Các giải pháp vĩ mô

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quản lý hoạt động thanh toán biên mậu của các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Trang 99 - 104)

3.2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN

3.2.1. Các giải pháp vĩ mô

3.2.1.1 Hoàn thiện chính sách kinh tế của Nhà nước và môi trường pháp lý đối với hoạt động thanh toán biên mậu

Với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò điều khiển vĩ mô nền kinh tế của Nhà nước ngày càng được khẳng định. Xu hướng hội nhập vào nền kinh tế thế giới đem lại một cơ hội lớn cho sự phát triển của mỗi quốc gia tuy nhiên lúc này cũng chính là lúc rất cần đến sự định hướng của Nhà nước để mọi hoạt động đều đi đúng hướng. Hoạt động thanh toán biên mậu cũng rất cần những chính sách thích hợp, phù hợp với mục tiêu từng thời kỳ để hoạt động được mở rộng và ngày càng phát triển đồng thời hạn chế được rủi ro có thể xảy ra cho các chủ thể tham gia. Sau đây là một số giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa các chính sách kinh tế và môi trường pháp lý của Nhà nước nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động thanh toán biên mậu.

* Hoàn thiện chính sách thương mại nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu

Thực tế cho thấy thực lực tài chính của các doanh nghiệp nước ta hiện nay còn yếu kém, hoạt động kinh doanh chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng. Kinh doanh xuất nhập khẩu thua lỗ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, tới uy tín thanh toán của ngân hàng. Chính vì thế, để lành mạnh hoá hoạt động xuất nhập khẩu, Nhà nước phải tăng cường hiệu lực các văn bản về thủ tục xuất nhập khẩu. Phải có quy chế bắt buộc cho các doanh nghiệp khi đầy đủ điều kiện về tài chính, trình độ quản lý, hướng phát triển kinh doanh… thì mới cấp giấy phép xuất khẩu trực tiếp, đồng thời thu hồi giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động yếu kém, thua lỗ trong thời gian dài. Đồng thời các thể chế, thủ tục xuất nhập khẩu cần phải tạo nên sự cân bằng giữa khuyến khích và kiểm soát xuất nhập khẩu. Hiện nay chủ trương của Nhà nước ta là thực hiện chiến lược hướng về xuất khẩu nhằm mục tiêu tăng trưởng ổn định, bền vững cho nền kinh tế, do đó Nhà nước cần có những giải pháp sau:

- Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, đặc biệt là hoạt động thương mại với các thị trường lớn như: Trung Quốc, các nước thuộc khối ASEAN…xây dựng và phát triển thị trường trọng điểm, mở rộng thị trường mới.

- Khai thác có hiệu quả tiềm năng về tài nguyên, sức lao động và đất đai, giảm giá thành hàng xuất khẩu Việt Nam. Cần đầu tư thích đáng vào những sản phẩm truyền thống và có ưu thế như: gạo, thuỷ sản, dầu mỏ …

- Có chính sách đầu tư hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và phấn đấu xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng đã qua chế biến .

- Có chính sách khuyến khích sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu thông qua các công cụ quản lý vĩ mô như: thuế, trợ giá…

- Để giảm thiểu thiệt hại do khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực gây ra cho các doanh nghiệp, Nhà nước cần đẩy mạnh trợ cấp xuất nhập khẩu thông

qua chế độ lãi suất ưu đãi, giảm thuế, cân đối cung cầu, hạn chế những cơn sốt hàng hoá trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

- Nhà nước cần ban hành các luật thuế xuất nhập khẩu phù hợp, ổn định. Trên thực tế, biểu thuế quy định của Nhà nước luôn thay đổi làm cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không dự đoán được diễn biến thị trường tương lai nên đã gặp phải không ít khó khăn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và rủi ro cho ngân hàng.

Việt Nam đang từng bước hội nhập vào nền thương mại quốc tế, vì vậy hoạt động thương mại và ngân hàng diễn ra sôi nổi và phát triển hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi có sự hiện diện ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài, các chi nhánh ngân hàng lớn trên thế giới.

* Hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thanh toán biên mậu

Hoạt động kinh doanh tiền tệ là loại hình kinh doanh có có mức độ rủi ro cao. Vì vậy, hoạt động này đòi hỏi sự hoàn thiện về môi trường pháp lý để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, từng bước thực hiện khả năng chuyển đổi của VND trong các hoạt động ngoại hối và hoàn thiện hệ thống quản lý ngoại hối của Việt Nam, trong đó việc quan hệ giao lưu với Trung Quốc, một đất nước có tiềm lực kinh tế ngày càng vươn lên mạnh mẽ, sức mạnh của đồng nhân dân tệ càng được nâng lên trên thế giới, do đó Việt Nam cần có những chính sách kinh tế, trong đó có chính sách về việc quản lý tiền tệ vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc đang đặt ra nhiều đòi hỏi bức thiết. Song trên thực tế thì hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán biên mậu nói riêng còn nhiều thiếu sót, đã lạc hậu và chưa đồng bộ.

Để nâng cao sự hiệu quả trong hoạt động thanh toán biên mậu thì điều quan trọng là cần phải có các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản dưới nó làm căn cứ hướng dẫn các NHTM tham gia hoạt động này được tiến hành một cách có hiệu quả. Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước cần có những

nghiên cứu để sửa đổi phù hợp hiệp định thanh toán và hợp tác giữa ngân hàng trung ương hai nước, có những quy định rõ hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ thanh toán biên mậu cho ngân hàng hai nước, có các mẫu chứng từ, cách thức thanh toán nhanh chóng, tiện lợi. Có những quy định rõ ràng về quyền và lợi ích của các bên tham gia hoạt động thanh toán này, cách thức xử lý vấn đề tồn khoản đối với đồng tiền của mỗi nước, các quy định có liên quan đến việc có cho phép các cá nhân hay tổ chức của hai nước được nộp tiền vào tài khoản của các ngân hàng hai nước và thanh toán cho các doanh nghiệp XNK hay không…Mặt khác, việc ban hành cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Nhà nước, các NHTM với nhau và với các doanh nghiệp XNK cũng là một điều rất cần thiết. Có như vậy thì các quy định pháp lý có liên quan đến hoạt động thanh toán biên mậu mới được phổ biến rộng rãi đến các NHTM và các doanh nghiệp XNK có tham gia hoạt động dịch vụ này, ngoài ra cũng nhờ có sự phản hồi trở lại từ hoạt động thực tế của các đơn vị thì các cơ quan có thẩm quyền mới có được những sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế, có như vậy mới góp phần hoàn thiện chính sách, môi trường thể chế, môi trường hoạt động đối với TTBM.

3.2.1.2 Hiện đại hoá công nghệ thanh toán của hệ thống các ngân hàng trên địa bàn

Giải pháp hiện đại hoá công nghệ ứng dụng trong việc giúp các Chi nhánh ngân hàng trên địa bàn vượt qua được các thách thức sau:

- Đối tượng khách hàng ngày càng đa dạng với yêu cầu cao hơn. - Áp lực cạnh tranh giữa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng. - Sự cạnh tranh ngày càng nhiều của các bàn đổi CNY cá nhân phục vụ hoạt động XNK cũng như các nhu cầu khác của người dân và doanh nghiệp.

Để nâng cao chất lượng thanh toán biên mậu, là hoạt động đòi hỏi trình độ công nghệ cao, các Chi nhánh ngân hàng trên địa bàn cần tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin theo hướng:

- Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành kinh doanh gồm:

+ Cơ sở dữ liệu thông tin bên ngoài như môi trường kinh doanh; các chủ trương, chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước; các chính sách, quy định của Ngân hàng Nhà nước…

+ Cơ sở dữ liệu thông tin bên trong gồm các quy định, chính sách, số liệu thống kê kinh doanh… của ngân hàng mình.

+ Cơ sở dữ liệu thông tin về khách hàng gồm các thông tin tài chính; các thông tin phi tài chính thu thập trong quá trình tiếp xúc, phỏng vấn khách hàng, đi khảo sát, nghiên cứu tại cơ sở kinh doanh của khách hàng, thông tin được cung cấp từ các tổ chức tín dụng khác…

- Củng cố, nâng cấp căn bản hệ thống trang thiết bị đảm bảo tính đồng bộ, tốc độ xử lý cao, có khả năng chuyển đổi đối với các giai đoạn phát triển tiếp theo.

- Phát triển các phần mềm ứng dụng chính của ngân hàng; xây dựng hệ thống bảo mật toàn diện; xây dựng hệ thống hỗ trợ từ xa. Đặc biệt, cần nhanh chóng triển khai các dịch vụ BSMS, HomeBanking, E-Banking hỗ trợ các khách hàng thanh toán biên mậu nhanh chóng vấn tin, tra soát, kiểm tra được các giao dịch đang được ngân hàng xử lý.

3.2.1.3 Củng cố và phát triển quan hệ đại lý với các ngân hàng Trung Quốc

Ngày từ khi hiệp định thanh toán và hợp tác giữa ngân hàng trung ương hai nước được ký kết năm 1993 thì các NHTM hai nước đã tích cực chuẩn bị các tiền đề về văn bản pháp lý, về quy trình nghiệp vụ, về công nghệ thông tin,

nguồn nhân lực…để triển khai các hoạt động thanh toán biên mậu đưa vào thực tế phục vụ nhu cầu thanh toán XNK hàng hoá giữa hai nước. Trên thực tế từ năm 1996 việc triển khai và đi vào hoạt động của dịch vụ TTBM giữa các NHTM hai nước trên địa bàn tỉnh đã có được những bước phát triển đáng ghi nhận, để có được những thành tích ấy có đóng góp một phần quan trọng của việc hợp tác quan hệ đại lý giữa ngân hàng hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 05 Chi nhánh NHTM có quan hệ TTBM với 04 Chi nhánh ngân hàng Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây, mối quan hệ đại lý đang ngày càng phát triển tốt đẹp. Để hoạt động thanh toán biên mậu phát triển hơn nữa, đáp ứng được nhu cầu thanh toán của thương nhân hai nước thì các Chi nhánh ngân hàng hai nước cần phải thường xuyên trao đổi và tăng cường sự hợp tác toàn diện trên tất cả các mặt có liên quan đến hoạt động thanh toán này như: quy trình nghiệp vụ, công nghệ thanh toán, nguồn nhân lực phục vụ công tác thanh toán…có như vậy thì những vướng mắc nảy sinh từ quá trình thực hiện các thao tác mới có thể được giải quyết một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất cho khách hàng, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của ngân hàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quản lý hoạt động thanh toán biên mậu của các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Trang 99 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)