Chiến lược này là nghiên cứu của Ngân hàng thế giới dành cho Trung Quốc với tên gọi: “ Trung Quốc và nền kinh tế tri thức: Bắt kịp trong thế kỷ 21”. Nghiên cứu này chỉ ra những thách thức tiềm ẩn mà Trung Quốc phải đương đầu trong cuộc cách mạng thông tin và tri thức là: tạo việc làm; duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh quốc tế; giảm bất bình đẳng về thu nhập và giữa các vùng;bảo vệ môi trường. Thêm vào đó Trung Quốc cũng phải đương đầu với cuộc cách mạng tri thức toàn cầu. Mặc dù đặt ra nhiều thách thức nhưng nó cũng mang đến cơ hội để Trung Quốc phát triển bền vững.
Những gợi ý chính sách trong nghiên cứu này đã được Trung Quốc áp dụng tại nhiều địa phương và bước đầu đem lại thành công nên có thể xem như là những nhận thức của Trung Quốc về kinh tế tri thức. Dưới đây là tóm tắt các kiến nghị chính sách về chiến lược phát triển kinh tế tri thức ở Trung Quốc của báo cáo:
Thứ nhất, cải cách tổ chức và các động lực kinh tế.
Những thay đổi mới sẽ là vai trò mới của Nhà nước. Chính phủ phải chuyển từ vai trò người sản xuất và kiểm soát trở thành nhà kiến trúc xây dựng hệ thống kinh tế dựa trên tri thức và thị trường xã hội chủ nghĩa. Đây là hệ thống tự điều tiết thông qua các thể chế hỗ trợ thị trường phù hợp. Có sáu khu vực cần được hỗ trợ để hình thành nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ:
- Tăng cường khung luật pháp và quy định để hỗ trợ cho tiềm năng của các doanh nghiệp.
- Thúc đẩy cạnh tranh kinh tế. - Tăng cường hệ thống tài chính.
- Tạo điều kiện cho sự linh hoạt của thị trường lao động. - Phát triển hệ thống an sinh xã hội có hiệu quả.
- Thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ hai, cải cách giáo dục và đào tạo.
Những kỹ năng giáo dục đại học và các loại hình giáo dục cao hơn nữa rất cần cho nền kinh tế tri thức. Mặc dù có những cải tiến mạnh mẽ nhưng thành tựu về giáo dục của Trung Quốc vẫn còn rất thấp. Đây có lẽ là cuộc cải cách quan trọng nhất về lâu dài bởi nó chính là nguồn lực để phát triển kinh tế
tri thức. Những người dân cần phải được giáo dục và đào tạo những kỹ năng sáng tạo với khả năng học tập suốt đời. Một số hướng cải cách cần chú ý là:
- Hiện đại hoá chương trình dạy học ở mọi cấp để cung cấp những kỹ năng cơ bản mà kinh tế tri thức đòi hỏi.
- Nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục.
- Hội nhập hệ thống giáo dục đại học tư nhân vào hệ thống giáo dục chính thức và cơ cấu lại các ngành giáo dục địa phương và quốc gia.
- Đảm bảo bình đẳng trong giáo dục
- Đổi mới hệ thống đào tạo và giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp.
- Thực hiện các chương trình đào tạo lại cho hàng triệu công nhân bị sa thải để họ có thể tìm được những công việc khác phù hợp.
- Khơi dậy tiềm năng to lớn của đào tạo dựa trên internet, tận dụng cơ sở hạ tầng học tập từ xa đã phát triển mạnh mẽ.
Thứ ba, xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin.
Hạ tầng thông tin và hệ thống viễn thông hiện đại là điểm tới hạn phải vượt qua để tiến vào kinh tế tri thức. Một số hành động để xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại là:
- Khuyến khích cạnh tranh mạnh mẽ bằng cách mở cửa thị trường viễn thông.
- Mở cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin.
- Mở rộng khả năng truy cập Internet và khuyến khích phát triển các trang web quốc gia.
- Khuyến khích mạnh mẽ hơn việc ứng dụng thông tin và công nghệ thông tin vào nền kinh tế.
- Khuyến khích thương mại điện tử B2C, B2B.
- Khuyến khích sự hình thành chính phủ điện tử để nâng cao hiệu quả mối quan hệ giữa các bộ, trong thu thuế và quản lý ngân sách cũng như làm cho hoạt động của chính phủ dân chủ và minh bạch hơn.
- Khuyến khích đào tạo rộng rãi trong lĩnh vực thông tin và công nghệ thông tin.
Thứ tư, phổ biến công nghệ trong nền kinh tế.
Hạ tầng công nghiệp hiện đại hiện đang tập trung hầu hết trong 50 khu công nghệ cao. Trung Quốc cần nhanh chóng phổ biến, ứng dụng công nghệ và những vấn đề liên quan đến tri thức từ lĩnh vực sản xuất có hiệu quả sang các nơi kém hiệu quả hơn. Để thực hiện điều này thì ngoài thể chế chính sách khuyến khích thị trường hoạt động có hiệu quả thì Chính phủ cần phải:
- Có sự ưu tiên nguồn lực để phát triển hệ thống phổ biến công nghệ như các trung tâm nghiên cứu, các chương trình đổi mới các ngành công nghiệp sơ chế, hỗ trợ SME, mở rộng dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp...
- Hỗ trợ nhiều hơn nữa cho đổi mới doanh nghiệp. - Tạo thuận lợi cho sự đổi mới
- Phát triển và sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Thứ năm, phát triển hệ thống nghiên cứu và triển khai.
Chính phủ nên tăng hỗ trợ cho nghiên cứu cơ bản, khuyến khích các lĩnh vực sản xuất nghiên cứu, nhận thức được tầm quan trọng của bản quyền sở hữu. Đặc biệt là cần phải khai thác tri thức toàn cầu bằng cách tập trung thu hút đầu tư nước ngoài trong những các lĩnh vực có lợi ích chiến lược.
Nhận xét
Trung Quốc là quốc gia rất tích cực chuẩn bị đón nhận kinh tế tri thức, coi đây là một cơ hội lớn cần phải tận dụng được để trở thành nước phát triển trong thế kỷ 21. Báo cáo này được xây dựng trên một quan điểm nhất quán của Ngân hàng thế giới về kinh tế tri thức trong điều kiện cụ thể của Trung Quốc. Quan niệm về kinh tế tri thức của báo cáo chính là cách hiểu của Ngân hàng thế giới: một môi trường văn hóa xã hội thuận lợi cho việc sản sinh, phổ biến và sử dụng tri thức.