Phân tích ngắn hạn và dài hạn

Một phần của tài liệu Giáo trình kinh tế vi mô - Biên soạn Lê Thị Thiên Hương pot (Trang 130 - 134)

Chương 7: Thị trường cạnh tranh không hoàn toàn

1.2. Phân tích ngắn hạn và dài hạn

Ngắn hạn :

Phân tích ngắn hạn của cạnh tranh không hoàn hảo tương tự phân tích ngắn hạn của các tình trạng thị trường khác. Đó là một phân tích về sự điều chỉnh của một xí nghiệp trước những điều kiện xí nghiệp gặp phải. Trong ngắn hạn không có đủ thời giờ và điều kiện để xí nghiệp thay đổi qui mô sản xuất và để các xí nghiệp mới gia nhập vào ngành. Những xí nghiệp riêng lẻ có thể thực hiện những điều chỉnh giá cả và số lượng và họ có thể gây ra những thay đổi nhỏ trên cầu của những sản phẩm riêng biệt của họ, qua quảng cáo và qua sự thay đổi chút ít về chất lượng sản phẩm và kiểu dáng sản phẩm.

Qui mô sản xuất của các xí nghiệp là không đổi và được thể hiện bằng đường AC và MC, điều kiện tiêu thụ của thị trường đối với sản phẩm của xí nghiệp được thể hiện bằng đường cầu (d).

Hình 7.2

Trên đồ thị 7.2 cho thấy để tối đa hóa lợi nhuận, xí nghiệp cạnh tranh độc quyền sẽ sản xuất ở mức sản lượng Q1, tại đó chi phí biên bằng doanh thu biên (MC = MR), giá bán sản phẩm là P1, chi phí trung bình là AC1.

Lợi nhuận mỗi sản phẩm = ( P1 - AC1), do đó tổng lợi nhuận của xí nghiệp là : p = (P1 - AC1) x Q1

= P1 x Q1 - AC1 x Q1

= TR - TC (diện tích P1C1BA )

Xí nghiệp cũng có thể tối đa hóa lợi nhuận tương ứng với những chi phí quảng cáo và những chi phí cải tiến sản phẩm. Mỗi hoạt động này cũng phải được thực hiện đến mức tại đó doanh thu biên do hoạt động đó đem lại phải bằng chi phí biên do hoạt động đó gây ra, nếu xí nghiệp muốn tối đa hóa lợi nhuận. Cân bằng ngắn hạn trong thị trường cạnh tranh không hoàn hảo khác với cân bằng ngắn hạn trong thị trường cạnh tranh hoàn toàn ở chỗ các xí nghiệp không có những mức giá bán hoàn toàn giống nhau. Do sản phẩm không đồng nhất nên các xí nghiệp có các mức giá và sản lượng để đạt được tối đa hóa lợi nhuận là khác nhau. Nói cách khác, mỗi xí nghiệp đi tìm thế đứng riêng, cố gắng tạo cân bằng giữa chi phí biên và doanh thu biên của riêng mình.

Tuy nhiên, giá cả của những xí nghiệp khác nhau không cách biệt nhau nhiều. Trong ngắn hạn giá cả sẽ lập thành nhóm chứ không nhất thiết phải giống nhau.

Hình 7.3

Trong dài hạn, khi các xí nghiệp hiện có thu được lợi nhuận kinh tế, sẽ kích thích các xí nghiệp mới gia nhập vào ngành, một mặt là giảm thị phần của các xí nghiệp hiện có, đường cầu và đường doanh thu biên của xí nghiệp sẽ dịch chuyển xuống dưới, mặt khác làm tăng nhu cầu sử dụng các yếu tố sản xuất và giá các yếu tố sản xuất thường tăng lên, làm chi phí sản xuất sản phẩm tăng, các đường chi phí sẽ dịch chuyển lên trên. Lợi nhuận bị giảm từ hai phía : do giá giảm và chi phi sản xuất tăng.Nếu lợi nhuận vẫn còn thì các xí nghiệp mới vẫn tiếp tục gia nhập ngành, cho đến khi giá bằng chi phí trung bình dài hạn : P0 = LAC, lợi nhuận kinh tế bị triệt tiêu : p= 0. Các xí nghiệp mới không gia nhập ngành nữa, ngành và xí nghiệp đang ở trạng thái cân bằng dài hạn.(hình 7.3)

Ở trạng thái cân bằng dài hạn, đường cầu tiếp xúc với đường chi phí trung bình dài hạn (LAC), sản lượng cân bằng dài hạn của xí nghiệp là Q0, tại đó :

SMC=LMC=MR và SAC =LAC= P0

Những diều chỉnh trong trường hợp lối gia nhập vào ngành bị hạn chế :

Sự gia nhập của các xí nghiệp mới vào ngành bị hạn chế, không phải là trường hợp thông thường trong cạnh tranh độc quyền. Tuy nhiên, điều đó có thể và đôi khi xay ra. Đó có thể là do tác động của một hiệp hội thương mãi có ảnh hưởng lớn đối với chính quyền, đưa đến sự ban hành những luật lệ nhằm hợp thức hóa tình trạng này.

Trong tình trạng thị trường như vậy, những xí nghiệp riêng lẻ sẽ tìm cách điều chỉnh qui mô sản xuất của họ đến một qui mô sản xuất thích hợp cho sự tối đa hóa lợi nhuận dài hạn.

LAC : đường chi phí trung bình dài hạn. LMC : đường chi phí biên dài hạn. d : đường cầu đối với xí nghiệp. MR : đường doanh thu biên.

Để đạt lợi nhuận tối đa, xí nghiệp sẽ quyết định sản xuất ở mức sản lượng q, tại đó chi phí biên dài hạn bằng doanh thu biên. Sản lượng q sẽ được bán với giá là p.

Hình 7.4

Để sản xuất mức sản lượng q với chi phí thấp nhất xí nghiệp phải thiết lập qui mô sản xuất có đường chi phí trung bình ngắn hạn tiếp xúc với đường chi phí trung bình dài hạn ở tại mức sản lượng đó. Vì SAC tiếp xúc với LAC ở tại q, chi phí biên ngắn hạn bằng chi phí biên dài hạn và bằng doanh thu biên ở mức sản lượng đó. Lợi nhuận lớn nhất đạt được là cp*q.

Cân bằng dài hạn đối với xí nghiệp khi lối gia nhập vào ngành bị hạn chế có nghĩa rằng xí nghiệp thực hiện mức sản lượng q theo đó SMC = LMC =MR và SAC =LAC.

Những điều chỉnh khi lối gia nhập vào ngành mở ngỏ

Nếu lối gia nhập vào ngành được tự do, không bị một luật lệ nào hạn chế, thì những xí nghiệp đang hoạt động trong ngành có được lợi nhuận sẽ có những xí nghiệp mới ra đời gia nhập vào ngành này. Chính lợi nhuận là động lực thúc đẩy sự hiện diện thêm nhiều xí nghiệp mới, những người chủ mới cũng hy vọng có được lợi nhuận như những người chủ xí nghiệp cũ.

Khi xí nghiệp mới gia nhập vào thị trường, họ sẽ xâm lấn thị trường của những xí nghiệp trước đây, làm cho đường cầu và đường doanh thu biên trước mỗi xí nghiệp dịch chuyển xuống dưới. Đó là hậu quả của sự gia tăng cung của ngành đối với sản phẩm.

Sự gia nhập của những xí nghiệp mới vào ngành sẽ ảnh hưởng đến chi phí của các xí nghiệp. Như trong trường hợp cạnh tranh hoàn toàn, chúng ta có thể phân loại những ngành cạnh tranh độc quyền thành các loại : chi phí gia tăng, chi phí không đổi và chi phí giảm. Trường hợp chi phí giảm, không đổi ít xảy ra, nên ta chỉ xét trường hợp chi phí tăng.

Nếu ngành rơi vào trường hợp chi phí tăng, sự gia nhập các xí nghiệp mới sẽ làm cho giá các sản phẩm sản xuất gia tăng và sẽ làm dịch chuyển các đường chi phí của các xí nghiệp lên phía trên.

Như vậy sự gia nhập của các xí nghiệp mới vào ngành gây ra hai hậu quả đồng thời là làm dịch chuyển xuống dưới các đường cầu đối với xí nghiệp và dịch chuyển lên trên các đường chi phí. Điều này khiến cho lợi nhuận bị giảm. Chừng nào lợi nhuận còn hiện diện ở các xí nghiệp trong ngành thì điều trên đây còn xảy ra, đến khi nào con số xí nghiệp gia nhập vào ngành đủ làm lợi nhuần triệt tiêu, sự gia nhập vào ngành sẽ ngừng lại.

Hình 7.5

Các xí nghiệp riêng lẻ và ngành sẽ đạt đến cân băng dài hạn khi mỗi xí nghiệp trong ngành ở trong tình trạng như ở trong hình trên đây. Đối với mỗi xí nghiệp, LMC và SMC = MR ở sản lượng xác định như là q1. Nếu đi lệch sản lượng q1 với qui mô sản xuất SAC1, xí nghiệp sẽ bị lỗ. Bất cứ sự thay đổi qui mô sản xuất nào khác SAC1 cũng sẽ phải bị lỗ.Tại q1, SAC1 = LAC1 = p1.

Toàn ngành cũng ở trong tình trạng cân bằng dài hạn, bởi vì không có lợi nhuận mà cũng không có lỗ lã để kích thích sự gia nhập của các xí nghiệp mới hoặc các xí nghiệp đang hoạt động rút lui.

Một phần của tài liệu Giáo trình kinh tế vi mô - Biên soạn Lê Thị Thiên Hương pot (Trang 130 - 134)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)