Về phía các doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Mỹ 001 (Trang 79 - 82)

3.2. Các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị

3.2.3. Về phía các doanh nghiệp

Đẩy mạnh xuất khẩu dệt may sang Mỹ- một trong những thị trường xuất khẩu dệt may chiến lược và đầy tiềm năng của Việt Nam luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên làm thế nào để thâm nhập sâu rộng vào thị trường này một cách hiệu quả, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động cùng những sự thay đổi về chính sách thương mại, chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ đang là thách thức đối với các doanh nghiệp nước ta. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp cần có những định hướng và giải pháp chiến lược, lâu dài để hoạt động xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ đạt được hiệu quả cao nhất.

- Nghiên cứu thị trường và lựa chọn phương thức xuất khẩu: Trước khi ra quyết định xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ, một bước quan trọng không thể bỏ qua là phải nghiên cứu kỹ thị trường và đánh giá nghiêm túc thực lực của bản thân doanh nghiệp, sức cạnh tranh của sản phẩm, khả năng tiếp thị và tiềm lực tài chính. Từ đó, việc lựa chọn đúng hình thức xuất khẩu sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường đầy tiềm năng này. Để vào được thị trường Mỹ các doanh nghiệp có thể xuất khẩu gián tiếp qua đại lý. Tuy nhiên phương án tối ưu vẫn là thực hiện xuất khẩu trực tiếp. Xuất khẩu trực tiếp sẽ giúp cho doanh nghiệp kiểm soát được toàn bộ quá trình xuất khẩu, thiết lập được quan hệ trực tiếp với mạng lưới tiêu thụ và người tiêu dùng. Tuy nhiên phương thức này đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đối với người tiêu dùng Mỹ.

- Chú trọng chất lượng sản phẩm: Mỗi doanh nghiệp cần đặt lên hàng đầu mục tiêu nâng cao chất lượng hàng dệt may của mình, từ đó nâng sức cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với việc nâng cao chất lượng là việc giảm giá

thành, đa dạng hóa mẫu mã, cải tiến bao bì ... sao cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Mỹ. Trong tình hình hiện nay, do các nguồn vốn còn hạn hẹp, các doanh nghiệp cần chủ động vạch ra chiến lược cạnh tranh dài hạn cho sản phẩm của mình bằng cách tạo ra nét độc đáo cho sản phẩm dựa trên khả năng cắt giảm chi phí bình quân trong ngành cũng như hợp lý hóa quy trình sản xuất.

- Xây dựng và củng cố thương hiệu: Hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ cần phải xây dựng thương hiệu để đưa vào kênh phân phối độc lập và thực hiện giá trị gia tăng để tạo giá trị xuất khẩu cao. Thương hiệu liên quan sự sống còn của doanh nghiệp. Củng cố thương hiệu là việc phải thực hiện ngay của các doanh nghiệp Việt Nam muốn kinh doanh lâu dài trên thị trường Mỹ . Doanh nghiệp cần phải xây dựng chính sách phát triển thương hiệu có mục tiêu rõ ràng (lựa chọn đối tượng khách hàng, phân khúc thị trường); cần phải gắn liền thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu của các tổ chức (hiệp hội, tập đoàn)...

- Nâng cao hiệu quả gia công xuất khẩu, từng bước tạo tiền đề để chuyển sang xuất khẩu trực tiếp: Cần khẳng định rằng trong vài năm tới, Việt Nam vẫn gia công hàng dệt may là chủ yếu, một mặt xuất phát từ xu hướng chuyển dịch sản xuất tất yếu của ngành dệt may thế giới, mặt khác do ngành dệt may Việt Nam chưa đủ “ nội lực” để xuất khẩu trực tiếp. Trong điều kiện hiện nay, khi khâu tiếp thị, cung cấp nguyên liệu, thiết kế... và đặc biệt là phối hợp các khâu này để cho ra đời một sản phẩm mới có sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam còn yếu kém thì gia công vẫn là hình thức cần thiết và hiệu quả. Gia công là bước đi quan trọng để tạo lập uy tín của sản phẩm Việt Nam trên thị trường Mỹ bằng những ưu thế riêng biệt như : giá rẻ, chất lượng tốt, giao hàng đúng hạn... Đồng thời thông qua gia công xuất khẩu để

học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ của các nước khác và tích luỹ đổi mới trang thiết bị, tạo cơ sở vật chất để chuyển dần sang xuất khẩu trực tiếp.

- Tăng tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp: Doanh nghiệp dệt may cần triển khai một số biện pháp giảm dần sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công, tập trung đầu tư nhiều hơn nữa chiến lược nghiên cứu thị trường và công tác thiết kế: tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng dệt may xuất khẩu theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), tăng sử dụng các nguyên phụ liệu tự nhiên được sản xuất trong nước.

- Nắm chắc pháp luật Mỹ: Để vào được thị trường Mỹ, các doanh nghiệp phải thông thạo hệ thống pháp luật của Mỹ, nắm được hệ thống quản lý xuất nhập khẩu cũng như thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ. Hệ thống pháp luật của Mỹ rất phức tạp, quy định an toàn hàng hóa, hệ thống phân phối và kiểm định sản phẩm cũng như quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất khắt khe. Việc tuân thủ các quy định có tính chặt chẽ, nghiêm ngặt đó sẽ đặt ra nhiều thách thức cho nhà xuất khẩu, nhất là khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Muốn nâng cao năng lực hoạt động của các doanh nghiệp thì yếu tố con người là vấn đề không thể bỏ qua vì con người là nhân tố quyết định sự thành bại của sản xuất kinh doanh. Hiện nay, trình độ quản lý và lao động của các doanh nghiệp chưa cao, chính vì hạn chế mà khả năng tiếp nhận thông tin, kiến thức, nâng cao tay nghề của nhiều doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Trong giai đoạn này và sắp tới nếu không được chú trọng đầu tư về con người thì ngay cả các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại cũng không thể phát huy được tính ưu việt của sản phẩm, chứ chưa nói đến khả năng tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vì vậy, trong thời gian tới các nhà quản lý trong ngành phải chú trọng đến

vấn đề thường xuyên đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân, khả năng lao động, khả năng quản lý và tiếp thị của từng người, từng kíp thợ. Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, để thành công thì điều tiên quyết là phải có đội ngũ cán bộ ngoại thương lành nghề.

Tóm lại, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ thị trường Mỹ: tìm hiểu đối tác, nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, cơ chế chính sách và luật pháp quốc tế; cần chủ động để đổi mới công nghệ, mẫu mã nâng cao chất lượng hàng hoá, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, cần xúc tiến khẩn trương việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ tay nghề cho công nhân, cán bộ quản lý, kể cả giám đốc để nâng cao trình độ tiếp nhận công nghệ mới, nâng cao năng lực quản lý hiểu biết các chuẩn mực thông lệ quốc tế, chính sách thương mại thế giới nói chung và chính sách thương mại Mỹ nói riêng. Sự chuẩn bị kỹ càng là điều kiện tốt để các doanh nghiệp nước ta chủ động hội nhập đón nhận những cơ hội và thách thức mới khi Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP chính thức được ký kết và thực thi.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Mỹ 001 (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)