1.2. KINH NGHIỆM CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG VỀ PHÁT TRIỂN KCN.
1.2.1. CÁC KCN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Những thành tựu đạt được của các KCN tỉnh Bình Dương.
Đến nay Bình Dương đã có hệ thống 16 KCN được cấp giấy phép hoạt động là các KCN: Việt Nam - Singapore, Sóng Thần I, Sóng Thần II, Việt Hương I, Việt Hương II, Tân Đông Hiệp khu A, Tân Đông Hiệp khu B, Đồng An, Bình Đường, Mỹ Phước I, Mỹ Phước II, Mỹ Phước III, Nam Tân Uyên, Rạch Bắp, Bình Hoà, Tân Định và 7 KCN đang đưa vào quy hoạch Thới Hoà, Khánh Bình, An Tây, Tân Mỹ I, Tân Mỹ II, Tân Hiệp, Dầu Tiếng, 4 khu liên hợp công nghiệp dịch vụ - đô thị quy hoạch là : Kim Huy, An Hoà, Phú Gia, Đại Đăng.
Toàn tỉnh hiện đã phát triển được 16 KCN với tổng diện tích hơn 6.000 ha, 01 khu liên hợp công nghiệp dịch vụ - đô thị diện tích 4.156 ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.146,5 ha. Với chủ trương đa dạng hoá các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, Bình Dương có nhiều mô hình xây dựng KCN như: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước liên doanh với tư nhân đầu tư, doanh nghiệp tư nhân trong nước đầu tư, nhà nước liên doanh với nước ngoài để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 490.819 tỷ đồng, tăng 17% so với 2005 trong đó Bình Dương là tỉnh dẫn đầu với 25,3%.
Với phương châm “Trải chiếu hoa” để mời gọi các nhà đầu tư, đến nay tỉnh Bình Dương đã tạo được sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Các chủ
đầu tư vào KCN rất đa dạng dưới nhiều hình thức liên doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài KCN Việt Nam - Singapore, công ty TNHH như KCN Việt Hương, các KCN còn lại do Nhà nước đầu tư xây dựng.
Nhìn chung các KCN của Bình Dương hoạt động có hiệu quả, năm 2005 - 2006 Bình Dương tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng trong thu hút đầu tư vào KCN. Tính đến 9 tháng đầu năm 2007, nguồn vốn FDI đầu tư vào các KCN của Bình Dương tăng khả quan và đạt hơn 908 triệu USD. Trong đó, có 117 dự án mới được cấp phép với số vốn gần 564 triệu USD và 73 dự án đã đi vào hoạt động ổn định xin đăng ký bổ sung thêm 344,2 triệu USD. Tính chung đến nay tỉnh đã thu hút được 750 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 tỷ USD.
Với 16 KCN được Chính phủ cho phép thành lập, Bình Dương là một trong những tỉnh dẫn đầu về thu hút FDI và đạt tỷ lệ lấp đầy KCN cao. Phần lớn các KCN trên địa bàn đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, một số KCN có diện tích lấp đầy cao như KCN Sóng Thần I đạt tỷ lệ 91%, Sóng Thần II 78%, Đồng An 90%, Bình Đường 82%, Tân Đông Hiệp A 81%. Tính đến nay các KCN Bình Dương có 5817 dự án còn hoạt động, bao gồm 750 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký trên 3,551 tỷ USD và 5.067 dự án trong nước với tổng vốn điều lệ 29.030 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2007 của Bình Dương ước đạt 3.214 triệu USD tăng 28,5% so với cùng kỳ trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm cao nhất với 72,5%.
* Bài học kinh nghiệm của Bình Dương trong phát triển các KCN có thể vận dụng cho Hải Dương.
Các KCN của Bình Dương có được những thành công như vậy là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc xây dựng tốt cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào, đa dạng hoá các thành phần kinh tế trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng gồm cả nhà nước tư nhân và liên doanh. Chính điều này đã khiến cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các KCN này diễn ra nhanh chóng, Bình Dương còn chú trọng trong việc thu hút vốn vào các KCN thông qua việc ban hành danh mục mời gọi vốn đầu tư nước ngoài, giới thiệu tiềm năng của tỉnh trên các lĩnh vực mà các nhà đầu tư quan tâm tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo gặp gỡ các nhà đầu tư để xúc tiến kêu gọi đầu tư, thực hiện việc tiếp xúc doanh nghiệp theo định kỳ để giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng .... Ban quản lý các KCN còn công khai trình tự xét duyệt các dự án đầu tư theo cơ chế “một cửa” đã tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư.
Bài học thành công của Bình Dương là đa dạng hoá các thành phần kinh tế để xây dựng cơ sở hạ tầng KCN và chú trọng việc thu hút vốn, đây là việc làm cần thiết đối với các KCN. Chính quyền địa phương luôn có sự quan tâm đúng mức, coi trọng công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong và ngoài rào, đồng thời ban hành các danh mục gọi vốn đầu tư nước ngoài.