Điều kiện xã hội, kinh tế vùng nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm của một số trạng thái thảm thực vật thứ sinh ở xã văn lăng, huyện đồng hỷ, tỉnh thái nguyên​ (Trang 40 - 43)

Chương 1 : TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

3.2. Điều kiện xã hội, kinh tế vùng nghiên cứu

3.2.1. Dân số, dân tộc

* Dân số:

Xã Văn Lăng có tổng số dân năm 2015 là 5.200 người, thuộc 1.200 hộ, mật độ dân số đạt 83 người/km². Các hộ dân sống thành 16 xóm là Khe Hai, Liên Phương, Bản Tèn, Văn Lăng, Vân Khánh, Tam Va, Đạt, Tân Lập I, Tân Lập II, Tân Sơn, Tân Thịnh, Tân Thành, Mong, Khe Quân, Khe Cạn, Mỏ Nước.

* Dân tộc:

Toàn xã Văn Lăng có 7 dân tộc với 2/3 dân số là người dân tộc thiểu số như Dao, Mông, sau đó là người Kinh. Có địa phương được mệnh danh là thôn

cực kì khó khăn như Bản Tèn, ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Trên địa bàn này có 100% là người dân tộc Mông sinh sống.

3.2.2. Hoạt động nông- lâm nghiệp

Văn Lăng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ. Toàn xã có 1.200 hộ với gần 5.200 nhân khẩu, số hộ sản xuất nông nghiệp chiếm trên 98%. Văn Lăng đất rộng, nhưng nhiều đồi núi cao, khe nước ở dưới sâu, vì vậy việc sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn. Vài năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, bên cạnh việc khuyến khích người dân đưa các giống ngô, lúa năng suất cao vào sản xuất, xã đã chú trọng tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất đồi cho thu nhập thấp sang trồng rừng và chè. Cùng với đó, sẵn lợi thế có nhiều đồi núi thuận lợi cho chăn thả gia súc, gia cầm, người dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm; Tư duy sản xuất của bà con đã được thay đổi, lúa, ngô giống mới được đưa vào sản xuất đại trà; cây chè được chăm bón theo đúng kỹ thuật sản xuất... Hiện tại, lương thực bình quân đầu người ở xã Văn Lăng đạt 461 kg/người/năm, sản lượng lương thực đạt 2,8 nghìn tấn, tăng gần 900 tấn so với năm 2010. Cây chè tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Trong 5 năm, toàn huyện đã trồng mới được 57ha chè cành, nâng diện tích chè thâm canh lên 206ha, sản lượng chè búp tươi đạt 20,6 nghìn tấn. Tổng đàn gia súc, gia cầm ổn định với 2.200 con trâu, bò, dê; 5.500 con lợn; 30 nghìn con gia cầm các loại.

Trên địa bàn, phát huy thế mạnh đất rừng, ngành lâm nghiệp đã chuyển hướng khai thác sang trồng rừng và chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhiều hộ gia đình đầu tư trồng Chè, trồng Keo tai tượng. Toàn xã đã trồng mới được 263ha rừng, công tác bảo vệ rừng tiếp tục được chú trọng.

Với địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi cao, suối lớn, đường đá cuội nên từ trước đến nay, việc đi lại ở xã vùng cao Văn Lăng luôn là vấn đề khiến người dân lo ngại. Đường bộ đi từ huyện lên đến Ủy ban nhân dân xã Văn Lăng chủ yếu dải nhựa. Song càng vào sâu trong xóm, bản thì việc đi lại rất khó khăn.

Đường mòn nhỏ, bùn cát, hoặc đất đá cuội dải làm đường. Vào mùa mưa lũ, hầu hết các tuyến đường liên xóm đều bị sạt lở, lầy thụt dẫn đến ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo số liệu UBND xã hiện nay, toàn xã có 8,7 km đường tỉnh lộ, trên 18 km đường liên xã, gần 30 km đường liên xóm và trên 20 km đường nội đồng thì mới trải nhựa được 3km đường liên xã, bê tông hóa được 2,5km đường liên xóm, còn lại vẫn là đường rải cấp phối và đường đất. Vì phần lớn các tuyến đường đều nằm dưới chân núi và có nhiều con suối chảy ngang đường nên mùa mưa ở đây rất hay xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất. Do đời sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên việc giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển nông sản và trở thành lực cản phát triển kinh tế.

3.2.3. Văn hóa, giáo dục, y tế

* Văn hóa:

Các hoạt động văn hóa thông tin đã có phát triển song vẫn còn nhiều hạn chế do đường xá giao thông khó khăn, trình độ dân trí thấp. Người dân tộc sống trong các xóm bản nhiều, có những bản 100% là người dân tộc, họ sống theo tục lệ và mang bản sắc riêng của dân tộc mình. Trước kia vì đời sống còn rất khó khăn, một số bản nằm ở địa hình trên núi cao, hiểm trở, không có điện nên việc tiếp cận sự phát triển của kinh tế - xã hội, các chủ trương của Đảng và Nhà nước còn hạn chế.

* Giáo dục:

Nhìn chung hệ thống giáo dục tại Huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khá được chú trọng, song vùng sâu vùng xa như Văn Lăng trình độ của người dân còn thấp. Toàn xã có tổng số 4 trường với 1062 học sinh theo học, bao gồm 1 trường mầm non với 356 học sinh, 2 trường tiểu học với 400 học sinh, 1 trường trung học cơ sở với 204 học sinh (Nguồn PGD&ĐT Huyện Đồng Hỷ). Học vấn của các hộ dân trong địa bàn học hết cấp tiểu học đạt cao nhất, càng lên các bậc học cao hơn thì số người theo học càng ít. Trình độ đại học, cao

đẳng, trung cấp chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Đặc biệt, còn có hiện tượng mù chữ. Độ tuổi mù chữ từ 50 tuổi trở lên chiếm 20%, tỉ lệ mù chữ cao nhất là ở những khu vực trên núi, như dân tộc Mông ở Bản Tèn với 100% là hộ nghèo. Khi giao thông đi lại khó khăn, đói nghèo, phải đi bộ xuống núi theo học càng làm cho trẻ ngại đến trường. Người dân xã Văn Lăng trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng hầu hết không qua các lớp đào tạo nghề.

* Y tế:

Xã có 1 trạm y tế, với 5 cán bộ y tế. Cơ sở vật chất, dụng cụ, thuốc, đã được đầu tư.

Theo nghị quyết của Chính phủ, tất cả các hộ nghèo trong diện chính sách ở địa phương đều được mua bảo hiểm y tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

3.2.4. Điện, nước sạch

* Điện:

Trước đây lưới điện quốc gia chỉ kéo qua Tân Lập 1 và đến một nửa Tân Lập 2, thôn Văn Lăng và Bản Tèn sử dụng điện từ thủy điện nhỏ của các dòng suối chảy tự nhiên. Mới đây nhất, trước Tết Nguyên đán 2017, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã hoàn thành công trình đưa điện lưới quốc gia lên Bản Tèn, đánh dấu 100% thôn, bản tại xã Văn Lăng có điện.

*Nước:

Hầu hết các hộ dân được sử dụng nước sạch do nhà nước đầu tư, là nguồn nước tự chảy.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm của một số trạng thái thảm thực vật thứ sinh ở xã văn lăng, huyện đồng hỷ, tỉnh thái nguyên​ (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)