ Campuchia đã thực hiện một loạt các giải pháp nhằm quyết tâm cải thiện tình trạng hiện tại, trong số đó phải kể đến hình thức hợp đồng thuê ngoài. Vào năm 1998, chính phủ đã ký hợp đồng với các tổ chức phi chính phủ để cung ứng dịch vụ y tế ở một số huyện.
Ký hợp đồng thuê dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu bao gồm hai hình thức hoặc thuê trong hoặc thuê ngoài. Để thấy được hiệu quả do ký hợp đồng thuê dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, chính phủ đã đưa ra ba vùng sử dụng hình thức cung ứng khác nhau. Nhà thầu được chọn thông qua một quá trình cạnh tranh dựa trên chất lượng đề xuất kỹ thuật và giá cả của họ. Có ba cách tiếp cận được sử dụng:
Thuê ngoài, nhà thầu có toàn bộ trách nhiệm cung ứng dịch vụ đã nêu cụ thể trong huyện, trực tiếp tuyển dụng nhân viên và có toàn quyền kiểm soát quản lý.
Thuê trong, nhà thầu chỉ hỗ trợ quản lý cho các nhân viên y tế dịch vụ công, và các chi phí hoạt động thường xuyên được chính phủ cung cấp thông qua những kênh thông thường của chính phủ.
Vùng đối chứng, duy trì hình thức chính phủ cung ứng bình thường.
Điểm lưu ý ở đây đó là ngân sách chỉ hỗ trợ cho hai địa bàn nơi áp dụng hình thức thuê trong và đối chứng. Sau một thời gian vận hành, kết quả cho thấy ở tất cả các địa bàn áp dụng hình thức thuê dịch vụ như sau:
- Tăng được diện phục vụ trong một thời gian ngắn, điều đáng quan tâm hơn là người nghèo đã được tiếp cận với các dịch vụ y tế nhiều hơn và chất lượng hơn. Sở dĩ đạt được kết quả như vậy là do mức độ thường xuyên sẵn có thuốc men và nhân viên có trình độ đã tăng cường được việc cung ứng dịch vụ tại các trung tâm y tế ở làng xã, nơi mà hầu hết người nghèo tập trung. Ngoài ra, khi ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ, một loạt các chỉ số y tế dùng để đánh giá mức độ hoàn thành cũng như chất lượng của dịch vụ được cung ứng đã được thoả thuận giữa chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Thêm vào đó, mức độ sẵn có các dịch vụ y tế ở các làng xã đã làm giảm chi phí đi lại để khám chữa bệnh. Điều này một lần nữa làm cho người nghèo được tiếp cận với dịch vụ y tế nhiều hơn.
- Cải thiện dịch vụ y tế cho người nghèo đòi hỏi nhân viên y tế phải được đãi ngộ thoả đáng, được hỗ trợ và chỉ đạo hiệu quả. Các tổ chức phi chính phủ đã giải
quyết tốt vấn đề này. Đối với hình thức thuê ngoài, mặc dù không qui định phí sử dụng chính thức, không khuyến khích nhân viên y tế lấy phí “không chính thức” nhưng các tổ chức phi chính phủ vẫn thu hút và giữ chân các nhà cung ứng dịch vụ y tế, đội ngũ y, bác sĩ bằng cách trả lương căn cứ vào mức lương thị trường và các khoản thưởng khuyến khích theo mức độ hoàn thành và chất lượng công việc của họ. Đổi lại, các tổ chức phi chính phủ yêu cầu người cung ứng phải làm việc trong ngày tại các cơ sở y tế, không được khám bệnh riêng tại nhà. Mặt khác, ở những nơi áp dụng hình thức thuê trong, các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ tiền lương cho người cung ứng bằng kinh phí riêng của mình. Việc làm đó đã hạn chế được tình trạng khá phổ biến ở những vùng đối chứng, đó là cho phép nhân viên được theo đuổi hành vi tối đa hoá thu nhập cá nhân thông qua các khoản phí không chính thức và khám riêng tại nhà. Điều này đã làm tổn hại đến dịch vụ chăm sóc y tế công cộng cho những người nghèo nhất trong số người nghèo.
Cơ cấu phí minh bạch và có thể dự đoán trước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Ở nơi áp dụng hình thức thuê trong- nơi duy nhất trong ba vùng- xây dựng hệ thống phí sử dụng chính thức. Mức phí này được ban hành có sự tham khảo ý kiến của cộng đồng có tác dụng khuyến khích nhân viên y tế rất lớn. Mức phí này được niêm yết ở nơi công cộng đã hạn chế được phần nào hiện tượng đưa tiền cho nhân viên y tế, do đó chi tiêu từ tiền túi cho y tế có giảm hơn vùng đối chứng nhưng không bằng vùng thuê ngoài. Như vậy, với việc giảm chi phí tiền túi cá nhân cho dịch vụ và cơ cấu phí minh bạch đã làm tăng cầu về dịch vụ chăm sóc y tế của người nghèo.
Kinh nghiệm của Thái Lan
Trong những năm qua Thái Lan đã có nhiều cố gắng để thực hiện chương trình XĐGN nhất là những người nghèo ở nông thôn và vùng miền núi và đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Thái Lan đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo, điển hình là chính sách hỗ trợ tài chính vi mô của Ngân hàng nông nghiệp hợp tác xã tín dụng (BAAC) để giúp người nghèo ở thành thị và nông thôn miền núi để có khả năng tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp và các hoạt động liên quan đến nông nghiệp.
BAAC cung cấp các món vay nhỏ tới người nghèo không có tài sản thế chấp, có nghề nghiệp ổn định và lịch sử tín dụng tốt. Hoạt động tín dụng vi mô cho phép người nghèo thực hiện các dự án nhỏ nhằm nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và thoát nghèo. BAAC thực hiện cho vay bán buôn thông qua các tổ nhóm và các
tổ nhóm sẽ cho các thành viên vay lại với các điều kiện là: Tổ nhóm phải có khả năng quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh và có kế hoạch sản xuất cụ thể.
Ở Thái Lan có một số hiệp hội tín dụng chuyên hỗ trợ người nghèo như: Hiệp hội tín dụng Klongchan, Liên đoàn hiệp hội tín dụng Thái Lan, Quỹ rủi ro; Quỹ tương hỗ vv...
Chính phủ Thái Lan có chính sách khuyến khích sản xuất hàng hoá với nhiều chương trình như: Một bản một sản phẩm (OTOP), quỹ phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, dự án xanh, giáo dục phổ cập phổ thông, trợ cấp học bổng hoặc cho vay đối với con em người nghèo ở nông thôn miền núi vào đại học. Đặc biệt là dự án Me Pha Luổng ở tỉnh Xiêng Rai, Thái Lan, là một dự án có quy mô lớn trên vùng miền núi, phục vụ đồng bào dân tộc Hmông trồng hoa mầu, hoa quả, hoa vùng khí lạnh các loại cung cấp cho thị trường Băng Kok và các loại cây trồng ngắn ngày và dài ngày, tạo việc làm và thu nhập cho người nghèo.
Trong kế hoạch phát triển 5 năm lập trong các giai đoạn, Thái Lan đã chú trọng 5 nguyên tắc để tập trung vào phát triển nông thôn miền núi và xóa đói giảm nghèo:
1) Tập trung vào những khu vực nông thôn miền núi lạc hậu, thiệt thòi.
2) Các dịch vụ xã hội chỉ cấp đến cho mức dân sinh, đáp ứng nhu cầu tối thiểu