Hỏi:
Xin hỏi một tình huống như sau: Trong quá trình xét thầu, bên mời thầu thấy hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhà thầu A có tương đối đầy đủ các thông tin, đặc biệt có giá dự thầu là thấp nhất và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, trong đơn dự thầu của nhà thầu A ghi thiếu một dòng được nêu trong Mẫu đơn dự thầu là “Thời gian thực hiện hợp đồng là ngày” (chính là thời gian thực hiện tất cả các công việc theo yêu cầu của gói thầu). Như vậy, nhà thầu A có vi phạm điều kiện tiên quyết hay không? Việc bên mời thầu chấp nhận HSDT của nhà thầu A là hợp lệ thì có vi phạm Luật Đấu thầu hay không?
Trả lời:
Câu hỏi của Bạn liên quan tới việc đánh giá HSDT, đặc biệt liên quan tới các yêu cầu quan trọng (điều kiện tiên quyết) để loại bỏ HSDT nêu trong hồ sơ mời thầu (HSMT). Tại Nghị định số 85/2009/NĐ-CP và trong mẫu HSMT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành kèm theo Thông tư đều đề cập tới các yêu cầu quan trọng chung cho mọi gói thầu (nhóm 1) và
mang tính đặc thù cho từng gói thầu (nhóm 2). Theo đó, đơn dự thầu hợp lệ là yêu cầu quan trọng thuộc nhóm 1. Nhưng vấn đề đặt ra là khi nào một đơn dự thầu được coi là hợp lệ hoặc không hợp lệ, đây sẽ là cơ sở để trả lời câu hỏi vừa nêu ra.
Để tiện trao đổi thì ta tham khảo các quy định khá chi tiết về bảo đảm dự thầu trong Nghị định số 85/2009/NĐ-CP và trong mẫu HSMT. Bảo đảm dự thầu cũng là một yêu cầu quan trọng thuộc nhóm 1 tương tự như đơn dự thầu. Theo quy định, trường hợp bảo đảm dự thầu của nhà thầu chỉ sai sót một chút thôi là không hợp lệ (ví dụ: ghi sai địa chỉ bên mời thầu, có giá trị thấp hơn, không đúng đồng tiền, thời gian có hiệu lực ngắn hơn, không đúng tên gói thầu…). Đây là một yêu cầu khắt khe nhưng là sự cần thiết do đấu thầu là một cuộc thi dựa trên quy định cứng của pháp luật. Đáng tiếc, trong Nghị định số 85/2009/NĐ-CP và trong mẫu HSMT không quy định chi tiết thế nào là đơn dự thầu không hợp lệ (tương tự như đối với bảo đảm dự thầu). Tuy nhiên, dựa trên các quy định đối với bảo đảm dự thầu và Mẫu đơn dự thầu (Mẫu số 1) trong HSMT thấy ngay những nội dung dưới đây là quan trọng đối với đơn dự thầu, cụ thể:
- Tên bên mời thầu. - Tên nhà thầu. - Tên gói thầu.
- Giá dự thầu (loại tiền, trị giá). - Thời gian thực hiện hợp đồng.
- Cam kết thực hiện bảo đảm thực hiện hợp đồng.
- Thời gian có hiệu lực của HSDT (kể từ thời điểm đóng thầu). - Chữ ký của đại diện hợp pháp của nhà thầu và đóng dấu, nếu có.
Tám nội dung nêu trên cần được coi là ngang nhau. Bởi chỉ cần không đáp ứng 1 trong 8 nội dung thì đơn dự thầu làm gì còn đủ pháp lý để gắn trách nhiệm của nhà thầu đối với HSDT trong quá trình đánh giá và ký kết hợp đồng sau này trong trường hợp nhà thầu trúng thầu.
Với phân tích nêu trên và tham chiếu quy định chi tiết về sự không hợp lệ của bản đảm dự thầu quy định trong Nghị định số 85/2009/NĐ-CP, có thể kết luận rằng đơn dự thầu sẽ được coi là không đáp ứng yêu cầu của HSMT khi rơi vào một trong các trường hợp sau:
a) Không đáp ứng 1 trong 8 nội dung thuộc Mẫu đơn dự thầu trong HSMT. b) Trong Đơn bỏ sót 1 trong 8 nội dung theo Mẫu đơn dự thầu (Mẫu số 1).
Đơn dự thầu lại không thuộc danh sách tài liệu mà nhà thầu được bổ sung sau khi mở thầu, trong quá trình đánh giá HSDT vì nó không thuộc nội dung về tư cách hợp lệ, về năng lực và về kinh nghiệm của nhà thầu (như quy định tại Điều 29 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP). Do vậy, khi đơn dự thầu rơi vào trường hợp a hoặc b nêu trên thì HSDT sẽ là không hợp lệ và bị loại, không được đánh giá tiếp (do không đáp ứng yêu cầu quan trọng của HSMT). Việc xử lý nghiêm khắc như vậy là sự cần thiết để đảm bảo sự tuân thủ chặt chẽ theo quy định đối với các đối tượng tham gia hoạt động đấu thầu đối với bên mời thầu (khi đánh giá HSDT) cũng như đối với nhà thầu (người nộp HSDT).
Sự việc được hỏi chính là một sơ suất không đáng có của nhà thầu tạm gọi là “sơ suất chết người” không có cách nào cứu vãn. Mà cũng không nên “cứu” nhà thầu trong trường hợp này vì viết đơn dự thầu theo Mẫu còn sai, còn không đầy đủ theo yêu cầu thì làm sao có thể yên tâm khi giao hợp đồng cho một nhà thầu như vậy để thực hiện.