Xuất điều hành nền kinh tế Việt Nam từ góc nhìn tam giác bất khả thi trong giai đoạn hiện nay :

Một phần của tài liệu VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH VĨ MÔ TỪ GÓC NHÌN CỦA LÝ THUYẾT BỘ BA BẤT KHẢ THI (Trang 30 - 34)

thi trong giai đoạn hiện nay :

1.1 Vị trí Việt Nam trên tam giác bất khả thi

Bối cảnh Việt Nam hiện nay không khác nhiều so với bối cảnh của nền kinh tế Mỹ những năm 80 của thế kỷ trước: ảnh hưởng bởi khủng hoảng và tình trạng lạm phát không được kiểm soát tốt. Việt Nam cần chấp nhận một giai đoạn thắt chặt tiền tệ kiên định và chính sách tài khóa có định hướng cao, để tạo lòng tin về tính hiệu quả của chính sách. Theo báo cáo rủi ro quốc gia của EIU, trong năm 2011 Việt Nam đang đối mặt với hai rủi ro chính đó là tính hiệu quả của đầu tư công thông qua các doanh nghiệp sở hữu nhà nước và, quan trọng hơn, là lạm phát tăng cao kéo theo bất ổn vĩ mô.

Chính phủ đã và đang quyết liệt chống lạm phát như thắt chặt chi tiêu công và hạn chế tín dụng đồng thời cơ cấu lại quy mô vốn vay cho các lĩnh vực theo hướng hỗ trợ sản xuất, cắt giảm khu vực phi sản xuất. Có thể nói, chính phủ đã sử dụng chính sách tiền tệ “độc lập” với tỷ giá để giải quyết những bất ổn hiện tại trong nền kinh tế.

Chính sách hai tỷ giá song song: tỷ giá chính thức và tỷ giá giao dịch trên thị trường tư do với khoảng chênh lệch đến 10% tồn tại trong một thời gian dài đã được điều chỉnh. Sau đợt phá giá đồng Việt Nam vào ngày 24/12/2011 (20.828VND đổi một USD), chênh lệch giữa mức niêm yết và cung cầu thị trường đã được san bằng. Đồng thời, NHNN cũng duy trì tỷ giá này ổn định với động thái giảm biên độ giao động chỉ còn 1%. Với lần điều chỉnh tỷ giá này, Việt Nam đã cải thiện được tính thanh khoản của thị trường, kiềm chế nhập siêu (năm 2011 nhập siêu 9.84 tỷ USD, năm 2012 xuất siêu 780 triệu USD) và hỗ trợ cho việc quản lý thị trường chủ động hơn, linh hoạt hơn. Theo đó, áp lực lên quỹ dự

trữ ngoại hối đang ngày càng cạn kiệt của Việt Nam cũng được giải tỏa, đảm bảo sức khỏe tài chính quốc gia.

Điều tất yếu của Việt Nam hiện tại là phải kiểm soát vốn để duy trì được hai chính sách trên. Không có văn bản chính thức nào đề cập đến vấn đề này, điều đó gây ra sự mập mờ khó hiểu cho công chúng và giới đầu tư về tính minh bạch trong điều hành. Nhiều cán bộ quản lý đã phát biểu không thống nhất với nhau gây nên nhầm tưởng Việt Nam đang cố gắng theo đuổi một bộ ba bất khả thi khi khăng khăng “tự do hóa tài chính, không có bất kì hạn chế nào”. Nhưng với những gì diễn ra, Việt Nam đang tiến hành kiểm soát vốn.

Chính sách hiện nay của chính phủ đang đi đúng hướng. Lạm phát ở Việt Nam chủ yếu là do chính sách tiền tệ trong thời gian qua và việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, do đặc thù cấu trúc quản lý, việc mở rộng tài khóa một phần được tài trợ bằng chính sách tiền tệ mở rộng, dẫn đến tác động lên lạm phát cao còn bởi một nguyên nhân không kém phần quan trọng là hiệu quả đầu tư.

Chính sách tiền tệ thắt chặt là việc chủ động giảm cung đầu tư và cắt giảm cầu tiêu dùng được tài trợ bởi tín dụng cá nhân. Xét trên tương quan tài sản và tiêu dùng, các cá nhân sẽ giảm chi tiêu và tăng tỷ lệ tiết kiệm để dành cho tiêu dùng tương lai. Do vậy, trong ngắn hạn thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng về phía cầu của thị trường và làm suy giảm sản lượng và giá cả. Do chi phí vốn tăng cao, nhà sản xuất sẽ cắt giảm vốn đầu tư và tín dụng lưu động để giảm sản lượng tương ứng.

Trong trường hợp của Việt Nam, thắt chặt tiền tệ mới thực sự diễn ra từ giữa năm 2011 và quá trình thực hiện tương đối bài bản, từng bước để đảm bảo rằng thị trường tiền tệ không bị sốc. Cách tiếp cận như vậy là hợp lý với việc đảm bảo sự ổn định hệ thống tài chính và kiểm tra mức độ chịu đựng của thị trường tiền tệ.

Do chính sách tiền tệ có độ trễ nhất định từ các chính sách (khoảng hai quý), nên đến năm 2012 đã đạt được kết quả về kiềm chế lạm phát cụ thể lạm phát năm 2012 chỉ 6.81% trong khi năm 2011 là 18.13% và năm 2010 là 11.75%.

1.2 Bộ ba chính sách lý tưởng cho Việt Nam trong giai đoạn 2013-2020

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục quản lý linh hoạt hơn nữa bộ ba chính sách trong bối cảnh thế giới đầy biến động, tập trung vào các định hướng chủ đạo sau đây:

Một là, chính sách Việt Nam đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, hiệu quả của những biện pháp cụ thể đến đâu còn tùy thuộc vào giai đoạn thực thi có đồng bộ, quyết liệt hay không. Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ và nắm bắt tình hình thường xuyên để tránh sai sót trong quá trình thực thi của các Bộ ngành, địa phương.

Hai là, duy trì quan điểm mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô kinh tế. Chấp nhận kiểm soát vốn như một biện pháp chính thức và có lộ trình, có kế hoạch, có quy định rõ ràng để vừa không mất đi dòng vốn đầu tư quan trọng, vừa không ảnh hưởng đến tính độc lập của chính sách tiền tệ. Lãi suất thấp và tiền mặt dồi dào ở các nước phát triển đã đẩy dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển tăng mạnh. Ngày càng nhiều nền kinh tế phải phục hồi việc sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn nhằm giảm thiểu áp lực tăng giá đồng nội tệ và tránh những tác hại của dòng tiền nóng.

Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đang mở ra một xu hướng mới trong mục tiêu kiểm soát vốn, đó là việc nhiều nước đang phát triển tìm cách hạn chế dòng vốn đầu cơ chảy vào thị trường. Đây là một xu hướng đảo ngược hoàn toàn so với nỗ lực tự do hóa dòng vốn trên phạm vi toàn cầu kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Tuy nhiên, chính sách kiểm soát vốn đang thực hiện dựa trên việc phân loại các dòng vốn. Đặt ra vấn đề phân loại và lựa chọn dòng vốn vì ngay cả các thể chế quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng ủng hộ việc các nước đang phát triển tìm cách hạn chế dòng vốn đầu cơ chảy vào thị trường thông qua việc sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn. Không phải lúc nào các dòng vốn cũng có lợi, một số loại dòng vốn có thể làm cho các nước trở nên dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng tài chính hơn. Hiện tại các dòng vốn đầu cơ cao có nguy

cơ tạo ra các bong bóng tài sản ở một số nước và sự bất ổn đáng kể nếu có một cú sốc nào đó dẫn đến tình trạng dòng vốn rút ra tăng lên.

Mối lo ngại lớn đối với các thị trường đang nổi như Việt Nam là việc dòng vốn vào ồ ạt đang đẩy giá trị đồng tiền nội địa lên cao, đặc biệt là đối với các nước thả nổi tỷ giá hối đoái, đe dọa đến khả năng cạnh tranh của các nước này. Trong khi đó, khả năng ngăn chặn các dòng vốn đó gây ra tình trạng lạm phát tăng cao của đa số các nước là hạn chế. Trong bối cảnh này, sự đảo ngược hoàn toàn so với nỗ lực tự do hóa dòng vốn diễn ra trên toàn cầu kể từ những năm 1980 là điều dễ hiểu. Sự thay đổi này có vẻ hợp lý khi cả các tổ chức quốc tế đa phương, như IMF và Ngân hàng thế giới (WB), những cơ quan vốn phản đối việc kiểm soát vốn, giờ đây cũng ủng hộ việc sử dụng các biện pháp này trong một số trường hợp. Theo IMF, chỉ nên tính đến việc sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn khi nền kinh tế đang hoạt động gần mức tiềm năng, tỷ giá hối đoái không bị hạ thấp và nếu dòng vốn đó nhiều khả năng chỉ là tạm thời. Các chính sách như xây dựng dự trữ ngoại tệ thích hợp, các biện pháp nhằm bình ổn giá bất động sản và chính sách tài chính chặt chẽ hơn nên được xem xét thực hiện trước tiên.

Do đó, tự do hóa tài chính hoàn toàn không còn là cái đích đến của mọi nền kinh tế. Việt Nam không nhất thiết phải xây dựng lộ trình để gỡ bỏ hoàn toàn kiểm soát vốn. Chúng ta sẽ xem chế độ kiểm soát vốn trung gian là chìa khóa để giải quyết thành công bộ ba bất khả thi.

Ba là, chính sách tỷ giá liên quan đến cán cân thương mại và hoạt động xuất nhập khẩu. Nghĩa là tỷ giá hối đoái sẽ có rất nhiều tác động đến nền kinh tế thông qua cán cân thương mại, lãi vay và nợ gốc các khoản vay… Do đó, cần giữ ổn định tỷ giá đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định.

Bốn là, đánh giá đúng vai trò của dòng vốn và sự đóng góp cho tăng trưởng của Việt nam. Trong một thời gian dài, Việt Nam đã theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư, trong đó FDI chiếm gần 20% tổng đầu tư toàn xã hội. Không những thế, khu vực FDI cũng đóng góp khoảng 20% cho GDP, 40%

kim ngạch xuất khẩu (chưa kể dầu thô) và 3,5% lao động trực tiếp cho nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, nguồn vốn FDI cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện cán cân thanh toán vốn bị xói mòn do nhập siêu cao gây ra. Với những thực tế này, Việt Nam là một nước có mức độ phụ thuộc vào FDI cao nhất trong khu vực. Vì vậy, một khi FDI suy giảm chắc chắn sẽ tác động hết sức tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng GDP, xuất khẩu và việc làm của nước ta. Do đó, dòng vốn, đặc biệt là dòng vốn FDI cần được quan tâm chú trọng hơn trong khâu quy hoạch, hấp thụ vốn. Và trong ngắn hạn, tạm thời chúng ta không nên kiểm soát quá chặt dòng FDI cho đến khi nền kinh tế ổn định trở lại.

Một phần của tài liệu VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH VĨ MÔ TỪ GÓC NHÌN CỦA LÝ THUYẾT BỘ BA BẤT KHẢ THI (Trang 30 - 34)