1.2. KINH NGHIỆM CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG VỀ PHÁT TRIỂN KCN.
1.2.2. CÁC KCN TỈNH ĐỒNG NAI
Những thành tựu đạt được của các KCN tỉnh Đồng Nai.
Do những lợi thế về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng, Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển mạnh KCN. Tính đến tháng 9/ 2007 Đồng Nai đã có 21 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đó là: KCN Amata, KCN Nhơn Trạch I, KCN Nhơn Trạch II, KCN Nhơn Trạch III, KCN Nhơn Trạch IV, KCN Gò Dầu, KCN Loteco, KCN Biên Hoà I, KCN Biên Hoà II, KCN Sông Mây, KCN Hố Nai, KCN Dệt may Nhơn Trạch, KCN An Phước, KCN Tam
Phước, KCN Long Thành, KCN Bàu Xéo, KCN Nhơn Phú, KCN Long Bình, KCN Thạnh Phú, KCN Định Quán, KCN Giang Điền với tổng diện tích hơn 6.400 ha. Hiện nay tỉnh còn 15 KCN khác đang tiếp tục xin thành lập, chưa kể 3 KCN đang xin đầu tư mở rộng.
Hình thành sau KCN Tân Thuận (TP HCM) và một số KCN khác nhưng đến nay cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai là một trong những tỉnh dẫn đầu trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong các KCN. Tính đến 9/2007, tỷ lệ lấp đầy diện tích KCN đạt 63,78%, tổng số giấy phép còn hiệu lực là 845 giấy phép, vốn đăng ký là 9,933 tỷ USD, tình hình thu hút đầu tư trong nước cũng đạt 13.450 tỷ đồng (tương đương 830 triệu USD) trong đó cơ quan thuộc tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư 28 dự án đầu trong nước với tổng vốn đầu tư là 6.077 tỷ đồng (tương đương 380 triệu USD).
Bắt đầu tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ năm 1990 đến nay, quá trình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Đồng Nai ngày càng hiệu quả, đỉnh cao là năm 1995 vốn đăng ký đạt gần 1 tỷ 300 triệu USD - cao nhất từ trước đến nay. Từ năm 2001 trở lại đây, Đồng Nai đã thu hút được dự án đầu tư của tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Đài Loan - Formusa vào KCN Nhơn Trạch III, với số vốn đăng ký gần 500 triệu USD. Ngành nghề các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chủ yếu vào Đồng Nai là công nghiệp chiếm 96%, hạ tầng 3% còn lại là dịch vụ và nông - lâm - ngư nghiệp. Không chỉ đóng góp tích cực vào việc tăng giá trị sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai còn đang giải quyết việc làm cho 260.000 lao động, đây là con số hết sức có ý nghĩa về mặt xã hội. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai luôn thực hiện phương châm “ Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” và tích cực trực tiếp đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, nói một cách nôm na là “ Xách giỏ đi chợ quốc tế” như thời gian quan. Trong 5 năm từ năm 2001 - 2005 các KCN Đồng Nai đã thu hút được
gần 3 tỷ USD vượt 64% kế hoạch giải quyết việc làm cho hơn 200.000 lao động, nộp ngân sách 150 triệu USD, duy trì GDP hơn 13%/năm.
* Bài học kinh nghiệm của Đồng Nai trong phát triển các KCN có thể vận dụng cho Hải Dương.
Trong hoạt động hình thành và phát triển các KCN Đồng Nai rất coi trọng công tác quy hoạch, đặt các KCN của tỉnh trong mối liên hệ với cả vùng Đông Nam Bộ đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tìm cơ chế thích hợp để gọi vốn đầu tư sớm điền đầy KCN. Cùng với việc hình thành các KCN, tỉnh đã khẩn trương xây dựng các khu dân cư tập trung, mở rộng đào tạo nghề để phục vụ KCN, xây dựng chế độ quản lý hành chính “một cửa”, đưa thủ tục hành chính đến càng gần doanh nghiệp góp phần làm giảm phiền hà, khó khăn, tạo thiện cảm với các nhà đầu tư ngay khi họ đến liên hệ lập dự án tại Đồng Nai và giúp các công ty này cắt bớt được những chi phí trung gian để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Ban quản lý đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng hành chính công theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào cải cách hành chính. Trong đó, ghi rõ trình tự thủ tục giải quyết các yêu cầu của các tổ chức cá nhân có liên quan, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong Ban quản lý và đã được Trung tâm Quacert cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn. Ban quản lý đã rút ngắn thời gian giải quyết 98% hồ sơ xin duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu, giấy phép lao động của doanh nghiệp xuống còn không quá 3 ngày (quy định là 15 ngày), 100% hồ sơ xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN được cấp trong vòng 2 giờ đồng hồ.
Trong quy hoạch, tỉnh ưu tiên hình thành các KCN chuyên ngành như khu công nghệ cao tại Nhơn Trạch, KCN cơ khí điện tử tại Giang Điền.... Việc phát triển KCN theo định hướng nâng cao chất lượng, xây dựng và phát triển theo mô hình KCN bền vững và gắn với phát triển đồng bộ khu dân cư,
các công trình dịch vụ, xây dựng và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người lao động.... Tỉnh xây dựng lộ trình hợp lý tổ chức thực hiện dự án đầu tư vào khu công nghệ cao và các KCN chuyên ngành với các chính sách ưu đãi đầu tư thích hợp, lập danh mục các dự án ưu tiên gọi vốn đầu tư, danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư theo hướng giảm dần, các dự án gia công sử dụng nhiều lao động tại các trung tâm đô thị, tăng dự án công nghệ cao và ít tác động đến môi trường.
Tỉnh đầu tư phát triển đồng bộ dịch vụ phục vụ cho KCN với sự kết hợp của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp như tạo quỹ nhà để bán, cho thuê hoặc trả góp. Phát triển các phương tiện vận tải công cộng, xe đưa đón công nhân, xây dựng tổng kho trung chuyển, dịch vụ cảng, kho vận đồng bộ với hệ thống cảng theo quy hoạch. Nâng cao chất lượng các dịch vụ với giá cả hợp lý như bưu chính viễn thông, điện, nước, dịch vụ tài chính, tín dụng, hình thành và phát triển thị trường công nghệ và chuyển giao công nghệ. Cải tiến thủ tục hành chính đồng bộ từ khâu giới thiệu địa điểm cấp phép, thanh - kiểm tra và hoạt động quản lý sau giấy phép theo phương châm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Các cơ quan hành chính tiến tới thực hiện tin học hoá trong quản lý.
Về phát triển nguồn nhân lực, tỉnh chú trọng nâng cao trình độ dân trí và thể chất của người lao động thông qua phát triển giáo dục phổ thông, mạng lưới đạo tạo ngắn hạn, nâng cao trình độ tay nghề cho lực lượng lao động tại chỗ, gắn kết người sử dụng lao động, trường dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm với Nhà nước nhằm cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Tỉnh có chủ trương xây dựng và phát triển một số trường cao đẳng, đại học đẳng cấp quốc tế, liên kết đào tạo với các trường đại học trong nước và nước ngoài.
Về công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh chủ trương tiếng nói của nhà đầu tư đang hoạt động có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà đầu tư mới, đây chính là biện pháp tiếp thị đầu tư trực tiếp, tiết kiệm và hiệu quả nhất. Mục tiêu chủ yếu của chiến lược xúc tiến đầu tư của tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư của tỉnh đến các thị trường đầu tư trọng điểm. Kế hoạch xúc tiến đầu tư của tỉnh thực hiện qua 3 giai đoạn: Từ tại chỗ ra nước ngoài; Tổ chức các buổi Seminar ở nước ngoài đến tập trung vào nhóm dự án, đối tượng nhà đầu tư cụ thể ở nước ngoài; Tổ chức xúc tiến đầu tư tại địa phương. Đối tượng xúc tiến đầu tư là các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc các nước và vùng lãnh thổ tiềm năng như: Mỹ, EU, NICs.... Kinh phí cho hoạt động được huy động từ ngân sách địa phương đóng góp của doanh nghiệp đặc biệt là từ các công ty phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng Nai đã thiết lập được quan hệ hợp tác với nhiều tỉnh thành phố của Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan..., đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu.... đây là những quốc gia có tiềm lực về công nghệ vốn, kinh nghiệm quản lý. Thông qua hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp ... Đồng Nai thực sự là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.