Kết cấu hạ tầng kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp ở tỉnh quảng nam (Trang 58 - 60)

7. Kết cấu của luận văn

2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội tác động đến phát triển nông nghiệp

2.1.7. Kết cấu hạ tầng kinh tế

2.1.7.1. Mạng lưới giao thông

Trong những năm qua, giao thông vận tải là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên đầu tư, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới. Hiện nay, mạng lưới giao thông của tỉnh tương đối phát triển và đồng bộ, với sự có mặt của các loại hình giao thông như đường bộ, đường sắt, đường thuỷ (sông, biển) và đường hàng không.

Thứ nhất, hệ thống giao thông đường bộ bao gồm các quốc lộ 1A, 14, 14B, 14D, 14E và các tỉnh lộ 611, 607, 616, 618… cùng với các tuyến đường liên thôn, liên xã. Hiện nay, đường Hồ Chí Minh chạy ở phía Tây tỉnh đã cơ bản hoàn thành, dự án đường thanh niên ven biển (Hội An - Kỳ Hà) đang triển khai xây dựng và dự án đường cao tốc Liên Chiểu - Dung Quất cũng đang được triển khai. Trong đó, quốc lộ 1A dài 85km bắt đầu ở Điện Bàn và kết thúc ở Núi Thành là tuyến giao thông quan trọng nhất, góp phần giao lưu kinh tế với cả nước. Đường Hồ Chí Minh sẽ có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế khu vực phía Tây phát triển trong tương lai.

Thứ hai, đường sắt thống nhất đi qua địa bàn của tỉnh dài 90km với các ga

Tam Kỳ, Núi Thành, Nông Sơn. Trong đó, ga Tam Kỳ là ga chính của tỉnh, có nhiều đoàn tàu Bắc - Nam đón trả khách. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy trao đổi hàng hoá giữa các vùng trong tỉnh và các nước. Tuy nhiên, giao thông nối liền các trung tâm kinh tế với đường sắt còn hạn chế, do đó chưa khai thác có hiệu quả tác dụng của đường sắt để phát triển kinh tế.

Thứ ba, mạng lưới đường thuỷ gắn liền với hệ thống sông và các cảng biển. Tuyến giao thông thuỷ chính (đường sông) của tỉnh là tuyến Kỳ Hà - Cửa Đại trên sông Trường Giang, tuyến nối hạ lưu sông Thu Bồn và Vĩnh Điện. Ngoài ra, giao thông thuỷ trên sông Thu Bồn cũng phát triển và là một con đường vận chuyển hàng hoá giữa vùng đồng bằng và khu vực trung du miền núi.

Trong hệ thống giao thông, cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai sẽ là đầu mối giao thông quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

2.1.7.2. Mạng lưới điện và thông tin liên lạc

Quảng Nam nằm trên trục điện lưới quốc gia (đường điện 500KV Bắc- Nam) và tỉnh lại có tiềm năng thuỷ điện rất lớn. Mạng lưới điện đã được chú ý phát triển với hàng chục các trạm biến áp, hạ thế và hệ thống đường dây tải điện các cấp. Hiện nay gần 100% xã đã có điện sinh hoạt. Trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch nhiều nhà máy thuỷ điện lớn và nhỏ với tổng công suất là 1.400MW. Trong đó, đang xây dựng nhà máy A Vương, Sông Côn, mới khởi công xây dựng thuỷ điện sông Tranh 2 và nhà máy nhiệt điện Nông Sơn. Đây là những lợi thế cho phép Quảng Nam có đủ điều kiện cung cấp năng lượng cho các khu công nghiệp lớn, cũng như chủ động tưới tiêu trong nông nghiệp và sinh hoạt.

Hạ tầng thông tin liên lạc tương đối hoàn chỉnh từ tỉnh cho đến huyện. Toàn tỉnh đã có 1 tổng đài chính ở Tam Kỳ và hơn 20 tổng đài vệ tinh ở các huyện và thị xã, 100% xã đều có điện thoại. Bên cạnh đó, mạng Internet tốc độ cao cũng đã hình thành và phát triển. Trên toàn tỉnh có 18 trung tâm bưu điện huyện, thành phố và hàng trăm bưu cục, các trạm bưu điện văn hoá xã.

Như vậy, kết cấu hạ tầng về giao thông và thông tin liên lạc đã có khả năng đáp ứng cho sự phát triển hiện tại và tương lai. Điều này đã và đang góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp ở tỉnh quảng nam (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)