2.3. Đánh giá về xuất khẩu dịch vụ viễn thông và xuất khẩu phần mềm của
2.3.2. Đối với xuất khẩu phần mềm
Trong 10 năm qua ngành CNPM nói chung và xuất khẩu phần mềm riêng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, và đang trở thành một ngành kinh tế đầy triển vọng đột phá của đất nước. Doanh thu CNPM và dịch vụ CNTT Việt Nam đã phát triển nhanh, đạt tỷ lệ tăng trưởng hằng năm ở mức 25-35%, cao gấp 3-5 lần tỷ lệ tăng trưởng GDP chung của cả nước. Doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng khoảng 16 lần từ 20 triệu USD năm 2002 lên khoảng 355 triệu USD năm 2010. Nguồn nhân lực ngành phần mềm và số lượng công ty sản xuất phần mềm cũng thường xuyên gia tăng cả về qui mô và chất lượng. Năng suất lao động trong ngành, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm đạt mức cao (khoảng 20.000 USD/ người/ năm) gấp gần 10 lần so với năng suất lao động bình quân của nền kinh tế (khoảng 2.050 USD/ người/ năm).
Tiềm năng phát triển ngành CNPM và gia công xuất khẩu phần mềm của Việt Nam được các tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới như KPMG, Gatner, A.T.Kearney đánh giá cao. Theo xếp hạng của tập đoàn A.T. Kearney công bố năm 2011, Việt Nam được xếp hạng thứ 8 trong số các nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm. Theo Báo cáo của Gartner, Việt Nam có tên trong danh sách 30 nước dẫn đầu thế giới và danh sách 10 nước dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương về gia công dịch vụ phần mềm.
Tuy nhiên, xét ở phương diện chung, xuất khẩu phần mềm của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện:
- Về quy mô xuất khẩu: mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng cao song
kim ngạch xuất khẩu phần mềm còn khá nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ cả nước và chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành phần mềm truyền thông. Nếu so sánh với kim ngạch xuất khẩu phẩn mềm của các nước xuất khẩu phần mềm tiêu biểu trên thế giới thì quy mô xuất khẩu phần mềm của Việt Nam là không đáng kể. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu phần mềm của Việt Nam đạt khoảng 355 triệu USD, trong khi đó con số này của Ấn Độ là 50 tỷ USD, Trung Quốc là 25,5 tỷ USD và của Philippines là 1 tỷ USD.
- Về sản phẩm và thị trường xuất khẩu: Sản phẩm xuất khẩu của Việt
Nam chủ yếu là phần mềm gia công với giá trị gia tăng và lợi nhuận thấp thấp hơn nhiều so với phần mềm đóng gói. Đồng thời doanh nghiệp gia công phần mềm khó có thể khẳng định được thương hiệu trên trường quốc tế do sản phẩn được gia công dựa trên ý tưởng thiết kế của đối tác thuê gia công và không sở hữu được bản quyền phần mềm. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu ở Mỹ và Nhật bản. Đây là thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam thua kém rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và Ấn Độ. Trong đàm phán hợp đồng, các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm của Việt Nam hầu như không có quyền lựa chọn khách hàng và phụ thuộc vào các điều khoản yêu cầu của đối tác.
Những hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn và đạt
các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng quốc tế. Đây chính là rào cản đối với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài khi tìm đối tác tại Việt Nam. Cũng chính do thiếu vắng các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mạnh nên ngành phần mềm và dịch vụ phần mềm của Việt Nam chưa đủ sức để thực hiện các dự án lớn và cũng chưa đủ sức để hợp tác và cạnh tranh với các doanh nghiệp phần mềm lớn của thế giới nhằm tạo nên thương hiệu và phân đoạn thị trường riêng của mình.
Thứ hai, nguồn nhân lực làm phần mềm của Việt Nam còn thiếu và
yếu. Lao động phầm mềm Việt Nam phần lớn còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu và trình độ ngoại ngữ. Đặc biệt hiện nay CNPM Việt Nam rất thiếu các chuyên gia giỏi về quản trị dự án, thiết kế giải pháp, tiếp thị, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Do đó, năng xuất lao động ngành phần mềm tuy có cao so với các ngành khác trong nước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước xuất khẩu phần mềm trên thế giới.
Thứ ba, ngành phần mềm Việt Nam chưa hình thành được một kênh
thông tin quảng bá, xúc tiến thương mại chuyên nghiệp ở nước ngoài, thiếu các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về CNPM Việt Nam trên các phương
tiện truyền thông quốc tế. Một số doanh nghiệp quảng bá hình ảnh qua trang web tiếng Anh, tuy nhiên hiệu quả còn hạn chế.
Thứ tư, do hoạt động xuất nhập khẩu phần mềm có nhiều đặc thù khác
với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ thông thường nên hiện nay các cơ quan chức năng như Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công thương, Tổng cục thống kê hay Tổng cục Hải quan vẫn chưa có các qui định quản lý cũng như việc cung cấp thông tin xuất nhập khẩu phần mềm. Các cơ quan này vẫn chưa hình thành được kênh thông tin số liệu về xuất nhập khẩu phần mềm. Thông tin số liệu về xuất khẩu phầm mềm hiện nay chủ yếu có được từ các khảo sát của các hiệp hội nghề nghiệp như VINASA hay HCA. Các số liệu thống kê hiện tại chưa phản ánh đầy đủ và chính xác về thực trạng hoạt động xuất khẩu phần mềm của của Việt Nam. Điều này gây nhiều khó khăn, hạn chế cho các hoạt động nghiên cứu, đánh giá thị trường của doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng.
Thứ năm, mặc dù Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với
ngành phần mềm và xuất khẩu phần mềm nhưng việc triển khai những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến việc thực thi chính sách chậm. Đơn cử như Chương trình Phát triển CNPM Việt Nam đến năm 2010 đã phải xin kéo dài đến năm 2012 do chưa giải ngân hết tiền của Chương trình. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện đã sảy ra trường hợp đối tượng hưởng lợi từ chính sách lại không phải doanh nghiệp phần mềm.
2.3.2.2. Về chính sách xuất khẩu phần mềm
Được coi là một trong những lĩnh vực có khả năng tạo ra đột phá cho đất nước, tạo bước đà cho nhiều ngành phát triển và hội nhập, phần mềm Việt nhiều năm qua đã thu hút được sự quan tâm khá lớn của không chỉ cộng đồng mà cả những người làm chính sách.
Ngay từ cuối những năm 1990, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến phát triển công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và CNPM nói riêng. Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành năm 2000 đã tạo nền tảng cho sự ra đời của nhiều cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý
thuận lợi cho ứng dụng và phát triển CNTT và CNPM. Trong quyết định Số: 51/2007/QĐ-TTg ngày 12/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển CNPM Việt Nam đến năm 2010 đã khẳng định: “CNPM là ngành kinh tế tri thức, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, tạo ra giá trị xuất khẩu cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhà nước đặc biệt khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp này trở thành một ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân.
Phát triển nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng là điều kiện then chốt cho sự thành công của công nghiệp phần mềm. Nhà nước tăng cường đầu tư và khuyến khích xã hội hoá công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phần mềm, đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghiệp phần mềm, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất. Cần chú trọng dịch vụ phần mềm, trước mắt là gia công phần mềm và dịch vụ cho nước ngoài, song song với việc tăng cường mở rộng thị trường trong nước, tập trung phát triển một số phần mềm trọng điểm, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thay thế các sản phẩm phần mềm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu ứng dụng phần mềm của Việt Nam.
Mục tiêu: Đến năm 2020, ngành CNPM Việt Nam đạt được các mục tiêu cơ bản sau: Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 35 - 40%/năm. Tổng doanh thu từ phần mềm và dịch vụ phần mềm đạt trên 4tỷ USD/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 40%; Tổng số nhân lực phát triển phần mềm và dịch vụ phần mềm; đạt khoảng 155.000 đến 160.000 người, với giá trị sản phẩm trung bình đạt 25.000 USD/người/năm; Xây dựng được trên 30 doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhân lực trên 1.000 người và 500 doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhân lực trên 100 người; Thuộc nhóm các nước dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm và lọt vào danh sách 15 quốc gia cung cấp dịch vụ gia công phần mềm hấp dẫn nhất trên thế giới…”
Cho đến nay cũng đã có khá nhiều văn bản pháp quy (bao gồm các luật và các loại văn bản khác) được ban hành, đã tạo nên những hành lang pháp lý cơ bản, những định hướng và những biện pháp hành động cụ thể nhằm điều chỉnh và thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT & CNPM, tạo điều kiện để từng bước phát triển kinh tế trí thức, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ công tác quốc phòng, an ninh, phục vụ hội nhập sâu rộng với quốc tế. CNTT và truyền thông đã được phát triển và từng bước làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của nước ta. Nhà nước quyết tâm đưa nước ta trở thành nước mạnh về CNTT trong 10 năm tới. Nhà nước cũng quyết tâm thực hiện cam kết trong Khối ASEAN là phát triển Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật chưa bắt kịp với nhu cầu phát triển và thực tiễn đối với ngành CNPM Việt Nam, dẫn đến những thách thức cho phát triển của ngành CNPM của nước ta như:
Về thị trường: quy mô thị trường nội địa còn nhỏ, thị trường ngoài nước chưa ổn định.
Về nguồn nhân lực: thiếu lao động kỹ năng chuyên môn cao, ngành CNPM thiếu những chuyên gia phần mềm trình độ cao.
Về thương hiệu: thương hiệu phần mềm Việt Nam còn cả chặng đường dài để khẳng định vị trí ở thị trường trong nước và quốc tế.
Về xây dựng, quản lý doanh nghiệp: các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện quản lý sản xuất tốt hơn để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cạnh tranh.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp phần mềm chưa được hưởng lợi từ các chính sách đó để phát triển. Trừ những đãi ngộ quá nhỏ về thuế, doanh nghiệp phần mềm gần như không được hưởng lợi ích gì từ hàng loạt chính sách, đề án với mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ ngành tăng trưởng trong suốt 10 năm qua như ưu đãi mặt bằng, chính sách tạo thị trường từ cấp quản lý. Thiếu thị trường, khó khăn về mặt bằng cũng là hai trong những vấn đề bức xúc nhất mà nhiều doanh nghiệp phần mềm gặp phải và kỳ vọng nhiều ở sự hỗ trợ của chính sách trong thời gian qua.
Nhìn lại những năm vừa qua, không phải Nhà nước không có những lần quyết tâm quyết liệt, được thể hiện bằng những thông tư, đề án tầm cỡ quốc gia, dành cho phần mềm nói riêng và CNTT nói chung. Như quyết định năm 2005 của Thủ tướng, do phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký chẳng hạn... Cũng đầy tham vọng, với vô số ưu đãi không chỉ về thuế, về vốn, về mặt bằng mà cả về nhân lực, bảo hộ bản quyền và hạ tầng viễn thông… Nhưng những quyết định đó, chưa được phát huy tác dụng trên thực tế mà hầu như còn nằm trên giấy.
Đã có thời kỳ, chính phủ cũng đã quyết liệt trong việc đầu tư, xây dựng các trung tâm phần mềm, nhưng khi triển khai lại đi chệnh hướng ban đầu là việc xây dựng các trung tâm công nghệ phần mềm, công viên phần mềm, các khu công nghệ cao. Có thời điểm, việc xây dựng các khu trung tâm này trở thành một cuộc chạy đua giữa các tỉnh. Tỉnh nào cũng có, thành phố nào cũng có, thậm chí là cả chục cái như tuyên bố của Hà Nội. Đầu tư cả tỷ đồng. Tạo ra rất nhiều kỳ vọng về cái gọi là một trung tâm của những người làm công nghệ với giá thuê mặt bằng ưu đãi, hạ tầng viễn thông chuẩn quốc tế, giá rẻ… thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ngoài một số ít đếm trên đầu ngón tay những công viên phần mềm ít nhiều có hoạt động, những trung tâm này hoặc bị tư nhân hóa, hoặc không thể đi vào hoạt động vì ưu đãi đã bị biến dạng. Hưởng lợi từ những dự án này đương nhiên không phải doanh nghiệp phần mềm.
Cũng cần phải khẳng định rằng, không phải Nhà nước ta không có nỗ lực, có nhiều chính sách, nhưng những chính sách này trên thực tế chưa hiệu quả do thiếu một chiến lược tổng thể, tầm quốc gia, do công tác triển khai từ chiến lược đến thực tiễn còn có khoảng cách quá xa, do chưa tập trung được vào chủ thể cần hỗ trợ, các chính sách, chiến lược của Nhà nước vẫn còn chưa thực sát với nhu cầu thực tiễn.
Đây là các vấn đề trong những vấn đề cần được nghiên cứu để xây dựng chính sách hướng vào giải quyết những thách thức đối với sự phát triển của ngành CNPM.
CHƯƠNG 3
ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU DỊCH VỤ VIỄN THÔNG VÀ PHẦN MỀM CỦA VIỆT NAM