69. Chi tiêu cho ICT trong% GDP 1999 ( 2001 WEF) Vietnam=7.4;USA=8
3.3.3. Tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và Nhà nước
Hệ thống đổi mới quốc gia năng động mà trong đó doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các nhân tố khác tương tác có hiệu quả là một yếu tố tiền đề quan trọng để tạo ra và sử dụng tri thức, đổi mới công nghệ, sản phẩm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Để đạt được điều đó thì ngoài việc xác định lại chức năng quản lý vĩ mô, điều chỉnh vai trò kinh tế của Nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, mở cửa nền kinh tế và mở cửa xã hội hội nhập với khu vực và thế giới... trong nội dung đổi mới quản lý xã hội ở phần trên, các chính sách và biện pháp tổ chức, vận hành hệ thống đổi mới quốc gia cần tập trung vào những khía cạnh chủ yếu sau:
Thứ nhất, tạo lập môi trường pháp lý, thể chế hữu hiệu trong lĩnh vực
KH&CN nhằm khuyến khích quá trình tạo ra, thu nhận, đồng hóa, sử dụng và truyền bá tri thức
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp để khuyến khích đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, cũng như chuyển giao công nghệ từ các kết quả nghiên cứu và phát triển trong nước cho các doanh nghiệp.
- Phát triển thị trường cho hoạt động KH&CN. Thể chế hoá quyền tự do di chuyển nguồn lực, nhất là nhân lực KH&CN giữa các khu vực, các loại hình tổ chức, kể cả trong và ngoài nước, giữa tổ chức Nhà nước và tư nhân.
- Thực thi các chính sách khuyến khích hợp tác quốc tế về KH&CN để tiếp thu tri thức từ bên ngoài như: tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân hoạt động KH&CN Việt Nam tham gia các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, trao đổi chuyên gia với các tổ chức và cá nhân hoạt động KH&CN nước ngoài và quốc tế; ưu đãi nhằm thu hút tri thức Việt kiều và chuyên gia giỏi nước ngoài tham gia phát triển KH&CN tại Việt Nam.
Thứ hai, tạo lập các điều kiện cần thiết để thúc đẩy mối liên kết giữa
các nhân tố.
- Nâng cao quyền tự chủ đầy đủ của các DNNN về sản xuất và kinh doanh, đầu tư, tự quyết về công nghệ, nhân lực để thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới, và là nơi đặt ra nhu cầu về đổi mới công nghệ và sản phẩm. Khuyến khích bằng các kích thích kinh tế hoạt động R&D trong doanh nghiệp để hỗ trợ đổi mới.
- Tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đổi mới phương thức phân bổ tài chính cho R&D dàn trải của Nhà nước hiện nay theo hướng dành ưu tiên kinh phí cho nghiên cứu mang tính công ích như môi trường, sức khoẻ, nghiên cứu cơ bản, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng..., và những lĩnh vực nghiên cứu công nghệ nền tảng thuộc các hướng ưu tiên trọng điểm quốc gia (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hoá, công nghệ vật liệu tiên tiến). Những lĩnh vực R&D gắn trực tiếp với sản xuất sẽ do thị trường điều tiết, Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế và các khuyến khích khác. Sớm hình hình quỹ đầu tư rủi ro, quỹ hỗ trợ chuyển giao công nghệ để hỗ trợ cho việc nghiên cứu đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp.
- Thúc đẩy liên kết giữa giảng dạy, nghiên cứu và sản xuất kinh doanh thông qua việc hỗ trợ kinh phí cho các dự án nghiên cứu gắn với đổi mới công nghệ và sản phẩm của doanh nghiệp, các chương trình đào tạo về quản lý công nghệ có sự tham gia của trường đại học và Viện nghiên cứu. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp phát sinh trong quá trình hoạt động (Spin off enteprises) của các Viện nghiên cứu, trường đại học để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh.
- Đẩy nhanh việc xây dựng một số trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm chất lượng cao, sớm hoàn thành hai khu công nghệ cao Hoà Lạc, TP.Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp phần mềm để làm nòng cốt cho quá trình đổi mới.
Thứ ba, xây dựng các cơ chế phổ biến tri thức, công nghệ tới khu vực
sản xuất và dịch vụ bằng cách hình thành các trung tâm đổi mới nhằm phổ biến tri thức KH&CN, trung tâm khuyến nông trong nông nghiệp, trung tâm tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho doanh nghiệp, gửi học sinh thực tập tại doanh nghiệp...