CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội huyện Thanh Chương
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Thanh Chương là một huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 45 km về phía Tây; có tọa độ địa lý từ 18034'30" đến 18055'00" Vĩ độ Bắc và 104055' đến 105030' Kinh độ Đông.
- Phía Bắc giáp huyện Anh Sơn và huyện Đô Lương; - Phía Nam giáp huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; - Phía Đông giáp huyện Đô Lương và huyện Nam Đàn; - Phía Tây giáp tỉnh Bô Ly Khăm Xay - CHDCND Lào.
Huyện Thanh Chương cách thành phố Vinh 45 km về phía Tây, có đường Quốc lộ 46 chạy dọc nối liền huyện Thanh Chương với huyện Đô Lương và huyện Nam Đàn, có Tỉnh lộ 533 chạy dọc nối liền Thanh Chương với huyện Anh Sơn và huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), có đường Hồ Chí Minh chạy qua, có cửa khẩu Thanh Thủy và có đường biên giới với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Với đặc thù vị trí địa lý đó, Thanh Chương có điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH - HĐH và có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
3.1.1.2. Địa hình, địa mạo
Thanh Chương có địa hình dạng thung lũng lòng máng đáy là sông Lam nghiêng về tả ngạn, xung quanh vừa có núi cao xen kẽ đồng bằng, đồi núi bị chia cắt bởi nhiều khe, suối quanh co. Địa hình huyện Thanh Chương có thể chia thành 03 dạng sau:
- Dạng đồng bằng: Chủ yếu nằm dọc hai bên sông Lam, không tập trung thành vùng lớn mà nằm rải rác từng vùng nhỏ, chiếm khoảng 26% diện tích tự nhiên, có khoảng 12% đất ở dạng này bị ngập lụt hàng năm là các bãi bồi ven sông và các chân ruộng thấp dọc các khe suối. Vùng này thích hợp trồng các loại cây lương thực như Lúa, Ngô, Khoai, cây công nghiệp ngắn ngày và rau màu.
- Dạng địa hình đồi: Có diện tích khá lớn chiếm khoảng 30% diện tích tự nhiên, chủ yếu là đồi bát úp hoặc lượn sóng, độ cao phần lớn dưới 100 m, thổ nhưỡng chủ yếu phát triển trên đá phiến thạch. Phía Hữu Ngạn đồi tập trung thành những vùng tương đối lớn, tầng đất và độ phì khá thích hợp cho trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, làm đồng cỏ chăn nuôi. Phía Tả Ngạn đồi không tập trung thành những vùng lớn mà nằm rải rác ở các xã do khai thác không hợp lý nên tầng đất mỏng, độ phì kém, có nơi đã trơ sỏi đá.
- Dạng núi: Diện tích chiếm đất khoảng 44% tổng diện tích tự nhiên, tập trung lớn nhất ở khu vực dãy Trường Sơn (giáp Lào). Núi cao trên 800 m chiếm khoảng 17% diện tích, còn lại là núi thấp từ 200 m - 800 m, phần lớn là núi trọc rải rác cây bụi, trơ sỏi đá.
3.1.1.3. Điều kiện khí hậu, thời tiết
Thanh Chương nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và chia làm hai mùa rõ rệt:
- Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 15 % lượng mưa cả năm, tháng khô hạn nhất là tháng 1 và tháng 2.
- Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa tập trung chiếm khoảng 85% lượng mưa cả năm, mưa nhiều nhất tập trung vào ba tháng 8, 9,10. Trong năm mùa mưu thường trùng với mùa bão, lụt.
3.1.1.4. Thủy văn
Hiện nay sông Lam là con sông lớn nhất chảy qua huyện, nằm ở cao độ 294 m và độ dốc trung bình là 18,3%, Mật độ sông suối là 0,60 km/km², chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Ngoài ra còn có các sông nhánh như sông Giăng, sông Hoa Quân, sông Rộ và nhiều khe suối nên nguồn nước mặt của huyện tương đối dồi dào. Nhiều sông suối có độ dốc lớn, lòng sông hẹp, uốn khúc, lượng mưa tập trung theo mùa nên lũ lụt, lũ quét, xói mòn đất thường xuyên xảy ra nghiêm trọng, lòng sông bị cạn dần. Đất trồng màu do địa hình cao, xa nguồn nước ngọt nên việc giải quyết nước tưới cho vùng này còn khó khăn. Trong những năm gần đây khi các công trình và hệ thống thủy lợi được xây dựng thì nguồn nước tưới đã được tăng lên đáng kể.