Những loài cây Đỗ quyên phân bố chủ yếu ở những vùng á nhiệt đới và ôn đới. Nó là những loài cây có giá trị làm cảnh rất được ưa chuộng ở nước ta và trên toàn thế giới. Hiện nay một số các nhà thực vật học và một số những nhà làm vườn nổi tiếng của các nước đã tổ chức thành một Hiệp hội Đỗ quyên Quốc tế nhằm sưu tầm, nghiên cứu các biện pháp nhân giống và lai tạo các loài Đỗ quyên để phục vụ cho các mục đích bảo tồn và cảnh quan. ở nước ta các công trình nghiên cứu về Đỗ quyên còn rất ít, mới chỉ có một số nhà làm vườn ở Hà Nội và Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh,... đang nghiên cứu thuần hoá, nhân giống một số loài Đỗ quyên trong tự nhiên và cấy ghép lai tạo với một số loài nhập nội để phục vụ cho mục đích làm cảnh. Các công trình
nghiên cứu khoa học về hoa Đỗ quyên còn hạn chế mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu phân loại và tính đa dạng về các loài Đỗ quyên. Cụ thể mới có một công trình nghiên cứu về đổi tên khoa học cho một số loài Đỗ quyên ở nước ta của TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Viện Sinh thái và Tài Nguyên Sinh Vật và hiện nay đang nghiên cứu đánh giá các loài Đỗ quyên phân bố ở Việt Nam. Ở Việt Nam, Đỗ quyên có ở Vườn Quốc gia Tam Đảo, Bạch Mã, Bà Nà, Đà Lạt, Kon Tum cũng có rất nhiều hoa Đỗ quyên. Thế nhưng, Đỗ quyên đặc biệt và đẹp vẫn là ở SaPa. Vườn quốc gia Pù Mát được coi là trung tâm của các loài Đỗ quyên khác nhau đang trú ngụ. Theo các nhà khoa học nghiên cứu về thực vật dân tộc học và dược học thì Đỗ quyên là một trong những loài cây đa tác dụng, có giá trị nhiều mặt. Ngoài làm cảnh ra thì có một số loài dùng để chữa bệnh như Đỗ quyên Mũi, Đỗ quyên Trên Đá, Đỗ quyên Hoa Đỏ. Những loài hoa Đỗ quyên có thể vừa làm cảnh, vừa là một vị thuốc chữa bệnh, sống ở những độ cao khác nhau trong rừng nhiệt đới Pù Mát Sơn, trên đường lên đỉnh Fanxipăng. Mùa chính của Đỗ quyên là thời gian sau Tết âm lịch. Đó là thời gian để các loài Đỗ quyên đua nhau khoe sắc, rực rỡ đủ các màu, từ đỏ ối, đỏ nhạt, đến tím đậm, tím nhạt, rồi nhạt dần, nhạt dần về đến trắng; rồi màu vàng, màu xanh nhạt, màu tím. Đỗ quyên đẹp, sống ở độ cao từ 800m so với mực nước biển trở lên. Càng lên cao, Đỗ quyên càng có điều kiện phát triển và nở hoa với những màu sắc rất đằm thắm, dịu dàng, cánh hoa như dày hơn [2].
Cho đến nay mới chỉ có một vài nghiên cứu thành công một số phương pháp nhân giống vô tính (giâm hom) đối với một số loài dạng cây bụi cho hoa đẹp và làm cảnh. Những loài này hầu hết có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và Nhật Bản, được nhân giống ở các khu vực chủ yếu như Đà Lạt, Tam Đảo, Hà Nội, Nam Định ... Những nghiên cứu về phương pháp nhân giống hữu tính (gieo hạt) không được quan tâm nhiều do các loài Đỗ quyên được du
nhập về Việt Nam thường không có khả năng cho quả, cây con sinh trưởng chậm nên hầu như chưa có nghiên cứu nào về phương pháp này ở Việt Nam.
Hiện nay, tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đã thuần dưỡng và nhân giống thành công 6 loài hoa Đỗ quyên rừng quý hiếm bằng phương pháp giâm hom. Những loài này chỉ sống ở độ cao từ 800 mét trở lên, rất khó di thực và thuần dưỡng khi đưa ra khỏi vùng phân bố tự nhiên. Tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, các nhà khoa học mới phát hiện được 6 loại hoa Đỗ quyên với các màu sắc khác nhau như: Đỏ, trắng, vàng, tím nhạt, đỏ nhạt, trắng hồng... Hoa mọc từng chùm (6 hoa/chùm), bông to từ 5-6 cm, có mùi thơm dịu. Màu sắc của bông hoa và hương thơm đều khác lạ. Đặc biệt mỗi loại hoa nở vào các tháng khác nhau, mùa hoa kéo dài quanh năm.