4.2. Giải pháp thực hiện tự chủ tài chính
4.2.2. Giải pháp về hoàn thiện các quy định quản lý nội bộ
Công tác xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để thực thi quyền tự chủ về sử dụng các nguồn lực tài chính của trường cần chi tiết, đảm bảo được tính công khai; chi tiết các nguồn thu, mức thu, tổng quy mô thu; chi tiết các khoản chi, mức chi và quy mô chi; chi tiết mục tiêu và tiêu chuẩn phân phối nguồn tài chính, chi tiết các quy định và thủ tục kiểm tra giám sát… Quan trọng hơn trong quy chế chi tiêu nội bộ của trường cần quan tâm đề ra được các biện pháp quản lý tăng thu, tiết kiệm chi, và xác định trách nhiệm của các tập thể và cá nhân đối với công tác quản lý sử dụng nguồn tài chính. Chỉ khi quy chế chi tiêu nội bộ được xây dựng thật bài bản, khoa học và hợp lý thì Ban giám hiệu mới có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về tài chính của trường, để lập kế hoạch, ra các quyết sách thích hợp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp.
Quy chế chi tiêu nội bộ là căn cứ pháp lý để thực hiện chi các khoản chi trong đơn vị, tạo quyền chủ động trong công tác quản lý và chi tiêu tài chính cho Hiệu trưởng nhà trường, thực hiện kiểm soát của Kho bạc Nhà nước; cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính và các cơ quan thanh tra, kiểm toán theo qui định và khuyến khích việc sử dụng tài sản đúng mục đích, có hiệu quả; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; công
bằng trong đơn vị; khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi, thu hút và giữ được người có năng lực trong nhà trường. Văn bản này cần được hoàn thiện trên nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai và phân phối theo lao động nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính, chống lãng phí và tuân theo đúng các quy định của Pháp luật.
Quy chế chi tiêu nội bộ cũng cần thường xuyên sửa đổi, bổ sung một số nội dung chi và mức chi cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng tăng cường chi cho con người, đặc biệt là đội ngũ giảng viên - những người trực tiếp tạo thu nhập cho nhà trường và tăng cường đối với các khoản chi hỗ trợ đào tạo như: tăng đơn giá vượt giờ chi trả cho giảng viên nhằm khuyến khích đội ngũ giảng viên nhiệt tình trong công việc và nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng các khoản chi trực tiếp hỗ trợ đào tạo như: chi coi thi, chấm thi, ra đề thi....
Bên cạnh đó, quy chế cũng cần quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định chi tiêu của các lãnh đạo các phòng ban, cũng như quy định rõ ràng hơn trong việc quản lý tài sản, cơ sở vật chất của nhà trường. Quy chế chi tiêu phải luôn được cập nhật, đáp ứng với tình hình và quy mô đào tạo mới của trường.