Kinh nghiệm của các nước trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng kiến trúc chính phủ điện tử và mô hình SAAS (software as a service) cho các dịch vụ phần mềm cấp phường,xã (Trang 25 - 28)

CHƯƠNG 1 MỞ ĐẦU

2.2. Phương pháp luận xây dựng kiến trúc

2.2.4. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới

2.2.4.1. Kinh nghiệm của Mỹ

Kiến trúc FEA (Federal Enterprise Architecture) [9] của Mỹ được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2002, với mục đích áp dụng phương pháp luận kiến trúc thống nhất để tăng cường hiệu quả quản lý, tối ưu hóa việc ứng dụng CNTT để phục vụ công dân, tăng cường pháp chế liên bang.

Hình 2.9: Kiến trúc CPĐT theo kinh nghiệm của Mỹ [9]

Kiến trúc FEA là một kiến trúc hướng nghiệp vụ, bao gồm 5 mô hình tham chiếu: - Mô hình tham chiếu hiệu năng (Performance Reference Model) cung cấp một khung chuẩn hóa để tính toán hiệu quả của các khoản đầu tư vào hệ thống CNTT và hiệu năng hoạt động của hệ thống CNTT đó.

- Mô hình tham chiếu nghiệp vụ (Business Reference Model) là một khung tham chiếu chức năng dùng để mô tả các hoạt động nghiệp vụ của Chính quyền liên bang nói chung và hoàn toàn độc lập với các cơ quan thực hiện các hoạt động nghiệp vụ đó.

- Mô hình tham chiếu thành phần dịch vụ (Service Component Reference Model) phân loại các thành phần dịch vụ theo lĩnh vực nghiệp vụ và các mục tiêu hoạt động.

- Mô hình tham chiếu dữ liệu (Data Reference Model) mô tả ở mức tổng hợp, khái quát dữ liệu và thông tin cần thiết cho các hoạt động nghiệp vụ của chính quyền liên bang.

- Mô hình tham chiếu kỹ thuật (Technical Reference Model) định ra các chuẩn, đặc tả và công nghệ sử dụng trong việc cung cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động nội bộ và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

2.2.4.2. Kinh nghiệm của Đức

SAGA (Standards and Architectures for e-Goverment Applications) [12] là chuẩn kiến trúc cho ứng dụng chính phủ điện tử tại Đức với mục tiêu xây dựng một kiến trúc đảm bảo hoạt động liên thông, tái sử dụng tài nguyên, có tính mở rộng tốt, giảm chi phí và rủi ro, và dựa trên nền tảng mở. Hiện nay phiên bản mới nhất là SAGA 4.0. SAGA khá đặc thù, SAGA không phải là phương pháp luận xây dựng kiến trúc như TOGAF, không phải phương pháp luận để mô tả kiến trúc như Zachman mà bản thân SAGA là một kiến trúc.

Hình 2.10: Kiến trúc CPĐT theo kinh nghiệm của Đức [12]

Kiến trúc SAGA xem xét các ứng dụng trong CPĐT là một hệ thống xử lý phân tán mở, có một kiến trúc tổng thể phức tạp. Việc phân tích các ứng dụng có thể chia nhỏ ra thành các quan điểm tiếp cận khác nhau để giảm bớt sự phức tạp đó, làm nó dễ hiểu và dễ điều khiển hơn.

Các quan điểm của kiến trúc SAGA:

- Quan điểm tổ chức hệ thống (Enterprise viewpoint): xác định mục đích, phạm vi, quá trình xử lý và các chính sách cho một ứng dụng.

- Quan điểm thông tin: xác định mô hình dữ liệu gồm các thuộc tính và ngữ nghĩa để xử lý dữ liệu. Nó sẽ xác định rõ cấu trúc, mô tả thông tin, nguồn thông tin, quá trình xử lý và biến đổi thông tin của hệ thống.

- Quan điểm chức năng: phân tách các ứng dụng thành các module chức năng và các giao diện tương tác của chúng.

- Quan điểm cơ sở hạ tầng: xác định phân bổ các tài nguyên hệ thống vào các nguồn lực.

- Quan điểm công nghệ: mô tả các công nghệ cụ thể sẽ sử dụng để thực hiện hệ thống.

2.2.4.3. Tổng kết kinh nghiệm của thế giới

Thứ nhất, kiến trúc chính phủ điện tử là tài liệu mô tả tổng thể về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hầu hết các chính phủ hiện tại đều đã là chính phủ điện tử, chỉ khác nhau ở mức độ phát triển.

Thứ hai, trong quá trình phát triển chính phủ điện tử, kiến trúc chính phủ điện tử thường được sử dụng như một trong những công cụ nhằm tạo ra một cách hiểu, một nhận thức thống nhất về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ. Từ đó, tạo ra sự nhất quán trong hành động, thể hiện qua các hoạt động triển khai ứng dụng CNTT.

Thứ ba, kiến trúc chính phủ điện tử cũng chỉ rõ mối quan hệ giữa CNTT với các hoạt động nghiệp vụ, từ đó hướng dẫn triển khai ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính phủ.

Thứ tư, việc phát triển kiến trúc chính phủ điện tử là một tiến trình liên tục, đòi hỏi thời gian và nguồn lực rất lớn, đòi hỏi phải liên tục cập nhật điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế.

Thứ năm, từ bài học kinh nghiệm phát triển CPĐT của các nước trên thế giới trong những thập niên trước cho thấy: điều kiện để thực hiện thành công mô hình CPĐT là triển khai tin học hoá phải gắn với tiến trình cải cách hệ thống hành chính một cách linh hoạt. Đây là hai tiến trình có quan hệ biện chứng cho việc hình thành và phát triển CPĐT.

Thứ sáu, có hai cách tiếp cận chính là xây dựng kiến trúc tổng thể và xây dựng khung tương hợp về chuẩn công nghệ. Ở nhiều nước, các quy trình nghiệp vụ đã được xây dựng và hoàn thiện ở mức cao, khi đó việc sử dụng khung tương hợp về công nghệ là cách tiếp cận nhanh chóng và đơn giản hơn.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nhiều nước sau một thời gian xây dựng và phát triển khung tương hợp đã dừng lại và chuyển sang xây dựng kiến trúc tổng thể. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi về tổ chức hoạt động của Chính phủ, chuyển từ mô hình tập trung sang mô hình phân cấp mạnh. Vì vậy, mặc dù phức tạp và khó khăn hơn so với các nước đi trước nhưng việc xây dựng kiến trúc tổng thể là cách tiếp cận chính xác và cần thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng kiến trúc chính phủ điện tử và mô hình SAAS (software as a service) cho các dịch vụ phần mềm cấp phường,xã (Trang 25 - 28)