3.2. Một số giải pháp nhằm cải thiện tình hình tài chính của công ty cổ phần
3.2.2. Tăng cường công tác quản lý tài sản cố định
- Có kế hoạch đầu tư và sử dụng TSCĐ hợp lý, dựa vào nhu cầu của công ty và công dụng, tuổi thọ của tài sản nhằm tận dụng khai thác hết khả năng của các TSCĐ.
- Với những tài sản hỏng không tiếp tục sử dụng được nữa, việc sửa chữa tốn kém, không hiệu quả hoặc tài sản còn sử dụng được nhưng không có nhu cầu sử dụng trong thời gian dài do ngừng sản xuất một chủng loại sản phẩm nào đó thì nên tiến hành thanh lý, nhượng bán ngay nhằm thu hồi vốn cố định có hiệu quả.
- Hiện nay công ty đang áp dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng cho hầu hết các tài sản và khấu hao nhanh cho một số tài sản là xe ô tô, cẩu trục. Công ty cần nghiên cứu áp dụng các phương pháp khấu hao hơp lý cho từng loại tài sản nhằm phản ánh tốt nhất giá trị hiện tại của tài sản.
- Về việc quản lý TSCĐ, công ty cần đề ra quy định quản lý chặt chẽ hơn về hiện vật, tránh mất mát hư hỏng trước thời hạn khấu hao. Cụ thể là công ty cần lập bộ hồ sơ riêng, phân loại, thống kê, đánh số và có thẻ riêng cho từng tài sản. Trong bộ hồ sơ của từng TSCĐ, cập nhật chi tiết các thông tin sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp hoặc điều chuyển tài sản nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho các nhà quản lý khi lập kế hoạch hoặc ra quyết định. Công ty cần tăng cường kiểm kê tài sản theo định kỳ, phân cấp trách nhiệm quản lý TSCĐ cho từng đơn vị, cá nhân trực tiếp sử dụng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng. Bên cạnh đó, công ty nên áp dụng chế độ thưởng phạt công minh đối với những đơn vị, cá nhân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm gia tăng tuổi thọ của tài sản hay những người thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhằm khuyến khích người lao động sử dụng tài sản một cách hiệu quả nhất, giúp kéo dài tuổi thọ của TSCĐ.
- Để TSCĐ hoạt động có hiệu quả thì ngoài việc áp dụng các hình thức thưởng phạt nhằm sử dụng tối đa công suất của tài sản thì công ty cần định kỳ lập kế hoạch sữa chữa lớn, bảo dưỡng, bảo trì TSCĐ căn cứ vào hồ sơ theo dõi riêng cho từng tài sản. Việc xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì TSCĐ cần linh hoạt và phối hợp nhịp nhàng với kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm mục đích hỗ trợ, phục vụ tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tuyệt đối không làm
gián đoạn sản xuất kinh doanh. Khi xây dựng kế hoạch cần chú trọng đến những tài sản thường xuyên hoạt động với cường độ cao để có chế độ bảo dưỡng, bảo trì hợp lý và kịp thời; với những tài sản hết khấu hao nhưng vẫn đang sử dụng thì cần cân nhắc giữa chi phí dùng để bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa để tiếp tục kéo dài tuổi thọ của tài sản với việc thu hồi hết giá trị còn lại của tài sản đó thông qua thanh lý, nhượng bán.
- Ngoài việc bảo trì, bảo dưỡng hay sửa chữa tài sản thì công ty cũng cần có kế hoạch mua bảo hiểm cho những tài sản quan trọng, có giá trị lớn hay những tài sản bắt buộc phải mua bảo hiểm theo quy định của nhà nước.