rừng trồng Keo lai
Phân bón là nguồn dinh dưỡng quan trong cho cây trồng, việc bón phân cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây là một trong những biện pháp kỹ thuật thâm canh quan trọng nhằm làm ổn định và nâng cao năng suất rừng trồng. Trên thực tế cho thấy, bón phân cho rừng trồng đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, đó là nâng cao tỷ lệ cây sống, tăng sức đề kháng của cây đối với các điều kiện bất lợi của môi trường khi mới trồng, tăng khả năng sinh trưởng và nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm rừng trồng.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng của cây rừng, về kỹ thuật bón phân cho trồng rừng, kinh nghiệm sản xuất và tập quán sử dụng phân bón tại các địa phương. Đã có nhiều hướng dẫn kỹ thuật liên quan tới bón phân cho rừng trồng được xây dựng đề xuất ở nhiều qui mô, phạm vi áp dụng khác nhau, bước đầu đã tạo cơ sở khoa học cho việc bón phân cho trồng rừng đó là về chủng loại, liều lượng phân bón và phương pháp bón phân. Tuy nhiên, các hướng dẫn kỹ thuật đó còn có nhiều điểm bất cập. Tóm lại là chưa thể hiện chi tiết về cơ sở bón phân cho từng loài cây và từng loại đất.
Đã có nhiều nghiên cứu về phân bón cho trồng rừng đã nhận định: Đối với nhiều loài cây trồng rừng sản xuất, việc bón phân là vô cùng quan trọng vì
đây cũng chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của rừng trồng.
Phân bón có ba loại chính cho lâm nghiệp đó là phân vô cơ, phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh. Phân hữu cơ dễ sản xuất và chi phí thấp, có thể áp dụng toàn diện, khó bị rửa trôi và không bị biến tính, có tác dụng lâu dài. Tuy nhiên, phân hữu cơ sử dụng trong sản xuất mang tính thủ công và khó áp dụng trên qui mô lớn cho rừng trồng nguyên liệu công nghiệp do khối lượng lớn khó vận chuyển. Mặt khác, phân hữu cơ phân huỷ chậm nên không cung cấp kịp thời các chất dinh dưỡng cho cây trồng. Phân hữu cơ vi sinh có thành phần gồm than bùn, N, P, K và các vi sinh vật có ích. Loại phân này có tác dụng làm tăng hiệu quả của phân vô cơ do bản thân nó hấp thụ phân vô cơ, có khả năng ngăn cản quá trình rửa trôi hay keo hóa với hạt đất, ngăn cản sự tiếp xúc trực tiếp của phân khoáng với môi trường pH thấp giữ cho phân khoáng luôn ở dạng dễ tiêu, ngoài ra vi sinh vật cộng sinh thúc đẩy hệ rễ hấp thụ chất dinh dưỡng dễ dàng hơn. Đối với phân vô cơ, đặc biệt là phân phức hợp (NPK) có hiệu quả cung cấp dinh dưỡng toàn diện, có hiệu lực nhanh hơn phân hữu cơ vi sinh do đó giảm được công bón phân, tiện lợi cho bón phân trên diện rộng. Tuy nhiên, loại phân này lại có một nhược điểm là dễ bị rửa trôi. Loại phân bón vô cơ được áp dụng chủ yếu ở phía Bắc là phân NPK (5:10:3). Phân NPK (5:10:3) dạng hạt, phân giải chậm, thích hợp cho nhiều loại cây trồng đặc biệt phù hợp với đất nghèo lân. Loại phân này có tác dụng kích hoạt các vi sinh vật có ích trong đất như hình thành cộng sinh nấm rễ Mycorhiza và vi khuẩn cố định đạm Rhizobium. Ở điều kiện lập địa xấu, NPK (5:10:3) thường được bón phối hợp với phân hữu cơ vi sinh để tăng hiệu lực của lân (Ngô Đình Quế, 2004) [25].
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài có sự kế thừa và sử dụng số liệu của 03 công thức thí nghiệm bón phân Keo lai BV16, BV10, BV32, mật độ trồng đồng nhất là 1.660 cây/ha, xử lý thực bì và làm đất thủ công, cuốc hố 40
x 40 x 40cm, chăm sóc thủ công, dãy cỏ theo hàng rộng 1m, xới xáo quanh gốc cây với đường kính rộng 1m.