So sánh báo cáo tài chính Việt nam và báo cáo tài chính Mỹ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích báo cáo tài chính của công ty cổ phần lilama 10 (Trang 44 - 46)

1.4.1. Sự giống nhau và khác nhau

Về nguyên tắc, BCTC công ty Mỹ và công ty Việt Nam tương tự nhau vì nói chung ngày nay kế toán ở các nước đều dần dần tiếp cận đến chuẩn mực kế toán quốc tế. Tuy nhiên, nếu so sánh các BCTC công ty Việt Nam với các BCTC công ty Mỹ chúng ta có thể nhận ra một số điểm khác biệt cơ bản sau:

- BCTC công ty Mỹ thường bao gồm bốn bảng báo cáo: Bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập, báo cáo lợi nhuận giữ lại và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Trong khi bộ BCTC công ty Việt Nam thường bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh các Báo cáo tài chính.

- Bảng cân đối kế toán công ty Mỹ và công ty Việt Nam, về căn bản là như nhau, chỉ khác nhau ở mức độ chi tiết. Chẳng hạn, công ty Mỹ thường báo cáo rất gọn khoản mục tiền trong khi công ty Việt Nam thường chi tiết khoản mục này thành nhiều loại tiền khác nhau. Công ty Mỹ thường chi tiết nguồn vốn chủ sở hữu thành vốn cổ phần ưu đãi, vốn cổ phần thường và lợi nhuận giữ lại trong khi công ty Việt Nam lại chi tiết thành vốn và rất nhiều loại quỹ khác nhau.

- Báo cáo thu nhập của công ty Mỹ thường tách các khoản mục chi phí như khấu hao, lãi vay thành các khoản mục riêng để tiện phân tích sau này, trong khi báo cáo kết quả kinh doanh của công ty Việt Nam thì ẩn các khoản chi này trong chi phí hoạt động, chi phí quản lý, và chi phí tài chính. Điều này khiến công việc phân tích BCTC gặp một số trở ngại do phải bóc tách chính xác các khoản chi phí này.

- Báo cáo thu nhập công ty Việt Nam chỉ dừng lại ở lợi nhuận ròng trong khi báo cáo thu nhập của công ty Mỹ không dừng lại ở đó mà còn báo cáo chi tiết hơn đến chia cổ tức và lợi nhuận giữ lại cũng như cung cấp thêm một số thông tin quan trọng liên quan đến giá trị thị trường của cổ phiếu.

1.4.2. Những hạn chế của báo cáo tài chính Việt nam hiện nay

Thật chất phân tích báo cáo tài chính công ty Việt Nam là quá trình vận dụng và đưa lý thuyết phân tích báo cáo tài chính học tập được từ lý thuyết và thực hành phân tích báo cáo tài chính công ty Mỹ vào Việt Nam. Tuy nhiên, do nguyên tắc thực hành kế toán và điều kiện môi trường kinh doanh của Việt Nam có mộ số khác biệt nên khi thực hành phân tích báo cáo tài chính công ty Việt Nam gặp một số trở ngại so với công ty Mỹ.

Thứ nhất, phân tích báo cáo tài chính công ty Việt Nam ít khi được tiến hành vì mục đích đánh giá và kiểm soát bởi các nhà quản lý trong nội bộ công ty mà chủ yếu do ngân hàng hay công ty chứng khoán là những người bên ngoài công ty thực hiện.

Thứ hai, phân tích báo cáo tài chính công ty Việt Nam gặp một trở ngại lớn là không có dữ liệu bình quân ngành để so sánh. Điều này làm giảm đi phần nào ý nghĩa trong việc đánh giá tình hình tài chính công ty.

Thứ ba, do báo cáo kết quả kinh doanh của Việt Nam không tách bạch rõ ràng các khoản chi phí tiền thuê và lãi vay nên ít khi các nhà phân tích sử dụng tỷ số đo lường khả năng thanh toán lãi vay và khả năng trả nợ, trừ khi ngân hàng và chủ nợ vì quá quan trọng tỷ số này nên phải tìm cách tách phần chi phí này từ chi phí hoạt động tài chính.

Thứ tư, đứng trên góc độ nhà đầu tư và cổ đông, chỉ tiêu ROE hay lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông là rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, do báo cáo kết quả kinh doanh chỉ dừng lại ở chỗ báo cáo lợi nhuận ròng là bao nhiêu, trong khi thực tế không phải tất cả lợi nhuận ròng đều thuộc vể cổ đông, do công ty phải trích lập một số quỹ khác, nên chỉ tiêu lợi nhuận ròng dễ gây ra sự sai lệch kỳ vọng cho cổ đông.

Thứ năm, mức độ tin cậy của số liệu trên báo cáo tài chính không cao, kể cả các báo cáo tài chính đã qua kiểm toán, nên kết quả phân tích và đánh giá tình hình tài chính công ty thông qua phân tích báo cáo tài chính thường chỉ có giá trị tham khảo hơn là phản ánh đúng thực trạng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích báo cáo tài chính của công ty cổ phần lilama 10 (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)