Đến nay thành phố đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 95 % số thửa cần cấp, tổng số giấy đã cấp đến nay 460.000 giấy trong đó cấp đổi 190.000 giấy. Hiện chủ yếu chưa đăng ký một số vị trí đất quốc phòng, đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân, đất được giao cho cơ quan, tổ chức quản lý. Việc đăng ký biến động được thực hiện thường xuyên kịp thời và đầy đủ vào cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính và trên giấy chứng nhận. Trong quá trình thực hiện, thành phố gặp không ít vướng mắc do tính chất hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu còn lại ít nhưng rất phức tạp qua nhiều thời kỳ thi hành Luật đất đai nhưng chưa giải quyết được. Tình trạng hồ sơ có những biểu hiện giả mạo tài liệu, giấy tờ cơ quan nhà nước, vi phạm pháp luật đất đai như lấn chiếm đất công, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất chưa hoàn toàn chấm dứt, việc quy hoạch treo, dự án chậm triển khai triển khai vẫn còn diễn ra. Bên cạnh đó, việc giao thẩm quyền xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng nhà đất, tình trạng sử dụng đất cho UBND cấp xã trong trường hợp
người sử dụng đất không có giấy tờ hợp lệ còn vẫn chưa được thực hiện đúng quy định và đầy đủ.
Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo 100% hồ sơ trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai không thực hiện văn bản giấy. Năm 2017, Văn phòng đăng ký đất đai đã chú trọng thiết lập quy trình luân chuyển hồ sơ trên phần mềm ViLIS và triển khai đồng bộ việc vận hành nghiệp vụ đăng ký đất đai tại các chi nhánh quận, huyện. Hiện tại, 100% hồ sơ trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ các Chi nhánh đều được thực hiện trên hệ thống điện tử. Các Chi nhánh quận, huyện đã được đầu tư trang bị thiết bị thực hiện, quản lý; viên chức, người lao động được đào tạo kỹ năng sử dụng phần mềm để thực hiện đồng bộ giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai theo hướng hiện đại sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân dễ dàng tiếp cận thông tin đất đai; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, từng bước triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai. Việc hoàn thành xây dựng, cập nhật đầy đủ, kịp thời các biến động sẽ góp phần quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận và xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính điện tử, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất.