Đặc điểm kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh thanh hóa (Trang 41 - 44)

Trong giai đoạn 2006 – 2010, kinh tế Thanh Hoá luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 11,3% (cao hơn so với giai đoạn 2001-2005 (9,1%)). Tổng GDP năm 2010 gấp 1,7 lần năm 2005. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 810 USD. Các ngành kinh tế phát triển khá toàn diện, quy mô và hiệu quả được nâng lên.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khai thác, phát huy được lợi thế so sánh của tỉnh và đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong 5 năm, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong GDP đã giảm từ 30,4% (năm 2006) xuống còn 24,3% (năm 2010), tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng tăng từ 35,1% (năm 2006) lên 41,2% (năm 2010), tỷ trọng các ngành dịch vụ

tăng từ 33,1% (năm 2006) lên 34,4% (năm 2010). Nội bộ từng ngành kinh tế đều có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ.

Bảng 2.1: Cơ cấu kinh tế của Thanh Hoá qua các năm

Đơn vị: %

Cơ cấu kinh tế 2006 2007 2008 2009 2010

Nông, lâm, thuỷ sản 30,4 28,6 29,9 27,3 24,3

Công nghiệp, xây dựng 35,1 36,6 36,0 38,4 41,2

Dịch vụ 33,1 34,8 34,1 34,3 34,4

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu Tư Thanh Hoá, 2010

Trong sản xuất nông - lâm - thuỷ sản vẫn phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản bình quân hằng năm tăng 2,7%. Mô hình kinh tế tập thể, nhất là các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp được củng cố. Đây là những kết quả tích cực góp phần quan trọng vào ổn định đời sống nhân dân, tạo thị trường cho duy trì, phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Trong công nghiệp, tuy chịu nhiều tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế nhưng sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp gấp 2,1 lần so với năm 2005. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có mức tăng trưởng khá. Trong giai đoạn 2006- 2010, tỉnh đã thu hút được một số dự án sản xuất công nghiệp lớn, bình quân mỗi năm công nghiệp tạo việc làm mới cho gần 1,5 vạn LĐ. Các khu, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng hạ tầng đã thu hút nhiều dự án có công nghệ tiên tiến, sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, tăng tốc độ phát triển công nghiệp. Do có sự đầu tư và phát triển công nghiệp như vậy nên nó cũng đã đặt ra yêu cầu và tác động lớn đến phát triển NNL trong tỉnh.

Các hoạt động dịch vụ phát triển đa dạng, có chuyển biến tích cực cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng. Giá trị gia tăng thêm bình quân hằng năm tăng 12,3%. Thương mại phát triển theo hướng ngày càng văn minh, thuận tiện. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ hằng năm tăng 22,6%. Giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ năm 2010 ước đạt 350 triệu USD.

Trong những năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh của Thanh Hoá đã được cải thiện nên thu hút ngày càng nhiều vốn cho đầu tư phát triển. Trong 5 năm (2006-2010), tổng vốn huy động ước đạt 83.150 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với giai đoạn trước (2001-2005), trong đó: vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 27%, vốn tín dụng đầu tư: 20%, vốn của doanh nghiệp nhà nước: 4%, vốn đầu tư nước ngoài: 16%, vốn khu vực dân cư và các thành phần kinh tế khác: 33%. Nhờ vậy đã thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ của thành phố phát triển, mở ra nhiều ngành nghề mới, là động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu LĐ

Tự do hoá thương mại trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế, Thanh Hoá đang đứng trước nhiều cơ hội thương mại, buôn bán với các nước trong khu vực và thế giới. Điều này đã tác động không nhỏ đến sự phát triển NNL tỉnh. Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu từ 133,7 triệu USD năm 2006 tăng lên 350 triệuUSD năm 2010 là 443 triệu USD. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là may mặc, giày dép, hàng thuỷ sản

Trong giai đoạn 2006-2010, khu vực doanh nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh, số doanh nghiệp đăng ký thành lập khoảng 5.100 doanh nghiệp, gấp 2,7 lần so với giai đoạn 2001-2005, bình quân hàng năm tăng 21,4%. Tổng số vốn đăng ký là 23.800 tỷ đồng, trung bình hàng năm tăng 35% và gấp hơn 6 lần so với giai đoạn 2001-2005 [31, tr 6]. Điều này đòi hỏi thị trường LĐ Thanh Hoá phải cung ứng số lượng LĐ lớn, có chất lượng để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Nhìn chung trong lĩnh vực kinh tế các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều diễn ra mạnh mẽ, giá trị các ngành sản xuất đều có xu hướng tăng. Chính kết quả đó đã góp phần quan trọng tạo những điều kiện cơ sở vật chất cần thiết phát triển các mặt văn hoá - xã hội nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là lực lượng LĐ của toàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tăng trưởng chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu LĐ còn chậm, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa bền vững, công nghiệp chủ yếu vẫn là các ngành truyền thống, sử dụng nhiều nguyên, nhiên vật liệu và LĐ, trình độ công nghệ còn thấp, tiềm năng du lịch và dịch vụ chưa được khai thác tốt. Thu nhập của dân cư thấp, đời sống nhân dân, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn nhiều hạn chế. Do vậy cũng gây ra không ít khó khăn cho công tác phát triển NNL, đặc biệt là NNL có chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển KT – XH của tỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh thanh hóa (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)