đối nhân và bảo đảm đối vật
Theo quy định của hầu như các nước thuộc các hệ thống luật pháp trên thế giới, đều chia các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thành hai loại căn bản là: Bảo đảm đối vật và bảo đảm đối nhân.
Theo đó, biện pháp bảo đảm đối nhân “là biện pháp cho phép Chủ nợ có một người mắc nợ thứ hai bên cạnh người mắc nợ chính. Đối với tài sản của mỗi người mắc nợ, Chủ nợ chỉ thực hiện quyền của một chủ nợ có bảo đảm nhưng họ lại có hai thay vì chỉ một khối tài sản bảo đảm cho việc trả nợ” [7, tr.15]. Trong trường hợp khoản nợ đáo hạn, chủ nợ có thể đòi được nợ ở người này, thì chủ nợ đòi ở người còn lại. Việc bảo đảm đối nhân tăng thêm khả năng được đền bù lợi ích cho Chủ nợ, bởi lẽ trên thực tế rất hiếm khi cả hai người mắc nợ lại đều cùng lúc không có khả năng thanh toán. Trong BLDS nước ta có biện pháp Bảo lãnh được xem là hình thức bảo đảm đối nhân với tư cách là một biện pháp độc lập bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Bảo lãnh được thiết lập bởi sự gặp gỡ ý chí gữa người bảo lãnh và người nhận bảo lãnh. Do đó, xét về bản chất, bảo lãnh có đầy đủ yếu tố của một
hợp đồng chứ không phải là một loại giao dịch một bên. Tuy nhiên, đây là một hợp đồng đơn vụ vì chỉ có người bảo lãnh là người có nghĩa vụ trong hợp đồng này [7, tr 20].
Bảo đảm đối vật khác với bảo đảm đối nhân ở chỗ nó đem lại cho chủ nợ các quyền đặc biệt trên một hoặc nhiều tài sản của con nợ. Nội dung chính của các quyền này trong quan niệm của luật học phương Tây là quyền ưu tiên và quyền theo đuổi. Quyền ưu tiên giúp chủ nợ được phép nhận tiền thanh toán từ giá bán các tài sản, là vật bảo đảm, trước tất cả các chủ nợ không có bảo đảm. Còn quyền theo đuổi giúp cho chủ nợ luôn có được tài sản bảo đảm để bán mà thu hồi nợ đến hạn dù quyền sở hữu đó có thể qua tay nhiều người dù nợ chưa đến hạn đòi. Tuy nhiên, nếu quyền ưu tiên được thừa nhận cho tất cả các chủ nợ có bảo đảm đối vật, thì quyền đeo đuổi chỉ được dự liệu cho một số chủ nợ đặc biệt, một khi việc thực hiện quyền này có cơ sở hiện thực và nhất là không gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.