Vai trò của thị trường chứng khoán

Một phần của tài liệu ứng dụng mô hình capm đa biến để ước lượng tỷ suất sinh lời và rủi ro cho các công ty thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 40 - 43)

Tính đến hết ngày 20/7/2011, TTCKVN tròn 11 năm hoạt động. Khoảng thời gian còn ngắn để một dạng thức thị trường bậc cao hòa nhập vào nền kinh tế Việt Nam. Những vấp váp, khó khăn là hiển nhiên trong buổi ban đầu, nhưng những gì mà TTCK đã làm được, đã đóng góp cho nền kinh tế là không thể phủ nhận.

Biểu đồ 2.1: Chỉ số VN-Index từ 28-07-2000 đến 09-06-2011

12 năm nhìn lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự có sự trưởng thành sau khi nỗ lực vượt qua nhiều gian khó, qua đó đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Đáng kể nhất là đảm bảo thị trường vận hành an toàn, ổn định ngay trong những thời điểm khó khăn nhất, điều mà không phải thị trường non trẻ nào cũng đạt được. Đơn cử như thị trường chứng khoán Indonesia đã 2 lần đổ vỡ, Thái Lan 1 lần và phải 10 năm sau mới được khôi phục hoạt động. Kết quả này có được là bởi ngay từ đầu thị trường chứng khoán đã có cơ quan quản lý, có hệ thống luật pháp điều chỉnh tương đối đồng bộ và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của nhà đầu tư, họ đã bền bỉ tham gia thị trường ngay vào những thời điểm khó khăn nhất và điều này được thể hiện rõ qua năm 2011.

Thứ nhất, sự trưởng thành của thị trường được thể hiện sinh động qua nhiều con số. So với cách đây 12 năm, quy mô thị trường hiện tăng trên 50 lần, vốn hoá năm đầu tiên dưới 1% GDP, nhưng cuối năm 2011 đạt 32%. Khối lượng giao dịch cũng tăng cỡ 60 - 70 lần so với năm đầu tiên giao dịch. Công ty niêm yết trong năm đầu tiên thị trường hoạt động chỉ hơn 10 DN, nay tăng lên hơn 700 DN. Huy động vốn thực sự là điểm đáng chú ý hơn cả, khi tính đến cuối năm 2011: 828.000 tỷ đồng đã được huy động thông qua TTCK, đỉnh cao là năm 2007 mức huy động vốn đạt 127.000 tỷ đồng. Luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thời điểm cao nhất lên đến 12 tỷ USD, nay khoảng trên 6 tỷ USD, 77% trong số đó tập trung vào 20 mã chứng khoán vốn hóa lớn nhất. (tham khảo tại: http://gafin.vn/20120127112320819p0c31/thi-truong-chung- khoan-viet-nam-1-giap-va-12-con-so-an-tuong.htm và http://www.tinmoi.vn/von-dau- tu-gian-tiep-nuoc-ngoai-nhung-trien-vong-02760077.html ). Qua đó, TTCK đã góp phần cân bằng cán cân thanh toán, cũng như gia tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong con mắt NĐT quốc tế, nó đã thực sự trở thành kênh dẫn vốn dài hạn, hiệu quả cho nền kinh tế.

Thứ hai, nhờ có thị trường chứng khoán, tư duy về quản lý và quản trị doanh nghiệp được cải thiện đáng kể. Với sự thành công của hệ thống quản trị doanh nghiệp niêm yết, xu hướng sắp tới là áp dụng thông lệ quản trị công ty niêm yết cho cả doanh nghiệp đại chúng và doanh nghiệp NN nói chung.

Thứ ba, hệ thống doanh nghiệp minh bạch hơn. Với việc thị trường trái phiếu và cổ phiếu phát triển, các nhà tạo lập chính sách đã nhìn nhận, sự công khai, minh bạch về chính sách là một trong những phương thức quan trọng để giữ vững uy tín cho các cấp quản lý nhà nước và doanh nghiệp, là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Đóng góp của thị trường chứng khoán vì thế không chỉ ở câu chuyện huy động vốn dài hạn, mà là góp phần thay đổi hệ thống nhận thức, hệ thống tư duy về quản trị, minh bạch.

Thứ tư, hệ thống nhà đầu tư với sự hiểu biết về chứng khoán tăng lên rất nhiều, họ biết rõ hơn về lợi thế thị trường, tính ưu việt của thị trường chứng khoán, từ đó vừa sử dụng thị trường như một công cụ để sinh lợi, vừa học thị trường về cách phòng tránh rủi ro.

Tuy nhiên, với tình hình thị trường chứng khoán như hiện nay, nhiều chủ thể đang rất khó khăn, không chỉ xuất phát từ nội tại thị trường, mà còn xuất phát từ những khó khăn vĩ mô. Vì vậy, để thị trường chứng khoán phát triển lâu dài, đầu tiên là cần sự ổn định của các yếu tố vĩ mô, trong đó chính sách rõ ràng, nhất quán của Chính phủ trong các định hướng phát triển kinh tế và giải pháp phát triển kinh tế là quan trọng số một. Bên cạnh đó, các chính sách trong lĩnh vực phát hành, niêm yết, quản trị doanh nghiệp, chính sách thuế và chính sách liên quan đến Luật Chứng khoán cần hoàn chỉnh, nhất quán, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán ổn định, phát triển minh bạch, hiệu quả hơn.

Số lượng cổ phiếu trong danh mục Độ lệch chuẩn của danh mục

Rủi ro hệ thống Rủi ro không hệ thống

Tổng rủi ro

Một phần của tài liệu ứng dụng mô hình capm đa biến để ước lượng tỷ suất sinh lời và rủi ro cho các công ty thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 40 - 43)