1.4. Các hình thức tạo động lực cho người lao động trong các doanh nghiệp
1.4.1. Các công cụ kinh tế
1.4.1.1. Tiền lương và các khoản phụ cấp tiền lương
* Tiền lương
Tiền lương được hiểu là số tiền mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động thanh toán dựa trên cơ sở số lượng và chất lượng lao động mà họ đã tiêu hao trong sản xuất bằng chính các hoạt động của mình.
Tiền lương là một công cụ kích thích lợi ích vật chất đối với người lao động, nó trực tiếp tạo ra động lực cho người lao động làm việc đảm bảo mục tiêu doanh nghiệp đề ra, làm cho sản xuất phát triển, duy trì được số lượng cũng như chất lượng lao động.
- Lương theo sản phẩm: Là hình thức lương căn cứ vào số lượng, chất lượng sản phẩm sản xuất ra của mỗi người và đơn giá lượng sản phẩm để trả lương cho người lao động. Dựa trên các hình thức: Lương trực tiếp không hạn chế; lương tính theo sản phẩm gián tiếp; lương sản phẩm luỹ tiến; lương khoán sản phẩm; lương sản phẩm có thưởng và lương khoán có thưởng.
- Lương theo thời gian:Tiền lương theo thời gian là tiền lương thanh toán cho
người lao động căn cứ vào trình độ kỹ thuật, thời gian công tác của họ, nó gồm 2 loại tiền lương giản đơn và tiền lương theo thời gian có thưởng.
+ Tiền lương giản đơn bao gồm: Lương giờ được tính theo cấp bậc và số giờ làm việc; Lương ngày vừa tính theo cấp bậc ngày và số ngày làm việc thực tế trong tháng; Lương tháng được tính theo cấp bậc tháng.
+ Tiền lương theo thời gian có thưởng: Là sự kết hợp tiền lương giản đơn cộng thêm tiền thưởng khi người lao động hoàn thành công việc theo quy định. Hình thức này không những phản ánh được cấp bậc, thời gian lao động thực tế mà
còn phản ảnh được thành tích công việc. Do đó nó khuyến khích người lao động quan tâm nhiều đến kết quả công việc.
- Lương khoán theo nhóm:Toàn bộ công việc cần được thực hiện sẽ được khoán theo nhóm và tiền lương sẽ được trả theo nhóm. Hình thức này khuyến khích tất cả mọi người trong nhóm quan tâm đến kết quả cuối cùng, giảm bớt khối lượng
công việc chi tiết, riêng lẻ và manh mún.
* Các khoản phụ cấp tiền lương
Là tiền trả công lao động ngoài tiền lương cơ bản, bổ sung và bù đắp thêm khi người lao động làm việc trong điều kiện không ổn định hoặc không thuận lợi mà chưa được tính đến khi xác định lương cơ bản. Ngoài ra, trong thực tế có một loại phụ cấp khác, không phải là phụ cấp lương, cách tính không phụ thuộc vào mức lương người lao động như: Phụ cấp khu vực; phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp di chuyển; phụ cấp đi đường; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp thu hút; phụ cấp làm thêm giờ;… Phần lớn các khoản tiền phụ cấp đều được tính trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của môi trường làm việc. Tiền phụ cấp có ý nghĩa kích thích người lao động thực hiện tốt công việc trong những điều kiện khó khăn, phức tạp hơn bình thường.
* Các khoản phụ cấp theo lương
- Bảo hiểm xã hội: Là khoản tiền mà người lao động được hưởng trong trường hợp nghỉ việc do ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, khó khăn… Để được hưởng khoản trợ cấp này, người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình tham gia sản xuất kinh doanh tại đơn vị phải đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định. Quỹ BHXH được hình thành bằng cách trích theo tỷ lệ 20% trên tổng số tiền lương cấp bậc phải trả hàng tháng (15% tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, 5% còn lại do người lao động đóng góp).
- Bảo hiểm y tế: Là khoản tiền hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động đóng cho các cơ quan BHXH để được đài thọ khi có nhu cầu khám bệnh và chữa bệnh. Quỹ này được hình thành bằng cách trích theo tỷ lệ 3% trên tổng số tiền lương cấp bậc (trong đó 2% tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, 1% còn lại do người lao động đóng góp). BHYT giúp người tham gia bảo hiểm khắc
phục khó khăn về kinh tế khi bất ngờ bị ốm đau, bệnh tật vì trong quá trình điều trị bệnh chi phí rất tốn kém, ảnh hưởng đến gia đình trong khi thu nhập của chính người lao động đang bị giảm đáng kể.
- Kinh phí công đoàn: Là hoạt động công ích trong công ty, khoản tiền để duy trì hoạt động các tổ chức công đoàn đơn vị và công đoàn cấp trên. Các tổ chức này hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao đời sống của người lao động. Quỹ KPCĐ hình thành bằng cách trích 2% trên tổng số lương phải trả cho người lao động và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của đơn vị. Quỹ này do cơ quan công đoàn quản lý. Nó giúp mọi người trong công ty gắn bó với nhau hơn cả khi làm việc lẫn khi gặp hoạn nạn. Không những thế quỹ này còn được sử dụng đến cả thân nhân của người lao động khi có việc đột xuất.
1.4.1.2. Thưởng
Là hình thức kích thích vật chất có tác dụng rất tích cực đối với người lao động trong việc phấn đấu thực hiện công việc tốt hơn. Cách tính tiền thưởng rất đa dạng, thông thường các loại tiền thưởng được xác định bằng tỷ lệ phần trăm so với phần lợi ích mà nhân viên đem lại cho doanh nghiệp.
-Thưởng năng suất, chất lượng: Áp dụng khi người lao động thực hiện tốt hơn mức độ trung bình về số lượng, chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ.
- Thưởng tiết kiệm: Áp dụng khi người lao động sử dụng tiết kiệm các loại vật tư, nguyên liệu, có tác dụng giảm giá thành sản phẩm dịch vụ mà vẫn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.
- Thưởng sáng kiến: Áp dụng khi người lao động có các sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, tìm ra các phương pháp mới có tác dụng làm nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
- Thưởng theo kết quả hoạt động kinh doanh chung của doanh nghiệp: Áp dụng khi doanh nghiệp làm ăn có lời, người lao động trong doanh nghiệp sẽ được chia một phần tiền lời dưới dạng tiền thưởng.
- Thưởng tìm được nơi cung ứng, tiêu thụ, ký kết được hợp đồng mới: Áp dụng cho các nhân viên tìm thêm được các địa chỉ tiêu thụ mới, giới thiệu khách
hàng, ký kết thêm được hợp đồng cho doanh nghiệp hoặc có các hoạt động khác có tác dụng làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Thưởng đảm bảo ngày công: Áp dụng khi người lao động làm việc với số ngày công vượt mức quy định của doanh nghiệp.
- Thưởng về lòng trung thành, tận tâm với doanh nghiệp: Áp dụng khi người lao động có thời gian phục vụ trong doanh nghiệp vượt quá một thời gian nhất định, ví dụ 25 hoặc 30 năm hoặc họ làm tăng uy tín của doanh nghiệp.
1.4.1.3. Các chương trình phúc lợi - dịch vụ
* Phúc lợi: là lương bổng đãi ngộ gián tiếp về mặt tài chính, đó là khoản tiền
trả gián tiếp cho người lao động ngoài tiền lương và tiền thưởng nhằm hỗ trợ cuộc sống và tinh thần người lao động. Phúc lợi gồm hai phần chính: Phúc lợi bắt buộc và phúc lợi tự nguyện nhằm khuyến khích và động viên nhân viên làm việc và một phần nhằm duy trì lôi cuốn người có tài về làm việc cho doanh nghiệp. Phúc lợi thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đến đời sống người lao động, có tác dụng kích thích nhân viên trung thành, gắn bó với doanh nghiệp. Dù ở cương vị cao hay thấp, hoàn thành tốt công việc hay chỉ ở mức độ bình thường, có trình độ lành nghề cao hay thấp, đã là nhân viên trong doanh nghiệp thì đều được hưởng phúc lợi.
Phúc lợi bắt buộc gồm 5 chế độ: Ốm đau; trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thai sản; hưu trí; tử tuất. Còn phúc lợi tự nguyện nhằm khuyến khích nhân viên làm việc, an tâm công tác, gắn bó với doanh nghiệp nhiều hơn như các chương trình bảo hiểm về sức khoẻ, nhân thọ, tai nạn, đảm bảo hưu trí, tặng quà cho nhân viên nhân ngày sinh nhật, cưới hỏi, mừng thọ cha mẹ nhân viên…
* Dịch vụ là các chương trình mà doanh nghiệp thực hiện cũng nhằm mục
đích khuyến khích nhân viên làm việc, gắn bó với các công việc được giao, tạo cho cuộc sống nhân viên khả quan hơn như dịch vụ bán hàng giảm giá, tín dụng, trợ cấp kinh phí về giáo dục và đào tạo, nhà ở và phương tiện giao thông đi lại, các công trình bệnh viện, nhà trẻ…
Ngày nay, khi cuộc sống của người lao động đã được cải thiện rõ rệt, trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động được nâng cao, người
lao động mong muốn không chỉ có các yếu tố vật chất mà còn muốn được có những cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, được thực hiện những công việc có tính thách thức, thú vị… Để khuyến khích tạo động lực làm việc cho nhân viên, nhà quản trị cần chú ý các yếu tố phi tài chính trong cơ cấu thu nhập của người lao động.