CHƯƠNG 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Phương pháp nghiên cứu
2.1.1. Quy trình nghiên cứu
Quy trình nghiên cứu được mô tả trong hình 2.1.
HÌNH 2.1. Quy trình nghiên cứu
Nguồn: Tổng hợp của học viên
Trong phần tổng quan tình hình nghiên cứu, học viên đã tổng thuật các công trình khoa học (tạp chí khoa học, sách chuyên khảo, báo cáo quốc tế, luận văn, luận án…) để tổng hợp và đánh giá tình hình nghiên cứu, chỉ ra các kết quả đã đạt được và khoảng trống trong nghiên cứu. Tài liệu được tham khảo tại các cơ sở dữ liệu trực tuyến quốc tế đáng tin cậy (ScienceDirect, Researchgate, Tandfonline, Econbiz) và các trung tâm lưu trữ của Trung tâm Thông tin - Thư viện (Đại học Quốc gia Hà Nội) Thư viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Từ những tài liệu được tổng thuật, học viên kế thừa những kết quả nghiên cứu đã có để xây dựng cơ sở lý luận tổng quan về đầu tư trực tiếp nước ngoài và lý thuyết các giai đoạn phát triển của đầu tư. Dựa trên cơ sở lý luận này, học viên tiến hành thu thập và xử lý số liệu để cho ra kết quả nghiên cứu; từ đó đưa ra một số bình luận và kết luận cho vấn đề nghiên cứu. Cuối cùng, học viên chỉ ra một số hạn chế và hướng phát triển các nghiên cứu tiếp theo.
2.1.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn là một nghiên cứu tại bài (desk research) có sự kết hợp giữa tiếp cận định tính (phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp kế thừa, phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp so sánh) và tiếp cận định lượng (phương pháp thống kê thu thập và xử lý số liệu, phương pháp phân tích cụm số liệu để kiểm định mô hình kinh tế lượng).
Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Mục đích của việc nghiên cứu tài liệu là tìm hiểu lịch sử nghiên cứu, nắm bắt những nội dung đã được nghiên cứu. Học viên tiến hành thu thập và phân tích các tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu nhằm tìm ra những kết quả các tác giả khác đã đạt được và khoảng trống nghiên cứu.
Phương pháp kế thừa: Tính kế thừa có ý nghĩa quan trọng về mặt phương pháp nghiên cứu khoa học. Hầu hết các công trình nghiên cứu đều xuất phát và kế thừa từ các kết quả đã đạt được trước đó. Học viên kế thừa từ những công trình đã có liên quan đến vấn đề nghiên cứu, bao gồm kế thừa về khung lý thuyết về các giai đoạn phát triển của đầu tư, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu.
Phương pháp thống kê: Học viên sử dụng phương pháp thống kê thu thập và xử lý số liệu để phục vụ cho quá trình nghiên cứu. Số liệu được thu thập và sử dụng có liên quan đến FDI và GDP của toàn khu vực ASEAN và của từng quốc gia ASEAN. Số liệu được thu thập đa phần rất nhiều và hỗn độn, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình nghiên cứu. Vì vậy, học viên tiến hành thống kê mô tả (tóm tắt và trình bày đặc điểm của số liệu) để phản ánh một cách tổng quát nhất đối tượng nghiên cứu; sau đó xử lý các số liệu này để tiến hành hồi quy và kiểm định hàm ước lượng.
Phương pháp phân tích, so sánh và tổng hợp: Từ những kết quả được kế thừa, số liệu được thống kê và xử lý, học viên tiến hành phân tích mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia ASEAN, đặt trong sự so sánh tương quan giữa các quốc gia và cụm quốc gia để thấy được những đặc điểm chung và điểm khác biệt của từng đối tượng. Qua những phân tích và so sánh, học viên tổng hợp những nội dung và kết quả đạt được để rút ra một số điểm cần lưu ý; từ đó đưa ra bình luận và kết luận về vấn đề nghiên cứu.
Phương pháp phân tích phân cụm số liệu: Phương pháp phân tích cụm là một phương pháp phổ biến trong các nghiên cứu kinh tế thời gian gần đây. Các đối tượng nghiên cứu được nhóm thành các cụm dựa trên một số tiêu chí lựa chọn được xác định trước; trong đó, các đối tượng trong cùng một cụm cùng mang những đặc điểm tương tự nhau. Kế thừa từ những nghiên cứu trước ứng dụng mô hình IDP, học viên lựa chọn phương pháp này cùng với kỹ thuật phân tích cụm tích tụ liên kết thứ bậc Ward (Ward’s linkage hierarchical agglomerative cluster analysis). Kỹ thuật này có ưu điểm là kiểm soát được số lượng cụm và tối đa hóa tính đồng nhất của các cụm được phân chia.