Chương 1 : Tổng quan về tín dụng và hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ
2.2 Đánh giá về hệ thống, công tác chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ tạ
2.2.2 Những hạn chế tồn tại
2.2.2.1 Hạn chế đối với quy định, bộ chỉ tiêu chấm điểm, XHTD
a) Hạn chế chung đối với quy định, bộ chỉ tiêu chấm điểm, XHTD:
- Đối với bộ chỉ tiêu chấm điểm sử dụng cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình, mặc dù Agribank Lâm Đồng đã xây dựng được hệ thống chỉ tiêu tương đối đa dạng và cụ thể, tuy nhiên các chỉ tiêu định tính thực hiện theo đánh giá của CBTD còn chiếm tỷ lệ và trọng số tương đối lớn, nhất là đối với khách hàng hộ kinh doanh. Chẳng hạn như các tiêu chí ro ro nghề nghiệp, rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh, đánh giá về nhân thân của người thân trong gia đình, đánh giá về mối quan hệ của người vay với các thành viên trong gia đình, mức độ quan tâm đến xây dựng thương hiệu, sự phụ thuộc vào nhà cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào, phương pháp tổ chức sản xuất kinh doanh ... Vì vậy, điểm số của khách hàng sẽ bị phản ánh sai lệch do quan điểm chủ quan của bản thân CBTD không sát với thực tế của khách hàng.
Bên cạnh đó, đối với các khoản vay đơn giản, phát sinh với số lượng phát sinh lớn, cần rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, như trường hợp khách hàng cá nhân vay vốn với những mục đích như phục vụ tiêu dùng đời sống, vay thông qua hình thức bảo lãnh của cơ quan hoặc vay vốn thông qua hình thức thấu chi tài khoản, … trong bộ chỉ tiêu chấm điểm không cần thiết sử dụng các chỉ tiêu theo đánh giá của CBTD.
Mặt khác, trong bộ chỉ tiêu đang áp dụng vẫn còn nhiều tiêu chí còn trùng lắp, lặp đi lặp lại như tiêu chí lĩnh vực kinh doanh, rủi ro liên quan đến ngành nghề kinh doanh, xu thế phát triển ngành nghề; Khả năng sinh lời của phương án vay vốn, tỷ lệ giữa nguồn trả nợ và số tiền phải trả trong kỳ; Mức thu nhập ròng ổn định hàng tháng , tỷ lệ giữa nguồn trả nợ và số tiền phải trả trong kỳ; lịch sử trả nợ trong 12 tháng qua, số lần cơ cấu lại nợ trong 12 tháng vừa qua …
- Đối với bộ chỉ tiêu chấm điểm sử dụng cho khách hàng là hộ nông dân: đây là bộ chỉ tiêu Agribank Lâm Đồng đã xây dựng thêm để sử dụng cho đối tượng khách hàng mà Agribank Lâm Đồng luôn chú trọng và chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong cơ cấu khách hàng tín dụng của Agribank Lâm Đồng. Với bộ chỉ tiêu này, Agribank Lâm Đồng có thể đánh giá chính xác hơn về khách hàng hộ nông dân do họ có những đặc điểm khác với hộ kinh doanh và cá nhân. Tuy nhiên, bộ chỉ tiêu này lại có hạn chế là theo quy định của Agribank Lâm Đồng chỉ sử dụng cho các khách hàng là hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thu nhập thấp và nguồn sống chủ yếu dựa vào nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Với những khách hàng hộ nông dân khác có quy mô sản xuất lớn, kết quả chấm điểm, xếp hạng sẽ không chính xác do có ít chỉ tiêu để đánh giá hết về mức độ rủi ro của khách hàng này. Đồng thời, nếu áp dụng quy định phân loại khách hàng cá nhân, hộ gia đình của Agribank Lâm Đồng, khách hàng hộ nông dân có mức thu nhập trên mức thấp theo quy định sẽ không được xếp vào loại khách hàng nào và do vậy sẽ không có bộ chỉ tiêu tương ứng để chấm điểm, xếp hạng khách hàng.
- Theo quy định của Agribank Lâm Đồng, việc chấm điểm, xếp hạng khách hàng cá nhân, hộ gia đình được thực hiện khi khách hàng đặt quan hệ tín dụng đối với Agribank Lâm Đồng. CBTD chỉ phải thực hiện chấm điểm lại cho khách hàng này khi có thay đổi thông tin liên quan đến các tiêu chí chấm điểm. Vì vậy, kết quả xếp hạng của khách hàng có được cập nhật kịp thời hay không sẽ phụ thuộc vào việc CBTD có hay không thực hiện việc thu thập thông tin của khách hàng sau khi chấm điểm lần đầu. Từ đó các kết quả chấm điểm sẽ không phản ánh kịp thời thực
trạng, rủi ro đối với khách hàng nếu CBTD không thực hiện chấm điểm bổ sung đối với khách hàng.
b). Hạn chế đối với từng tiêu chí cụ thể: * Đối với khách hàng cá nhân:
- Số người trực tiếp phụ thuộc về kinh tế vào người vay: đối với chỉ tiêu này số người phụ thuộc về kinh tế vào người vay càng nhiều thì rủi ro đối với khoản vay sẽ càng lớn và rủi ro đối với những người độc thân cũng cao hơn những người đã có gia đình. Tuy nhiên, việc xác định điểm số đối với những người độc thân ở mức thấp nhất tương đương với trường hợp số người phụ thuộc trên 5 người là chưa phù hợp.
- Bảo hiểm nhân thọ: đây là tiêu chí không chỉ áp dụng cho khách hàng cá nhân mà được sử dụng ngay cả ở bộ chỉ tiêu chấm điểm dành cho khách hàng hộ nông dân và hộ kinh doanh. Đối với tiêu chí này, giá trị hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của khách hàng càng lớn sẽ được điểm số càng cao. Tuy nhiên, chỉ tiêu này sẽ không chính xác nếu xem xét đến mức vay của khách hàng. Với cùng một mức giá trị hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhưng với mức dư nợ của các khách hàng là khác nhau, rủi ro tín dụng cũng sẽ khác nhau đối với mỗi khách hàng. Vì vậy, trong trường hợp này, điểm số ở chỉ tiêu bảo hiểm nhân thọ cũng cần xác định ở các mức điểm khác nhau.
* Đối với hộ nông dân:
- Trình độ học vấn: Do đây là bộ chỉ tiêu áp dụng cho khách hàng có thu nhập thấp, quy mô sản xuất nhỏ cho nên áp dụng trình độ học vấn trong trường hợp này là không cần thiết vì trình độ cao hay thấp sẽ không tác động nhiều đến khả năng trả nợ của khách hàng.
- Lĩnh vực kinh doanh: hoạt động sản xuất nông, lâm ngư, nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Mỗi giai đoạn khác nhau, mỗi lĩnh vực sẽ có mức độ phù hợp khác nhau với điều kiện tự nhiên. Vì vậy, việc xác định điểm số cố định
cho các lĩnh vực sẽ không phản ánh chính xác mức độ rủi ro của từng lĩnh vực trong từng giai đoạn cụ thể. Chẳng hạn, sẽ có thời điểm lĩnh vực chăn nuôi tương đối ổn định, có khả năng phát triển tốt hơn các lĩnh vực khác, nhưng cũng có những thời điểm lĩnh vực chăn nuôi lại bị hạn chế, kém phát triển do dịch bệnh … Ở những thời điểm như vậy, lĩnh vực chăn nuôi lại là hoạt động sản xuất mang lại nhiều rủi ro nhất.
- Quy mô sản xuất kinh doanh: theo quy định của Agribank Lâm Đồng, bộ chỉ tiêu này áp dụng cho các khách hàng là hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thu nhập thấp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng này chủ yếu sẽ ở mức quy mô nhỏ. Do đó, sẽ không cần thiết phải có tiêu chí này trong chấm điểm dành cho khách hàng hộ nông dân theo tiêu chí của Agribank Lâm Đồng.
* Đối với hộ kinh doanh:
- Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn: trong hoạt động kinh doanh bên cạnh những yếu tố khác, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn cũng có những tác động không nhỏ quyết định đến hiệu quả hoạt động của hộ kinh doanh, từ đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng đối với khoản vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, tùy theo quy mô hoạt động của hộ kinh doanh, hai yếu tố trên cũng có những tác động khác nhau. Chẳng hạn, đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô vừa phải, không đòi hỏi trình độ quản lý cao, chủ hộ kinh doanh vẫn có thể điều hành hoạt động một cách hiệu quả, bảo đảm khả năng trả nợ vay cho ngân hàng mà không cần trình độ học vấn và trình độ chuyên môn quá cao.
- Lĩnh vực kinh doanh: cũng tương tự như trong trường hợp của hoạt động sản xuất, nông, lâm, ngư nghiệp, các hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại, sản xuất sẽ có rủi ro khác nhau trong mỗi giai đoạn nhất định, Vì vậy, xác định điểm số cố định cho các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, thương mại … trong mọi thời kỳ sẽ không phản ánh chính xác tác động của chỉ tiêu này.
- Cách thức tiêu thụ sản phẩm kinh doanh: theo quy định của Agribank Lâm Đồng chỉ tiêu này sẽ xác định dựa vào cách thức tiêu thụ mà hộ kinh doanh áp dụng là cách thức đã áp dụng trước đây, cách thức mới chưa từng được áp dụng hay là một cách thức kết hợp. Điểm số sẽ càng cao nếu hộ kinh doanh áp dụng cách thức đang áp dụng hoặc một cách thức kết hợp giữa củ và mới. Tuy nhiên, sẽ là một bất cập nếu hộ kinh doanh áp dụng cách thức kinh doanh đã sử dụng trước đây không phù hợp với hiện tại, lỗi thời và không đã không hiệu quả nhưng lại được chấm điểm ở mức cao nhất.
- Đối tượng khách hàng của phương án kinh doanh: tương tự như chỉ tiêu cách thức tiêu thụ kinh doanh, đối với chỉ tiêu này cần phải xác định đối tượng khách hàng nào phù hợp và sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho phương án kinh doanh. Nếu hộ kinh doanh thay đổi hoạt động kinh doanh hướng đến đối tượng khách hàng mới do hoạt động kinh doanh trước đây đã hướng đến đối tượng khách hàng không hiệu quả thì điểm số trong chỉ tiêu cũng cần xác định một cách hợp lý hơn, không nhất thiết phải xác định điểm số cao nhất luôn dành cho trường hợp đối tượng của phương án kinh doanh là những khách hàng hiện tại.
- Biên độ biến động giá cả của nguyên vật liệu, sản phẩm đầu vào trong 12 tháng vừa qua: trong hoạt động kinh doanh bên cạnh doanh thu, việc quản lý chặt chẽ chi phí cũng là một công việc quan trọng để từ đó mang lại lợi nhuận và hiệu quả kinh tế. Do đó, việc nắm bắt mức độ ổn định của giá cả nguyên vật liệu, sản phẩm đầu vào trong quá khứ cũng là một bước quan trọng để có thể xây dựng một phương án kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, biên độ dao động giá cả chỉ là một trong những nhân tố để xác định tính ổn định của nguyên liệu đầu vào. Đây là một chỉ tiêu khác mà Agribank Lâm Đồng cũng đã đưa ra trong bộ chỉ tiêu dành cho khách hàng hộ kinh doanh. Từ đó sẽ dẫn đến kết quả chấm điểm, xếp hạng khách hàng sẽ không chính xác.
- Mức độ chắc chắn về khả năng tiêu thụ sản phẩm: đây là chỉ tiêu ta có thể đánh giá thông qua việc khách hàng có ký kết hợp đồng tiêu thụ, các cam kết mua
sản phẩm hoặc đơn đặt hàng. Mức độ chắc chắn về khả năng tiêu thụ sản phẩm càng cao điểm số đối với chỉ tiêu này sẽ càng cao. Tuy nhiên, không phải hộ kinh doanh nào cũng có thể đáp ứng điều kiện trên nhất là hộ kinh doanh nhỏ, chủ yếu kinh doanh thông qua hoạt động bán lẻ sản phẩm, hàng hóa. Mặc dù vậy, những hộ kinh doanh này cũng có những lượng khách hàng truyền thống nhất định và có thể bảo đảm khả năng tiêu thụ theo phương án kinh doanh đẽ đề ra.
2.2.2.2 Hạn chế trong công tác chấm điểm tại Agribank Lâm Đồng
Trong công tác chấm điểm, xếp hạng khách hạng Agribank Lâm Đồng đã thường xuyên rà soát, nhắc nhở, đôn đốc các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc thực hiện đối với tất cả các khách hàng, nhất là các khách hàng phát sinh quan hệ tín dụng lần đầu. Tuy nhiên đến thời điểm 30/9/2012, tại Agribank Lâm Đồng vẫn còn tồn tại 187 khách hàng (chiếm 0,4% tổng số khách hàng cá nhân, hộ gia đình) chưa thực hiện chấm điểm, XHTD. Toàn bộ các khách hàng chưa chấm điểm, XHTD đều là các khách hàng mới quan hệ tín dụng với Agribank Lâm Đồng và phát sinh dư nợ vào thời điểm cuối tháng 09/2012.
Trong quy trình chấm điểm khách hàng cá nhân, hộ gia đình, Agribank Lâm Đồng đã quy định CBTD thực hiện chấm điểm, XHTD phải xác định loại khách hàng một cách chính xác đúng theo tiêu chí do Agribank Lâm Đồng xây dựng. Việc xác định sai loại khách hàng sẽ dẫn đến hệ thống XHTD tự động sẽ lấy sai bộ chỉ tiêu chấm điểm và từ đó sẽ tác động làm sai lệch kết quả chấm điểm, xếp hạng của khách hàng so với thực tế. Tại thời điểm 30/9/2012, tại Agribank Lâm Đồng trong tổng số 46.850 khách hàng cá nhân, hộ gia đình đã được chấm điểm, XHTD có đến 16.735 khách hàng không chấm điểm đúng với loại khách hàng thực tế. Trong đó, có 13.050 khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện chấm điểm là hộ nông dân, 2.625 khách hàng cá nhân, hộ nông dân thực hiện chấm điểm là hộ kinh doanh và 1.060 khách hàng hộ kinh doanh, hộ nông dân thực hiện chấm điểm là cá nhân.
Ngoài ra, kết quả chấm điểm, xếp hạng khách hàng tại Agribank Lâm Đồng chưa phán ảnh một cách chính xác rủi ro tín dụng của khách hàng cá nhân, hộ gia
đình và chưa phù hợp với thực trạng của các khoản nợ. Chẳng hạn những khoản nợ đã quá hạn, không có khả năng thu hồi (có những khoản quá hạn trên 5 năm), được đánh giá là các khoản nợ xấu theo Điều 6 quyết định 493/QĐ-NHNN vẫn được CBTD XHTD là BBB hoặc BB và phân vào nợ nhóm 2. Tại thời điểm 30/9/2012, theo kết quả chấm điểm XHTD đã có 72 khách hàng thuộc nhóm nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 Điều 6 quyết định 493/QĐ-NHNN được xếp loại thấp hơn không thuộc nhóm nợ xấu, trong đó có 16 khách hàng thuộc nhóm 3, 16 khách hàng thuộc nhóm 4 và 40 khách hàng thuộc nhóm 5.