Chương 1 : TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.4. Nghiên cứu về khả năng tái sinh của các loài cây gỗ trong các kiểu TTV
1.4.1. Trên Thế giới
Trên thế giới có rất nhiều công trình nghiên cứu về quá trình tái sinh rừng. Quá trình tái sinh rừng liên quan rất mật thiết tới các trạng thái thảm thực vật, xu hướng diễn thế, chất lượng đất rừng. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu thì hiệu quả tái sinh rừng được xác định bởi mật độ, tổ thành loài cây, cấu trúc tuổi, chất lượng cây con, đặc điểm phân bố. Sự tương đồng hay khác biệt giữa tổ thành lớp cây tái sinh và tầng cây gỗ lớn đã được nhiều nhà khoa học quan tâm.
Greig - Smith (1967) đề ra phương pháp và cách thức điều tra đo đếm cây tái sinh. Barmard, Rollet (1974), (1996) nghiên cứu về phân bố cây tái sinh rừng nhiệt đới và cho rằng, trong các ô có kích thước nhỏ (1x1m; 1x1,5m) cây tái sinh tự nhiên có dạng phân bố cụm, một số có dạng phân bố ngẫu nhiên (dẫn theo Nguyễn Thế Hưng, 2003) [23]. Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu ý nghĩa của nhân tố ánh sáng đối với cây tái sinh dưới tán rừng. Theo Richards (1964) rừng mưa nhiệt đới sự thiếu hụt ánh sáng ảnh hưởng chủ yếu đến sự phát triển của cây con, còn đối với sự nảy mầm và phát triển
của mầm non thường không rõ. Lamprecht. H (1989) nghiên cứu nhu cầu sử dụng ánh sáng của các loài thực vật, đã phân chia cây rừng nhiệt đới thành ba nhóm cây: nhóm cây ưa sáng, nhóm cây nửa chịu bóng, nhóm cây chịu bóng. (Theo Lê Đồng Tấn, 2000 [40]).
Một số tác giả nghiên cứu tái sinh tự nhiên rừng nhiệt đới Châu Á như Budowski (1956), Antinot (1965), Bava (1954) cho rằng nhìn chung có đủ số lượng cây tái sinh mục đích có giá trị kinh tế. Van Steenis (1956) nghiên cứu có hai kiểu tái sinh phổ biến đó là kiểu tái sinh phân tán liên tục dưới tán rừng của các loài cây chịu bóng và kiểu tái sinh theo vệt trên các lỗ trống của các loài cây ưa sáng (dẫn theo Lê Ngọc Công, 2004) [16]. Một số tác giả đề nghị trong nghiên cứu tái sinh rừng cần nghiên cứu quá trình ra hoa kết quả, mùa vụ hạt giống, các tác nhân phát tán giống, sự phù hợp của mùa vụ hạt giống với điều kiện khí hậu (Nguyễn Duy Chuyên, 1995 [13]).
1.4.2. Ở Việt Nam
Thái Văn Trừng (1978) [55] trong “Thảm thực vật rừng Việt Nam” đã nhấn mạnh một nhân tố sinh thái trong nhóm nhân tố khí hậu đã khống chế và điều khiển quá trình tái sinh tự nhiên của các xã trong thảm thực vật rừng đó là ánh sáng.
Nguyễn Văn Trương (1983) [53] đã đề cập đến mối quan hệ giữa lớp cây tái sinh với tầng cây gỗ và quy luật đào thải tự nhiên trong quá trình tái sinh tự nhiên dưới tán rừng.
Phạm Đình Tam (1987) nghiên cứu tình hình tái sinh dưới các lỗ trống ở rừng thứ sinh vùng Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã có nhận xét: số lượng cây tái sinh xuất hiện khá nhiều dưới các lỗ trống khác nhau, lỗ trống càng lớn cây tái sinh càng nhiều và hơn hẳn những nơi kín tán. (theo Trần Đình Đại, 2001 [19]).
Lê Mộng Chân (1994) [8], khi điều tra tổ thành loài cây ở vùng núi cao Vườn Quốc gia Ba Vì, ông cho rằng tình hình tái sinh tốt là 4100 - 7440 cây/ha. Cây có triển vọng chiếm trên 60%. Thành phần cây tái sinh phần lớn là những cây chịu bóng.
Trần Xuân Thiệp (1995) [41] nghiên cứu về tái sinh tự nhiên trong rừng chặt chọn đã định lượng các cây tái sinh tự nhiên trong các trạng thái rừng khác nhau, rừng thứ sinh có số lượng cây tái sinh lớn hơn rừng nguyên sinh.
Thời gian gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về cấu trúc rừng và đặc điểm tái sinh của các loài cây gỗ như [16], [30], [40], [51]... Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đề xuất các biện pháp khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh nhằm phục hồi rừng.