Tình hình nuôi dạy, nghiên cứu chó nghiệp vụ

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) đặc điểm sinh học, sinh thái học chó h’mông cộc đuôi trong huấn luyện nghiệp vụ lùng sục phát hiện các chất ma túy (Trang 35 - 40)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU

1.7. Tình hình nuôi dạy, nghiên cứu chó nghiệp vụ

1.7.1. Tình hình nuôi chó nghiệp vụ trên thế giới

Chó đã được các lực lượng thực thi pháp luật sử dụng từ thời trung cổ với các mục đích như: truy lùng những kẻ phạm tội, bảo vệ các phiên tòa... Bỉ là nước đầu tiên chính thức thành lập đơn vị cảnh sát huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ vào năm 1899. Ngày nay, chó nghiệp vụ được sử dụng rộng rãi trong lực lượng quân đội, cảnh sát các nước, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ. Cảnh sát Đức mở trường chuyên nghiệp huấn luyện chó nghiệp vụ vào năm 1920 và quyết định chọn giống chó thuần chủng Shepherd - chó Becgie Đức với tính thông minh, bản lĩnh làm giống chó nghiệp vụ chủ đạo [118].

Trong thế chiến thứ hai, phát xít Đức sử dụng chó Becgie trong các trại tập trung để truy lùng các tù nhân trốn trại, do vậy những người yêu chuộng hoà bình có định kiến không tốt về giống chó này. Chiến tranh kết thúc, nước Đức bị chia cắt thành 2 quốc gia Đông Đức và Tây Đức. Phần lớn chó Becgie bị chết, chỉ còn lại một số làm mẫu và người Đức bắt đầu khôi phục lại giống chó này với các hướng hoàn toàn độc lập nhau.

Giống chó Đông Đức thân hình hơi thô nhưng không mất tính đặc thù của giống, chúng có những nét thô trên mặt, đi đứng hơi nặng nề, mặc dù vậy vẫn là một giống chó rất tuyệt. Giống chó Tây Đức đĩnh đạc, trang nhã, thân hình cân đối, bản lĩnh kiên cường [119].

Chó Becgie Đức được đưa vào Liên Xô cũ năm 1904 [120] và chúng được sử dụng làm chó cứu thương trong chiến tranh Nga - Nhật. Năm 1907 giống chó này được sử dụng trong ngành cảnh sát. Hiện tại, chó nghiệp vụ ở Nga cũng như nhiều nước khác trên thế giới phát triển theo nhiều hướng, trường phái khác nhau và phục vụ các mục đích khác nhau. Tuy nhiên, đối với mỗi quốc gia, chó nghiệp vụ được chia thành 2 hướng rõ rệt. Hướng thứ nhất - chó nghiệp vụ phục vụ cho nền Quốc phòng, An ninh quốc gia, đây là chó trong các trung tâm của Bộ Quốc phòng, ngành Cảnh sát, Hải quan... được sự giám sát và chỉ đạo của các cơ quan chính phủ và không công khai, do bí mật quốc gia. Hướng thứ hai - chó ở các câu lạc bộ của từng quốc

gia hoặc liên quốc gia, đây là các tổ chức mở có thể trao đổi thông tin hoặc cập nhật thông tin dễ dàng với nhau. Hai hướng này có mối liên hệ chặt chẽ và bổ trợ cho nhau về chất lượng, nguồn giống và kỹ thuật chăm sóc, đào tạo... Nhưng nhìn chung thì chó nghiệp vụ ở hướng thứ nhất có chất lượng, phẩm chất cao hơn so với chó nghiệp vụ ở hướng thứ hai. Việc xây dựng định hướng phát triển ngành chó nghiệp vụ của một quốc gia cần phải có thông tin nhiều chiều, phải dựa vào các chuyên gia khuyển học có kinh nghiệm, nhập chó từ nước ngoài về phải có định hướng và nguồn gốc rõ ràng, nhất là đối với lĩnh vực an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội [121].

Tùy theo mục đích sử dụng và nhiệm vụ mà mỗi lực lượng thực thi pháp luật các nước lựa chọn giống chó để huấn luyện và sử dụng cho phù hợp. Các loại chó làm việc bao gồm chó tìm kiếm và cứu hộ, chó phát hiện ma túy, vũ khí hóa học, chó bảo vệ… [122, 123].

Một số giống chó chủ yếu được sử dụng hiện nay là những dòng chó thuần chủng như Labrador để xác định nơi đặt bom, cất giấu ma túy, Malinois để bảo vệ, tấn công, truy tìm nguồn hơi người, hỗ trợ áp giải tội phạm, Cocker lùng sục phát hiện nơi cất giấu ma túy, Doberman Pinscher để bảo vệ, tấn công, Becgie được dùng trong tất cả các nhiệm vụ… Một số chó nghiệp vụ còn được huấn luyện trong lực lượng cảnh sát dù hoặc lính dù trong các nhiệm vụ tấn công từ trên không hoặc không vận [124].

1.7.2. Tình hình nghiên cứu chó nghiệp vụ ở Việt Nam

Từ năm 1954, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã tiến hành tổ chức nuôi dạy và sử dụng chó nghiệp vụ với 2 cở sở lớn là Trường 24 Biên phòng nay là Trường trung cấp 24 Biên phòng và Trung Tâm 32 nay là Trung tâm quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ. Các cơ sở này đã nhập, nuôi thích nghi các giống chó Becgie của Liên Xô, Đức và thử nghiệm huấn luyện các giống chó nội như chó Mèo (một dạng chó bản địa của Việt Nam nhưng chưa xác định được rõ ràng về giống vào thời điểm huấn luyện), chó lai (chó bản địa lai với các giống chó ngoại).

Một thực trạng khó khăn trong việc chăn nuôi, nhân giống là các giống nhập nội thích nghi kém, khó nuôi nên phải nhập đi nhập lại. Kết quả thu thập từ hồ sơ chó nghiệp vụ và các tài liệu của Trường 24 và Trung tâm 32 cho thấy sự thích nghi của chó nhập nội phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: chất lượng đàn chó nhập về, chế độ dinh dưỡng, tình hình bệnh tật và các yếu tố khí hậu nói chung. Tỷ lệ chết được tính trong

vòng 3 năm. Chó Becgie Đức chết 50%, chó Becgie Liên Xô chết 41,49%, đồng thời tỷ lệ chết cũng rất khác nhau giữa các năm. Nếu tính phần trăm theo năm trên tổng số con chết trong 3 năm từ năm thứ nhất đến năm thứ 3 là 58%; 14% và 28%, đối với chó Đức và 56,4%; 25,6% và 17,9% đối với chó Nga. Như vậy có thể thấy rằng tỷ lệ chết lớn nhất là năm đầu sau nhập [4].

Bên cạnh đó, huấn luyện thử nghiệm 3 giống chó bao gồm chó Becgie của Liên Xô, Becgie Đức và chó lai giữa chó bản địa với hai giống trên, đã cho thấy cả 3 giống chó được đánh giá có số điểm gần tương đương nhau. Tuỳ từng khoa mục mà các giống chó khác nhau có số điểm không giống nhau. Cụ thể đối với khoa mục kỷ luật cơ bản, chó Becgie Liên Xô được đánh giá tốt nhất với điểm số 2,26 điểm. Khoa mục truy vết Becgie Đức lại tốt hơn các giống khác với kết quả đạt 2,2 điểm. Tuy nhiên mức độ chênh lệch giữa các giống là không cao. Điều này cho thấy chó lai giữa giống của Việt Nam - Becgie Đức, Việt Nam - Becgie Liên Xô chỉ số thông minh (mức độ tiếp thu) không khác nhiều so với dòng bố mẹ nhập nội, hơn nữa khả năng chống chịu đối với môi trường Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với chó ngoại bố mẹ. Do vậy việc định hướng chọn dòng chó Việt Nam có sức chống chịu tốt lai với chó nước ngoài có chỉ số thông minh cao để tạo ra con lai có những tính trạng mong muốn là có cơ sở khoa học và tính khả thi cao.

Những năm gần đây, công tác huấn luyện chó nghiệp vụ ở nước ta được quan tâm đầu tư phát triển. Nhiều giống chó ngoại nổi tiếng như Malinois, Becgie, Labrador, Rottwailer, Cocker v.v… đã được nhập vào nước ta. Sau nhiều năm nhân nuôi và huấn luyện chúng đã hỗ trợ tích cực và có hiệu quả cho các lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của giống chó ngoại là khả năng thích nghi không cao trong điều kiện nóng ẩm của nước ta, hay mắc bệnh, chi phí con giống và nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng đòi hỏi ở mức cao. Do đó, bên cạnh nghiên cứu và sử dụng các giống chó ngoại, đã có những công trình nghiên cứu về giống chó bản địa Việt Nam phục vụ cho công tác An ninh - Quốc phòng [125].

Giống chó bản địa Việt Nam được các chuyên gia nghiên cứu về chó đánh giá rất cao về hình thái, tính cách cũng như khả năng làm việc của chúng trong công tác nghiệp vụ [1, 2, 126, 127].

Trong số các giống chó bản địa đáng chú ý là chó bản địa H'mông cộc đuôi. Một trong những giống chó xuất hiện và được nuôi nhiều ở vùng cao thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên...). Đây là giống chó được người dân H’mông chọn và sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày như săn bắt, trông nhà, bảo vệ gia súc [128, 129].

Theo nghiên cứu, chó bản địa H'mông cộc đuôi có khả năng vận động linh hoạt, thông minh, bản lĩnh [125], có khả năng làm việc tương đương với các giống chó nghiệp vụ đã được nhập nội [1, 2].

Giống H’mông cộc đuôi đã được công nhận là giống chó bản địa cấp quốc gia theo QĐ VN/002.20.9.2009 (VKA - Vietnam Kennel Association - Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam).

Từ năm 2013 đến năm 2015, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thực hiện đề tài nghị định thư cấp quốc gia “Ứng dụng công nghệ gen trong công tác chọn lọc chó bản địa H'mông cộc đuôi” đã cho thấy khả năng ứng dụng và thay thế một số giống chó nhập ngoại trong huấn luyện chó lùng sục và phát hiện các chất ma túy tại Trung tâm quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ/ Bộ Công an. Cho đến nay, giống chó này vẫn đang được Trung tâm này sử dụng. Tuy nhiên, do số lượng cá thể không được bổ sung thêm sau khi đề tài kết thúc khiến đàn giống không có sự phát triển. Nguyên nhân một phần là do các cá thể chó đã quá tuổi thực hiện nghiệp vụ, bị đào thải và một số dịch bệnh khiến số lượng chó bản địa H'mông cộc đuôi ở đây còn rất ít.

Như vậy chó bản địa H'mông cộc đuôi là một trong những giống chó tốt, có khả năng thực hiện nghiệp vụ. Ngoài ra từ năm 2016 nhóm nghiên cứu của trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã nghiên cứu mối quan hệ di truyền giữa các giống chó bản địa Việt Nam và mối quan hệ giữa chúng với các giống chó khác trên thế giới. Kết quả cho thấy chó bản địa H'mông cộc đuôi có những halotyp dạng E, đây được coi là dấu hiệu của những giống chó cổ xưa có nguồn gốc châu Á [130 - 133].

Năm 2021, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã huấn luyện thử nghiệm thành công giống chó bản địa dạng sói tìm kiếm phát hiện bom mìn còn lại sau chiến tranh tại Việt Nam trong khuôn khổ đề tài cấp Quốc gia: “Nghiên cứu lựa chọn và huấn luyện giống chó bản địa dạng sói phục vụ tìm kiếm, phát hiện bom mìn còn lại sau chiến tranh tại Việt Nam”. Kết quả cho thấy, giống chó bản địa dạng sói hoàn toàn

đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ và có thể được sử dụng vào thực tế.

Như vậy có thể thấy, ngành nuôi dạy chó nghiệp vụ nước ta đã có từ lâu, nhưng việc nghiên cứu sâu về từng đối tượng, làm cơ sở đề xuất, huấn luyện và đưa vào ứng dụng thực tế, phù hợp với từng chuyên ngành là chưa thực sự được thực hiện bài bản và hệ thống. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh thái và đánh giá khả năng làm chó nghiệp vụ của giống chó bản địa Việt Nam nói chung, chó bản địa H'mông cộc đuôi nói riêng sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi dạy chó nghiệp vụ nước ta. Góp phần vào công tác an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo tồn nguồn gen động vật bản địa ở các địa phương nói riêng, Việt Nam nói chung.

CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA ĐIỂM, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) đặc điểm sinh học, sinh thái học chó h’mông cộc đuôi trong huấn luyện nghiệp vụ lùng sục phát hiện các chất ma túy (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(199 trang)
w