Năng lực cạnh tranh

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Năng lực cạnh tranh của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Trang 26 - 27)

CHƢƠNG 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH

1.1 Khái niệm về Năng lực cạnh tranh

1.1.3 Năng lực cạnh tranh

1.1.3.1 Khái niệm

Diễn đàn cao cấp về cạnh tranh công nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế định nghĩa về năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ngành và quốc gia như sau: “Năng lực cạnh tranh là khả năng của các doanh nghiệp, ngành, quốc gia, khu vực trong việc tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế”. Theo Bách khoa toàn thư mở, Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là sự thể hiện thực lực và lợi thế của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong việc thoả mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng bằng việc khai thác, sử dụng thực lực và lợi thế bên trong, lợi thế bên ngoài nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn người tiêu dùng để tồn tại và phát triển, thu được lợi nhuận ngày càng cao và cải tiến vị trí của mình so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được tạo ra từ thực lực của doanh nghiệp, là các yếu tố nội hàm của mỗi doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh không chỉ được tính bằng các tiêu chí về công nghệ, tài chính, nhân lực, tổ chức quản trị doanh nghiệp… mà còn gắn liền với ưu thế của sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đưa ra thị trường. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn với với thị phần mà nó nắm giữ, cũng có quan điểm đồng nhất về Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo một số quan điểm khác, Năng lực cạnh tranh còn có thể được hiểu là khả năng tồn tại trong kinh doanh và đạt được một số kết quả mong muốn dưới dạng lợi nhuận, giá cả, lợi tức hoặc chất lượng các sản phẩm để khai thác các cơ hội thị trường hiện tại và làm nảy sinh thị trường mới.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Quy: “Năng lực cạnh tranh của Ngân hàng là khả năng Ngân hàng đó tạo ra, duy trì và phát triển những lợi thế nhằm duy trì và mở rộng thị phần, đạt được mức lợi nhuận cao hơn mức trung bình của ngành và liên tục tăng đồng thời đảm bảo sự hoạt động an toàn và lành mạnh, có khả năng chống đỡ và vượt qua những biến động bất lợi của môi trường kinh doanh”.

Theo quan điểm của người viết, có thể hiểu Năng lực cạnh tranh là sự thể hiện việc tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác nhằm thu lợi nhuận vượt bậc so với mức trung bình của ngành và ngày càng tăng cao trên cơ sở thoả mãn tốt nhất nhu cầu của các khách hàng mục tiêu nhằm tạo sự khác biệt, gia tăng thị phần bền vững, năng lực cạnh tranh đủ mạnh có khả năng định hướng thị trường, dẫn dắt thị trường tạo ra những nhu cầu mới và những khách hàng mục tiêu mới.

1.1.3.2 Ý nghĩa của Năng lực cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh là chỉ tiêu đo lường năng lực tổng thể của một chủ thể trong nền kinh tế. Việc xác định chính xác năng lực cạnh tranh giúp các chủ thể kinh tế xây dựng đúng đắn chiến lược phát triển trong dài hạn và các mục tiêu kinh doanh trong ngắn hạn.

Thêm vào đó, năng lực cạnh tranh giúp chủ thể kinh tế lựa chọn phân khúc khách hàng thật sự phù hợp mà mình có khả năng đáp ứng tốt nhất. Năng lực cạnh tranh ngày càng được coi là yếu tố cốt lõi để chủ thể kinh tế đảm bảo sự tồn tại, duy trì và phát triển bền vững.

Ngoài ra, năng lực cạnh tranh cho thấy sự vận dụng linh hoạt, sự kếp hợp hài hoà giữa sức mạnh bên trong và bên ngoài của các chủ thể kinh tế.

Như vậy, năng lực cạnh tranh hết sức quan trọng đối với một doanh nghiệp, việc đi tìm năng lực cạnh tranh, xác định năng lực cạnh tranh, củng cố và phát triển năng lực cạnh tranh là việc cần thiết mà một doanh nghiệp phải quan tâm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Năng lực cạnh tranh của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)