Về mức độ khó thì đây là bài toán cực kỳ khó vì từ một hộp sọ người ta có thể đắp đất sét lên hoặc vẽ/ dựng ảnh 2D hoặc khôi phục cả khuôn mặt 3D của rất nhiều người khác nhau. Xét trên góc độ toán học, đây là một bài toán ngược, và do đó có thể có rất nhiều lời giải và lời giải không ổn định [7].
Việc giải quyết thành công bài toán và xây dựng được hệ thống phần mềm tái tạo mặt người từ hộp sọ sẽ giúp việc giám định hài cốt liệt sĩ vô danh hữu hiệu hơn, nhanh hơn, đỡ tốn kém tiền bạc hơn. Phương pháp này tất nhiên không thể thay thế toàn bộ, nhưng nó là một tiền xử lý vô cùng hiệu quả trước khi chúng ta làm giám định ADN, đặc biệt trong trường hợp không có thông tin về thân nhân của liệt sĩ thì đây là một giải pháp hợp lý.
Bài toán khôi phục diện mạo của con người từ hộp sọ thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều người làm việc trong các lĩnh vực khác nhau tại nhiều quốc gia. Điều này có thể được minh chứng bởi sự tham gia của hơn 100 đại biểu với hơn 50 báo cáo về nhiều khía cạnh khác nhau của bài toán tại Hội nghị về Khôi phục diện mạo tổ chức tại Remagen, 2005 (xem [56]); bởi hàng trăm nghìn tài liệu trên Internet và nhiều dự án về khôi phục mặt người tại nhiều nước trên thế giới.
3.2. ĐIỂM VÀI NÉT VỀ CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÔI PHỤC MẶT NGƯỜI TỪ HÌNH THÁI XƯƠNG SỌ
Trước hết phải nói rằng bài toán khôi phục mặt người từ hộp sọ đã được đặt ra từ cuối thế kỷ thứ 19 trong các nghiên cứu của His (1895), Kollman và Buchly (1898). Phương pháp khôi phục thủ công nhờ đắp bằng chất dẻo được sử dụng khi đó và vẫn còn được sử dụng hiện nay mặc dù các phương pháp hiện đại hơn đang dần dần thay thế. Cơ sở khoa học của việc khôi phục mặt người từ hộp sọ là quan hệ giữa các xương và độ dày của mô mềm trên mặt đã được chú ý từ cuối thế kỷ 19, nhưng mãi đến năm 1950, khi Gerasimov đắp hoàn chỉnh khuôn mặt sinh động của một người đàn ông dựa trên hộp sọ tìm thấy thì khoa học về tái tạo khuôn mặt người mới có thể nói là chính thức ra đời.
Trong suốt nhiều chục năm qua nhiều kỹ thuật tái tạo khuôn mặt người từ hộp sọ đã được nhiều nhiều nhà khoa học trong các lĩnh vực pháp y, hình sự, nhân chủng học, khảo cổ học đề xuất và sử dụng như:
Phương pháp lồng sọ vào bức vẽ chân dung [10]:
Dựa trên các số đo hộp sọ họa sỹ vẽ phác họa chân dung, rồi lồng bức chân dung vào ảnh hộp sọ và quan sát sự phù hợp (xem Hình 3.2).