Giải pháp cho chính sách tiền tệ

Một phần của tài liệu VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH VĨ MÔ TỪ GÓC NHÌN CỦA LÝ THUYẾT BỘ BA BẤT KHẢ THI (Trang 37 - 42)

2. Giải pháp cho Việt nam trong giai đoạn 2013-

2.3Giải pháp cho chính sách tiền tệ

Với chính sách tỷ giá và chính sách kiểm soát vốn như trên, chính sách tiền tệ được định hướng là tương đối độc lập. Chính sách lãi suất là một công cụ chủ lực của chính sách tiền tệ, vì vậy, mục tiêu theo đuổi của chính sách lãi suất phải nằm trong mục tiêu của chính sách tiền tệ, quá trình hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất trong từng thời kỳ luôn phải đảm bảo mục tiêu bao trùm của chính

sách tiền tệ là ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đó có nghĩa, sự thay đổi cơ chế điều hành lãi suất không được gây ra những cú sốc thị trường, đảm bảo tính ổn định và thực hiện các mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế. Đây là nguyên tắc cơ bản trong hoạch định chính sách lãi suất từng thời kỳ, và cũng là định hướng mà chính sách tiền tệ cần lưu ý.

Điều hành chính sách tiền tệ phải từng bước, nhưng cần nhất quán và phù hợp với tốc độ điều chỉnh của thị trường tài chính, vì vậy tác giả tin tưởng rằng mức độ thắt chặt bằng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong năm 2011 và có thể duy trì trong một số năm tiếp theo là hợp lý để tạo lập kỳ vọng ổn định về lạm phát của thị trường. Để Việt Nam thành công với chính sách tiền tệ kiềm chế lạm phát, cần phải:

Một là, chính sách tiền tệ phải nhất quán. Hiệu quả của chính sách tiền tệ phụ thuộc rất lớn vào niềm tin của thị trường, thể hiện ngay từ lúc tạo lập kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cho một kỳ kinh doanh phía trước, bao gồm cả kế hoạch về giá. Nếu thị trường tin tưởng vào khả năng kiểm soát lạm phát của cơ quan chính sách, các kỳ vọng lạm phát đã được hình thành ngay từ giai đoạn đầu của một kỳ kinh tế.

Tuy nhiên, để có được sự tin tưởng của thị trường, cơ quan chính sách phải tạo lập được niềm tin thông qua tính nhất quán, cương quyết của chính sách tiền tệ. Việt Nam đã có những bài học rất rõ ràng về vấn đề này trong kiểm soát lạm phát thời gian qua dẫn tới việc thị trường không tin rằng chính sách tiền tệ có thể làm giảm lạm phát được. Khôi phục lại niềm tin này cần thời gian và vì vậy NHNN cần kiên định mục tiêu giảm dự nợ tín dụng trong thời gian đủ dài.

Đối với lãi suất huy động, do những bất cập về cấu trúc thị trường hiện nay làm nảy sinh tình trạng cạnh tranh lãi suất thiếu lành mạnh, cũng như là diễn biến của lãi suất thực huy động có thể làm kỳ vọng lạm phát gia tăng nên việc thực hiện duy trì mức lãi suất trần trong giai đoạn này là cần thiết để bình ổn mặt bằng lãi suất. Tình trạng đua nhau tăng lãi suất cho vay và lãi suất huy động trong năm 2008 và những biểu hiện của thị trường những tháng đầu năm 2010 là

sự biểu hiện rõ nét của tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Khi NHNN thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với cho vay trung hạn, các ngân hàng thương mại đã đẩy mức lãi suất cho vay rất cao, khoảng 18%. Mức lãi suất này đã hạn chế khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng thương mại (mức tăng trưởng tín dụng quí I chỉ đạt 3,34%). Nếu không kiểm soát tốt tình trạng các ngân hàng đua nhau tăng mức lãi suất huy động cao hơn dưới nhiều hình thức. Những hiện tượng này biểu hiện sự bất cập lớn của thị trường, nếu không có những biện pháp ngăn chặn sẽ gây ra những bất ổn của hệ thống ngân hàng, từ đó có thể gây ra khủng hoảng ngân hàng.

Hai là, chính sách tiền tệ cần sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Do cấu trúc thể chế trong thực thi chính sách tài chính và tiền tệ, việc thực hiện chính sách kiểm soát lạm phát ở Việt Nam không thể thành công nếu không có sự cam kết chi tiêu từ chính sách tài khóa. Việc này cho thấy tăng trưởng mức cầu từ chi tiêu của chính phủ phải hợp lý và rõ ràng.

Một thực trạng cần nhắc đến là, có một kênh gián tiếp xảy ra: khi chi tiêu chính phủ tăng thì nguồn tài trợ sẽ gián tiếp chảy từ NHNN thông qua vòng chu chuyển của trái phiếu chính phủ qua các ngân hàng thương mại. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ có thể sẽ bị động do chính sách tài khóa mở rộng và việc này làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ.

Do vậy, cắt giảm chi tiêu công và tập trung chi tiêu vào các hạng mục đầu tư có hiệu quả và các hạng mục mang lại lợi ích xã hội cao hơn là cố gắng chi tiêu để tăng trưởng kinh tế nhờ vào sức cầu của chi tiêu chính phủ. Đây chính là điều mà các chính sách thắt chặt đầu tư công đang thể hiện hiện nay

Ba là, điều hành chính sách tiền tệ phải phối hợp nhịp nhàng với tính kiên định trong chính sách tỷ giá. NHNN phải thực hiện kiểm soát ngoại hối chặt chẽ. Việc này là quan trọng giúp cho quá trình điều hành chính sách tỷ giá được chủ động, minh bạch và có cơ sở để điều hành chính sách tỷ giá nhịp nhàng. Việc điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng trong quý 4/2011 phản ánh đúng xu hướng của tỷ giá thực giữa VND và USD.

Bốn là, phải chú ý đến mặt trái của chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất. Nếu nâng lãi suất lên quá cao chẳng những không ổn định được tình hình vĩ mô, năm 2010, chính sách điều hành của chính phủ vẫn tập trung vào việc kiểm soát lạm phát, mục tiêu duy trì chỉ số CPI cả năm 2010 ở mức dưới 8%. Đây là chính sách đúng và hợp lý trong giai đoạn đó. Tuy nhiên việc đẩy lãi suất lên quá cao để thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt không những không giúp thị trường ổn định mà còn khiến kinh tế gặp khó khăn thực sự. Thay vì chỉ cần áp mức lãi suất huy động và cho vay tương ứng là 10% và 13% thì lãi suất trên thị trường đã cao hơn lãi suất mục tiêu tới 4 -5%..Lãi suất tiền đồng lên cao khiến doanh nghiệp phải đi “đường vòng” bằng cách vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn rồi đổi ra tiền đồng để đưa vào sản xuất. Điều này đã góp phần tạo áp lực lên thị trường ngoại hối cuối năm.

Năm là, hướng dòng vốn cho khu vực sản suất thực, giảm bớt đầu cơ. Khi dòng vốn ngân hàng đảm bảo tập trung vốn cho sản xuất sẽ có sự chuyển dịch vốn theo ngành, lĩnh vực, địa bàn, kỳ hạn và khách hàng cho vay; hạn chế cho vay các nhu cầu phi sản xuất. Đặc biệt khi dòng vốn được định hướng đúng đắn, tình trạng bong bóng (chứng khoán, nhà đất,... vàng) sẽ giảm và qua đó sẽ không gây áp lực lên khu vực ngân hàng, lãi suất sẽ ổn định. Chính phủ cần kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ thái quá trong nền kinh tế (như sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính quá mức trên TTCK, tiền tệ; các loại kinh doanh quá mạo hiểm không cần thiết cho khu vực sản xuất vật chất,...).

Khi chính phủ kiên quyết giảm thiểu tình trạng đầu cơ quá mức thì chắc chắn tình trạng dễ tổn thương của nền kinh tế nói chung và khu vực tài chính ngân hàng nói riêng sẽ giảm. Khi đó thị trường tiền tệ và ngoại hối (mà cụ thể là lãi suất và tỷ giá) sẽ ổn định.

Nhờ dòng vốn đầu tư hiệu quả vào khu vực sản xuất, hàng hóa và dịch vụ trong xã hội sẽ tăng lên, không những là nền tảng tăng trưởng bền vững của nền kinh tế mà còn là giải pháp hiệu quả, trị phần gốc của căn bệnh lạm phát hiện nay. Tuy nhiên, cần lưu ý, với khuyến nghị này tác giả nhấn mạnh đến dòng đầu

tư ở cả khu vực tư nhân thông qua kênh tín dụng doanh nghiệp, và cả khu vực nhà nước, vốn đang khủng hoảng trầm trọng sau sự kiện Vinashin.

Sáu là, tính toán độ trễ của chính sách đối với các biến vĩ mô khác. Vấn đề luôn được quan tâm trong lý thuyết kinh tế khi phân tích các tác động chính sách, đó là độ trễ thời gian tác động của thay đổi chính sách gắn với các yếu tố tiền tệ (lãi suất, cung tiền, tỷ giá...) tới các yếu tố vĩ mô như đầu tư, lạm phát. Bởi các quyết sách chỉ có hiệu quả cao nếu xác định được độ trễ này. Tuy nhiên, đây là một vấn đề không đơn giản, vì cùng một chính sách nhưng độ trễ tác động là rất khác nhau trong từng thời kỳ phát triển của nền kinh tế. Có rất nhiều sự thay đổi và không chắc chắn xung quanh độ trễ thời gian trên. Cụ thể, tác động chính sách sẽ phụ thuộc nhiều nhân tố khác nhau, như chu kỳ kinh doanh, lòng tin của người tiêu dùng và phản ứng của họ như thế nào đối với sự thay đổi chính sách, giai đoạn của chu kỳ kinh doanh, các sự kiện trong nền kinh tế thế giới và kỳ vọng về lạm phát trong tương lai. Chẳng hạn, về nguyên lý chung thì lãi suất tăng sẽ hạn chế đầu tư, giảm lạm phát, nhưng lãi suất cũng làm tăng giá thành sản phẩm qua đó tác động làm tăng giá. Vì sự tác động mang tính hai mặt như vậy, đòi hỏi phải xác định độ trễ tác động này để có những quyết định sử dụng công cụ lãi suất theo hướng tăng hay giảm cho mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Đối với các nền kinh tế thị trường chưa phát triển như Việt Nam, nhiều quan hệ kinh tế chưa thực sự mang tính thị trường thì việc vận dụng các nền tảng lý thuyết trên để hoạch định chính sách lãi suất cần có sự linh hoạt, bám sát mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như các diễn biến thực tế của thị trường.

Tóm lai, không có một công thức pha chế sẵn để quản lý bộ ba bất khả thi ngoài việc phải triển khai toàn diện những lựa chọn chính sách phụ thuộc vào từng diễn biến của nền kinh tế và thị trường. Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối không đảm bảo như ở ta thì kiểm soát nợ nước ngoài, hãm đầu tư công và không để tái diễn tình trạng Chính phủ bảo lãnh nợ cho các tập đoàn cũng như thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu đối với các định chế tài chính và tập đoàn sẽ giúp cho ba mục tiêu của bộ ba bất khả thi cân bằng qua lại dễ dàng hơn.

KẾT LUẬN

“Bộ ba bất khả thi” dù đã được vận dụng linh hoạt và thành công ở nhiều quốc gia, nhưng nhìn chung, thì lý thuyết vẫn phản ánh rõ nét sự thiếu hụt công cụ quản lí vĩ mô. Việc lựa chọn mẫu hình bộ ba bất khả thi thích hợp sẽ hỗ trợ cho đất nước đạt được mục tiêu điều hành vĩ mô đã đặt ra, ngược lại sẽ dễ dàng đưa quốc gia đó đến khủng hoảng. Trong xu hướng hội nhập tài chính của thế giới ngày nay, đối với những đất nước đang phát triển, hệ thống tài chính yếu kém như Việt Nam, lựa chọn chính sách nhằm giải quyết vấn đề càng phải cân nhắc thận trọng.

Đối với Việt Nam, mẫu hình bộ ba bất khả thi ở Việt Nam mang những đặc trưng riêng, tuy nhiên vẫn không nằm ngoài khả năng giải thích của thuyết Mundell - Fleming. Việc định hướng cho giải quyết vấn đề bộ ba cần căn cứ vào vai trò và đặc điểm của từng mục tiêu đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Do những hạn chế về thời gian và dữ liệu, đề tài không có những nghiên cứu định lượng có giá trị thực tiễn, tuy nhiên mối tương quan và những tác động giữa các nhân tố trong bộ ba đến nền kinh tế đã được kiểm chứng qua thực tế đất nước trong khoảng thời gian dài từ 1990 đến năm 2013. Mong rằng đề tài sẽ mang lại thêm một góc nhìn phần nào hỗ trợ những nhà hoạch định trong việc ra quyết định chính sách.

Một phần của tài liệu VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH VĨ MÔ TỪ GÓC NHÌN CỦA LÝ THUYẾT BỘ BA BẤT KHẢ THI (Trang 37 - 42)