hai của quy định (về quãng thời gian có hiệu lực). Thậm chí theo cách tính quy định trong NĐ85 thì còn dư một vài giờ so với yêu cầu 60 ngày trong HSMT. Tuy nhiên, hiệu lực của HSDT này lại bắt đầu từ 10 giờ 30 muộn hơn thời điểm đóng thầu quy định trong HSMT là từ 10 giờ (đều thuộc cùng một ngày là 1/11/2011).
Như vậy, hiệu lực HSDT của nhà thầu đã không đáp ứng yêu cầu thứ nhất về thời điểm bắt đầu có hiệu lực nên HSDT bị loại do không đáp ứng điều kiện tiên quyết của HSMT (trong đó có nội dung về thời gian có hiệu lực của HSDT).
Tóm lại, ý kiến của bộ phận thẩm định trong trường hợp này là đúng, đủ cơ sở loại bỏ HSDT đã đề cập.
Đôi khi việc loại HSDT theo đúng quy định như trường hợp vừa nêu là điều không mong muốn của bên mời thầu/tổ chuyên gia đấu thầu, thậm chí gây ra bất lợi đối với chủ đầu tư. Nhưng tiếc rằng, trong tình huống này, nhà thầu đã có một sơ suất không đáng có, để bị loại căn cứ theo quy định của luật pháp.
Sự việc xảy ra là điều đáng tiếc cho cả nhà thầu và bên mời thầu/tổ chuyên gia đấu thầu song việc xử lý lại cần thiết là bài học để nhắc nhở, “răn đe” nhà thầu phải đọc kỹ HSMT thậm chí phải nghiên cứu để hiểu sâu sắc các quy định trong Luật, nghị định và trong các thông tư liên quan tới HSMT nếu không muốn rơi vào tình trạng bị loại bỏ vì những lý do đơn giản như tình huống vừa nêu. Đọc HSMT đã không kỹ thì làm sao chủ đầu tư có thể yên tâm trao hợp đồng cho nhà thầu. Thiết nghĩ việc loại nhà thầu như vậy cũng là thích đáng và cần thiết.
TS. Nguyễn Việt Hùng
(Nguồn Báo đấu thầu)
41. Bỏ sót hạng mục trong HSDT và trong đánh giá HSDTHỏi: Hỏi:
Chúng tôi gặp phải tình huống như sau:
Trong hồ sơ dự thầu (HSDT) cho gói xây lắp, nhà thầu bỏ sót một hạng mục công việc trong bảng tổng hợp kinh phí. Khi chấm thầu, tổ chuyên gia đấu thầu không phát hiện ra sơ suất này. Hợp đồng cho gói thầu đã được ký và khi thanh toán mới phát hiện ra sai sót. Nếu đưa hạng mục này vào thì giá trúng thầu vượt giá gói thầu được duyệt. Vậy xin hỏi đối với tình huống này cần xử lý như thế nào?
Trả lời:
Tình huống xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, cụ thể là khi tiến hành thanh toán khối lượng thực hiện. Thời gian gắn với tình huống là rất quan trọng bởi tại từng thời gian sẽ có căn cứ khác nhau để xem xét, xử lý. Tình huống này thực chất liên quan tới vấn đề giá. Trong đấu thầu có nhiều loại giá, bắt đầu từ giá gói thầu, giá dự thầu, giá dự thầu sau sửa lỗi, giá hợp đồng... Khi tiến hành thanh toán thì phải căn cứ vào hợp đồng, không liên quan tới giá gói thầu vì giá này chỉ sử dụng khi xem xét kết quả đấu thầu.
Theo đó, đối với gói thầu xây lắp thì điều kiện để nhà thầu xếp thứ nhất được đề nghị trúng thầu là giá đề nghị trúng thầu của nhà thầu này không vượt giá gói thầu (dự toán). Một khi điều kiện này không đạt được thì phải xử lý theo Điều 70 Nghị định 85/2009/NĐ-CP (NĐ85), thậm chí có trường hợp phải hủy cuộc thầu. Còn khi đã có kết quả đấu thầu, đã hoàn thành việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, đã ký hợp đồng thì giá gói thầu không còn vai trò, không còn ý nghĩa.
Trong trường hợp này thì tổ chuyên gia đấu thầu đã có sơ suất là không phát hiện việc chào sót một hạng mục của nhà thầu. Sai sót này chỉ được phát hiện khi tiến hành thủ tục thanh toán. Mà thường phát hiện càng muộn thì xử lý càng khó, càng phức tạp và thậm chí “đau đớn”.
Nói đến thanh toán hợp đồng thì không thể bỏ qua hình thức hợp đồng ghi trong hợp đồng. Tiếc rằng nội dung này lại không được người hỏi đề cập tới. Do vậy, xin giả định đối với hai hình thức hợp đồng trong tình huống gói thầu xây lắp:
1. Hợp đồng được ký (theo tình huống nêu trên) là hợp đồng trọn gói:
Theo hình thức hợp đồng này thì giá trị thanh toán hợp đồng chính là giá hợp đồng khi nhà thầu hoàn thành các công việc theo thiết kế và được nghiệm thu. Tại Điều 48 NĐ85 quy định, đối với hình thức hợp đồng này, trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, các bên liên quan cần rà soát lại Bảng khối lượng công việc theo thiết kế được duyệt, nếu phát hiện khối lượng công việc bóc tách từ thiết kế chưa chính xác thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định việc bổ sung khối lượng công việc để đảm bảo phù hợp với thiết kế.
Như vậy, trong tình huống của bạn có thể hiểu rằng trong quá trình đánh giá HSDT hoặc trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, bên mời thầu/tổ chuyên gia đấu thầu đã có sơ suất, không phát hiện ra việc nhà thầu bỏ sót khối lượng không đưa vào giá dự thầu (không tổng hợp vào chi phí). Tuy tình hình như vậy nhưng hợp đồng ký vẫn là trọn gói (như thế là các bên ký hợp đồng đã rà soát kỹ khối lượng công việc theo thiết kế) nên bên nào có sơ suất thì bên đó gánh chịu hậu quả. Bởi lẽ đã là hợp đồng theo hình thức trọn gói thì tại Điều 48 NĐ85 quy định:“Khối lượng thực tế nhà thầu đã thực hiện để hoàn thành theo thiết kế (nhiều hơn hay ít hơn khối lượng công việc nêu trong hợp đồng) không ảnh hưởng tới số tiền thanh toán cho nhà thầu”.
Theo quy định về thanh toán nêu trên, đối với hợp đồng ký là trọn gói, khi nhà thầu được xác nhận hoàn thành theo thiết kế (không phụ thuộc vào khối lượng công việc thực hiện) thì nhà thầu được thanh toán đúng bằng số tiền ghi trong hợp đồng (giá hợp đồng). Trong trường hợp này việc thanh toán “không căn cứ theo dự toán cũng như các quy định, hướng dẫn hiện hành của Nhà nước về định mức, đơn giá; không căn cứ vào đơn giá trong hóa đơn tài chính đối với các yếu tố đầu vào của nhà thầu như vật tư, máy móc, thiết bị và các yếu tố đầu vào khác” (Điều 48 NĐ85).
Tóm lại, trong trường hợp này giá hợp đồng (không bao gồm trị giá công việc bỏ sót) là cơ sở thanh toán cho nhà thầu. Nhà thầu “quên” tính khối lượng vào giá dự thầu sẽ chịu thiệt, còn bên mời thầu/tổ chuyên gia/chủ đầu tư tuy “bỏ sót”, “quên” nhưng lại không gây thiệt hại cho Nhà nước nên cũng chẳng sao. Đã ký hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm với chữ ký của mình.
Đây là một bài học đắt giá cho nhà thầu khi ký hợp đồng theo hình thức trọn gói nhất là đối với gói xây lắp.
2. Hợp đồng được ký kết (theo tình huống nêu trên) là hợp đồng theo đơn giá: Theo hình thức hợp đồng này thì tình huống trở nên phức tạp hơn nhiều, cụ thể:
Trong HSDT do nhà thầu nộp đã bỏ sót một hạng mục tức là bỏ sót một khối lượng công việc theo tiên lượng mời thầu. Khi đánh giá HSDT, bên mời thầu/tổ chuyên gia phải có trách nhiệm phát hiện việc chào thiếu này để tiến hành hiệu chỉnh sai lệch (Điều 30 NĐ85). Do các bên khi ký hợp đồng đã bỏ sót hạng mục này nghĩa là không có tên hạng mục kèm đơn giá và thành tiền trong hợp đồng đã ký, thành thử không có cơ sở thanh toán cho nhà thầu (vì đây là hợp đồng theo đơn giá).
Nhưng nếu không được thanh toán thì nhà thầu sẽ không thực hiện và sẽ không có công trình đạt được như thiết kế. Sự việc dẫn đến các bên ký hợp đồng (chủ đầu tư và nhà thầu) sẽ phải thảo luận tìm giải pháp. Đối với hợp đồng theo đơn giá thì khối lượng thực tế được xác nhận là cơ sở để thanh toán. Trong trường hợp của bạn hạng mục bỏ sót chỉ có trong hồ sơ mời thầu (HSMT) lại không có trong HSDT, không có trong hợp đồng, nhưng theo thứ tự ưu tiên pháp lý trong hợp đồng quy định tại Điều 47 NĐ85, trong nội dung hợp đồng thuộc HSMT thì HSDT lại có vị trí pháp lý cao hơn HSMT. Do vậy, chủ đầu tư muốn có công trình theo thiết kế thì phải bổ sung việc thanh toán cho hạng mục bỏ sót này. Nhưng câu hỏi đặt ra là với đơn giá nào? Nếu có đơn giá tương tự trong HSDT thì dễ, nếu không hai bên sẽ phải thương thảo, nhưng vì phía nào cũng muốn giành quyền lợi nên đôi khi dẫn đến những tranh luận gay gắt.
Tuy nhiên, đã là tồn tại thì phải khắc phục, và ai gây ra sơ suất thì phải rút kinh nghiệm hoặc phải chịu trách nhiệm liên đới. Rõ ràng sự sơ ý tuy là của nhà thầu (thường là vô ý nhưng đôi khi lại là cố ý) nhưng bên mời thầu/tổ chuyên gia đã không làm tròn nhiệm vụ của mình.
Như đề cập, nếu cộng thêm chi phí cho hạng mục bỏ sót sẽ dẫn đến giá trúng thầu vượt giá gói thầu (dự toán). Nghĩa là trường hợp bên mời thầu/tổ chuyên gia phát hiện hạng mục bỏ sót để hiệu chỉnh sai lệch thì nhà thầu đã không đủ điều kiện để trúng thầu. Điều này làm cho sự việc trở nên phức tạp hơn nhiều. Để xử lý sự việc cần có sự thỏa thuận giữa hai bên (chủ đầu tư và nhà thầu) về nội dung, biện pháp xử lý rồi lập báo cáo đầy đủ, tỉ mỉ để xác định thẩm quyền, quyết định là chủ đầu tư (nếu không vượt quá tổng vốn đầu tư) hoặc thuộc người có thẩm quyền (nếu làm vượt tổng mức đầu tư).
Giá như trong quá trình đánh giá HSDT, trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, hạng mục bỏ sót của nhà thầu được phát hiện thì sự việc đã không xảy ra. Do vậy, sự cẩn trọng, kỹ năng đánh giá HSDT là một yếu tố quan trọng, nó là một quá trình tích lũy. Sự sơ suất, vô ý của bên mời thầu/tổ chuyên gia trong trường hợp này, nhìn một cách khắt khe, cũng là một hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu theo định nghĩa ở khoản 5 Điều 2 NĐ85: “Vi phạm pháp luật về đấu thầu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu”. Mà đã là vi phạm thì sẽ bị xử lý để răn đe. Có những sơ suất chỉ cần khắc phục bằng một lời xin lỗi, nhưng có những sơ suất là phải trả giá, mà là giá đắt. Cách tốt nhất là cố gắng đừng để có sơ suất.
Như vậy, qua phân tích cho thấy, sự sơ suất của bên mời thầu/tổ chuyên gia đấu thầu trong đánh giá HSDT đối với hình thức hợp đồng theo đơn giá gây ra nhiều hệ lụy hơn so với hình thức hợp đồng trọn gói.
TS. Nguyễn Việt Hùng