1.1.4 .Vai trò của NSNN
1.2. Quản lý NSNN
1.2.2.2. Quản lý chi NSNN
Quản lý chi NSNN là quá trình phân phối, sử dụng quỹ NSNN theo những nguyên tắc nhất định cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước. Nói cách khác, chi NSNN chính là việc cung cấp nguồn lực tài chính cho việc thực hiện các nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước.
* Chi NSNN có những đặc điểm:
Luôn gắn liền với nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội mà Nhà nước đảm nhận. Mức độ và phạm vi chi NSNN phụ thuộc vào nhiệm vụ của Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.
Tính hiệu quả của các khoản chi NSNN thể hiện ở tầm vĩ mô mang tính chất toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng...
Chi NSNN là những khoản chi mang tính cấp phát, không mang tính hoàn trả trực tiếp.
* Phân loại chi ngân sách
Chi NSNN bao gồm những khoản chi như sau:
+ Chi đầu tư phát triển:
Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn;
Chi đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của Nhà nước; góp vốn cổ phần liên doanh vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cần thiết có sự tham gia của Nhà nước theo quy định của pháp luật;
Chi bổ sung dự trữ Nhà nước;
Chi đầu tư phát triển thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia, dự án Nhà nước;
+ Chi thường xuyên:
Chi các hoạt động sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, xã hội, văn hóa, thông tin, văn học nghệ thuật, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ và các sự nghiệp xã hội khác;
Chi các hoạt động sự nghiệp kinh tế; Chi các hoạt động của cơ quan Nhà nước;
Chi các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam;
Chi hoạt động của Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam;
Chi trợ giá theo chính sách của Nhà nước;
Phần chi thường xuyên thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án Nhà nước;
Chi hỗ trợ quỹ Bảo hiểm xã hội;
Chi trợ cấp cho các đối tượng chính sách xã hội;
Chi hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp;
Các khoản chi thường xuyên theo quy định của pháp luật. + Chi trả nợ gốc và lãi các khoản tiền do Chính phủ vay.
+ Chi viện trợ của ngân sách Trung ương cho các Chính phủ và tổ chức nước ngoài.
+ Chi cho vay của ngân sách Trung ương.
+ Chi trả gốc và lãi các khoản huy động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật.
+ Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính.
+ Chi bổ sung ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.
+ Chi chuyển nguồn ngân sách từ ngân sách năm trước sang ngân sách năm sau.
* Vai trò của chi NSNN
+ Đảm bảo duy trì sự tồn tại và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Nhu cầu chi tiêu của bộ máy Nhà nước được NSNN đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Đó là các nguồn lực để trả lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Nhà nước; để xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động cho bộ máy này.
+ Thu hút vốn đầu tư. Việc thu hút vốn đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện thông qua các khoản chi cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc Nhà nước tạo ra hàng hóa công tạo điều kiện nâng cao chất lượng sống của dân chúng và góp phần điều chỉnh nền kinh tế theo những mong muốn của Nhà nước.
+ Điều chỉnh chu kỳ kinh tế. Chi NSNN hình thành nên một thị trường đặc biệt. Chính phủ tiêu thụ một khối lượng hàng hóa khổng lồ đã làm cho tổng cầu của nền kinh tế gia tăng một cách đáng kể. Tổng cầu tăng làm cho khả năng thu hút vốn và kích thích sản xuất phát triển. Như vậy, thị trường của Chính phủ trở thành công cụ kinh tế quan trọng của Chính phủ nằm tích cực tái tạo lại cân bằng của thị trường hàng hóa khi bị mất cân đối bằng cách tác động vào các mối quan hệ cung cầu thông qua tăng hay giảm mức độ chi tiêu công ở trị trường này.
+ Tái phân phối thu nhập xã hội. Nhà nước sử dụng công cụ thuế và chi tiêu công để tái phân phối lại thu nhập xã hội. Với công cụ thuế mang tính chất động viên nguồn thu cho Nhà nước thì công cụ chi tiêu công mang tính chất chuyển giao thu nhập đó đến những người có thu nhập thấp qua các chương trình phúc lợi xã hội.
* Nguyên tắc quản lý chi NSNN
+ Nguyên tắc trong dự toán: Các khoản chi NSNN phải trong dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ theo chế độ, định mức quy định.
+ Nguyên tắc phân bổ hiệu quả: Kế hoạch chi NSNN phải phù hợp với những ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm phân bổ có hiệu quả nguồn nhân lực của đất nước.
+ Nguyên tắc sử dụng có hiệu quả: Nguyên tắc này đòi hỏi có sự đánh giá việc sử dụng các khoản chi NSNN xem tính hiệu quả đạt được đến đâu. Cần có cơ chế kiểm tra giám sát đối với các khoản chi NSNN để đảm bảo tính hiệu quả của các khoản chi này.
* Yêu cầu đối với quản lý chi NSNN
+ Nhà nước phân định và bố trí các khoản chi ngân sách tương ứng với những nguồn thu thích hợp. Chi thường xuyên từ NSNN chỉ được sử dụng trong phạm vi từ nguồn thu trong nước và các khoản viện trợ nước ngoài; Chi trả nợ gốc nước ngoài trong phạm vi tỷ lệ quy định trong tổng chi NSNN; Chi đầu tư phát triển được xác định tỷ lệ thích hợp trong tổng chi NSNN để đảm bảo tăng trưởng trong nền kinh tế.
+ Chi NSNN phải thực hiện vai trò điều tiết nền kinh tế. Thông qua các khoản chi NSNN, nguồn vốn được phân phối để hình thành cơ cấu ngành, tập trung đầu tư cho các ngành kinh tế mũi nhọn, đổi mới công nghệ, kết cấu hạ tầng, đào tạo, và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Trong quản lý chi NSNN cần phải xem xét nhu cầu, khả năng cân đối vốn trong nền kinh tế nhằm phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững.
+ Trong cơ chế chi NSNN cần phải tinh giảm đội ngũ cán bộ, công chức, sắp xếp lại bộ máy hoạt động theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, tránh việc để bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, chi nhiều mà không hiệu quả.
+ Cần quán triệt nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả trong mọi khoản chi NSNN. + Quản lý chi NSNN theo đúng pháp luật, chính sách, chế độ, định mức, tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.