Giải pháp từ phía Nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn thành phố hà giang giai đoạn 2014 2018​ (Trang 70 - 75)

Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.4.1. Giải pháp từ phía Nhà nước

- Nhóm giải pháp liên quan tới chính quyền thành phố: * Giải pháp về quy hoạch

Cần nâng cao chất lượng công trình quy hoạch: Cần phải tập trung nghiên cứu tính khoa học, tính khả thi sao cho mọi vấn đề cần giải quyết của người dân đều được tính toán một cách khoa học, kỹ lưỡng và đầy đủ. Có như thế phương án quy hoạch mới đảm bảo tính khả thi và bền vững.

Khi lập và xét duyệt các dự án, cần phải kiểm tra nghiêm ngặt năng lực của chủ đầu tư, tính khả thi của dự án để xét duyệt. Tránh việc các dự án khi triển khai chậm do năng lực chủ đầu tư hoặc do tính khả thi làm chậm tiến độ gây bức xúc cho người dân

* Giải pháp về lao động - việc làm

Thường xuyên chỉ đạo để từng bước cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ kinh tế hộ nông dân mất đất. Tạo mọi điều kiện cho hộ nông dân chuyển đổi nghề nghiệp bằng các biện pháp cụ thể và mang tính khả thi. Thường xuyên chỉnh sửa bổ sung các chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế với địa phương.

Vấn đề quan tâm lo lắng nhất hiện nay và trong giai đoạn tới đối với người lao động thành phố Hà Giang là sự giảm sút đất canh tác ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của họ. Thu hồi đất đã đẩy người nông dân đến mất đất hoặc giảm đất sản xuất nông nghiệp khiến nhiều người nông dân không có việc làm.

* Giải pháp về bố trí tái định cư

Về chuẩn bị quỹ đất và định giá tái định cư, công tác này luôn phải đi trước một bước, để người dân mất đất thực sự thấy yên tâm khi biết mình sẽ được di chuyển đến đâu khi trao lại quyền sử dụng đất của mình cho Nhà nước.

Trên thực tế việc bố trí các quỹ đất tái định cư và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ hoàn chỉnh là một việc làm khá khó khăn của chính quyền đô thị do phải ứng một lượng kinh phí không nhỏ ra trước, đến khi có dự án thì chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán vào ngân sách. Điều này cần phải có những chính sách dài hơi về đầu tư tài chính; chính sách tiết kiệm từ nguồn tiền sử dụng đất thu được để dành kinh phí đầu tư; chính sách huy động mọi nguồn lực từ người dân và các doanh nghiệp để tổ chức thực hiện. Ngoài ra cũng cần phải nói tới chính sách quy hoạch sử dụng đất đã nêu ở trên, luôn phải có tính toán sẵn các vị trí tái định cư trong các đồ án quy hoạch khi phê duyệt.

* Giải pháp về kinh tế:

Bên cạnh giải pháp về nhận thức thông qua hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, để nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về đất đai đô thị trong quá trình đô thị hóa, trong cơ chế kinh tế thị trường, giải pháp kinh tế có vai trò là động lực, là đòn bẩy.

Cần có một kế hoạch dài hạn với nguồn tài chính đảm bảo trong nhiều năm để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khống chế một cách nghiêm chỉnh về quy mô thu hồi đất; xác định tiêu chuẩn bồi thường một cách hợp lý và hoàn thiện hơn nữa quy trình thu hồi đất.

Khi tiến hành thu hồi đất thực hiện các dự án, nhất thiết phải xác định chính xác quy mô, diện tích, số hộ theo phân kỳ của dự án. Vì nếu không xác định như vậy, khi đã có thông báo thu hồi đất thì người dân trong vùng dự án mặc dù chưa bị thu hồi đất nhưng lại bị hạn chế các quyền của người sử dụng đất, từ đó gây bức xúc và khiếu kiện trong nhân dân.

Đối với các chủ dự án cần phải làm việc nghiêm túc để xác định rõ quy mô, phân kỳ đầu tư theo năng lực thực tế cũng như nhu cầu sử dụng đất đến đầu tư để từ

đó cùng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thống nhất ranh giới thu hồi đất, tránh để tình trạng người dân phải chờ đợi quá lâu, không yên tâm sản xuất và bỏ lỡ các cơ hội đầu tư vào thửa đất mà mình quản lý.

Xây dựng vùng trồng rau an toàn và vùng trồng chè an toàn: Để có thể nâng cao được kết quả và hiệu quả kinh tế đất đòi hỏi phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Để phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ở tầm vĩ mô, Nhà nước cần điều tra khảo sát mẫu đất từ đó, quy hoạch cụ thể vườn cây, các khu chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau an toàn; hỗ trợ các cây giống có năng suất và chất lượng cao. Tổ chức các lớp học tập huấn về quy trình chăm sóc rau an toàn, giới thiệu kịp thời loại thuốc phòng trừ sâu bệnh cho người nông dân.

* Giải pháp về tuyên truyền:

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp Luật Đất đai thành một cuộc vận động mang tính toàn xã hội, bằng cách huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức về pháp luật nói chung trong đó có pháp Luật Đất đai nói riêng, biến những quy định của pháp luật thành nhận thức của từng thành viên trong xã hội, từ đó có tác động tới ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn thể nhân dân. Xây dựng chương trình cụ thể của từng cấp, từng ngành có nội dung tuyên truyền tới từng tầng lớp xã hội mà tổ chức xã hội có chức năng vận động: tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy quản lý đất đai của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; tuyên truyền những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; làm rõ nội dung của sở hữu toàn dân về đất đai; chức năng của Nhà nước vừa với chức năng là đại diện sở hữu toàn dân, và chức năng quyền lực thống nhất quản lý đất đai trong phạm vi cả nước...

Cần tập trung chỉ đạo và có cơ chế hoạt động cụ thể để tăng cường chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc; Hội đồng nhân dân các cấp và Thanh tra nhân dân trong việc tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai.

* Giải pháp nâng cao năng lực cho ngành tài nguyên môi trường, xây dựng tổ chức bộ máy để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

Trên thực tế ở địa phương, Bộ máy của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng chuyên trách được thành lập từ năm 2004 (nay là Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố). Tuy nhiên, lực lượng cán bộ làm công tác bồi thường trên thực tế có rất ít những cán bộ có chuyên môn thực sự để làm công tác này. Trong thời gian tới cần phải kiện toàn bộ máy làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo hướng:

Cần phải bổ sung chuyên môn sâu về ngành đo đạc bản đồ, bởi lẽ khi xác định diện tích và hiện trạng đất của người dân, nếu không có kiến thức chuyên môn rất dễ dẫn đến sai sót và vì thế mà sinh ra khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.

Cần phải có chuyên môn về pháp lý để khi xác lập hồ sơ thu hồi đất cần phải đảm bảo đầy đủ tính pháp lý theo quy định của luật làm cơ sở để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt bồi thường. Mặt khác, khi cần phải thiết lập hồ sơ để cưỡng chế, thì rất cần mọi thủ tục đã thực hiện phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Tích cực giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo của nhân dân về bồi thường giải phóng mặt bằng và về công tác thu hồi đất. Chỉ có như vậy, người dân mới tin tưởng vào cơ quan Nhà nước và từ đó tích cực phối hợp với Nhà nước, ủng hộ Nhà nước trong công tác thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án.

* Giải pháp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho người dân:

Cần nâng cao nhận thức pháp luật trong quan hệ quản lý sử dụng đất: Có một thực tế là nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật nói chung trong đó có pháp Luật Đất đai của đại đa số dân cư ở nước ta còn thấp kém. Vì vậy, giải pháp về nhận thức là giải pháp vô cùng quan trọng.

Nhà nước cần có biện pháp tuyên truyền sâu rộng Luật Đất đai và các bộ luật có liên quan đến điều chỉnh quan hệ đất đai trong xã hội, để người sử dụng đất nhận thức đúng đắn quyền và nghĩa vụ của họ. người sử dụng đất cần nhận thức đúng đắn đất đai là tài sản vô giá của quốc gia, đặc biệt là đất nông nghiệp.

* Giải pháp đối với ô nhiễm môi trường:

+ Cần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường sống. Đồng thời chính quyền thị xã cũng cần nâng cấp và làm mới hệ thống cống cũng như xây dựng nhà máy xử lý nước thải của các khu công nghiệp, đô thị và của người dân trên địa bàn.

+ Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy ước, cam kết về bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

* Giải pháp ổn định đất nông nghiệp, nhất là đất lúa:

Để đảm bảo giữ vững an ninh lương thực về lâu dài cần nghiên cứu, thực hiện một hệ thống các nhóm giải pháp tích cực, đồng bộ từ sản xuất đến quản lý thị trường. Trong các nhóm giải pháp đó, trước hết và quan trọng nhất là cần tập trung phát triển sản xuất lương thực theo hướng ổn định diện tích và thâm canh tăng năng xuất cây lương thực (lúa, ngô). Các giải pháp chủ yếu là:

Hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đất nào, cây ấy. Quy hoạch sử dụng đất gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Trên cơ sở đó bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên vùng đất phù hợp với phương châm ổn định đất trồng lúa lâu dài, khắc phục tình trạng chuyển đổi, san nhượng tự phát.

Đổi mới phương thức quản lý đất nông nghiệp, quản lý chặt, bảo vệ toàn bộ đất lúa hiện có. Nghiêm cấm việc chuyển đất 2 vụ lúa ăn chắc sang các mục đích khác ngoài quy hoạch của Nhà nước. Để thực hiện giải pháp này, đề nghị bổ sung vào Luật đất đai một số quy định nghiêm ngặt về quản lý và bảo về đất lúa, coi đất lúa là tài sản quốc gia, không được xâm phạm. Cùng với Luật, ngành Tài nguyên và Môi trường cần đổi mới phương thức quản lý đất nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nói riêng theo hình thức thích hợp. Hướng lâu dài là chuyển từ phương pháp quản lý đất đai hành chính sang quản lý thị trường đất đai. Việc cấp phép cho các dự án đàu tư, xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa sang các loại đất khác nhất thiết phải theo quy hoạch thống nhất của Nhà nước và đền bù theo giá thị trường, có sự tham gia của hộ nông dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn thành phố hà giang giai đoạn 2014 2018​ (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)