Chính sách làm thay đổi giá tương đối của các nhân tố.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phân phối thu nhập ở Malaixia và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 27 - 29)

Đây được xem là giải pháp kinh tế truyền thống nhằm làm thay đổi phân phối thu nhập theo chức năng. Phân phối thu nhập theo chức năng: thu nhập dành cho sức lao động, đất đai, vốn được xác định dựa trên giá cả các nhân tố sản xuất, mức độ sử dụng và các phần của thu nhập quốc dân được chia cho những người sở hữu các nhân tố. Trong nền kinh tế các nước đang phát triển, giá cả tương đối của lao động thường cao hơn mức được qui định bởi tác động qua lại của cung cầu. Ví dụ, thế lực của công đoàn nhằm tăng mức lương tối thiểu lên tới mức cao một cách giả tạo, kể cả khi có thất nghiệp tràn lan, thường được nêu lên như một ví dụ về giá lao động bị "bóp méo". Trong khi đó, giá cả của vốn, máy móc, thiết bị được qui định một cách có tổ chức ở mức thấp thông qua các chính sách của nhà nước như chính sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi thuế, thuế nhập khẩu thấp…Tình hình trên sẽ dẫn đến việc các hãng, nhà sản xuất sử dụng máy móc, thiết bị (vốn vật chất) tương đối nhiều hơn so với sử dụng lực lượng lao động dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao. Việc thay đổi giá tương đối của các nhân tố được thực hiện sao cho giá lao động rẻ tương đối so với giá của vốn. Đối với lao động, nhà nước thực hiện các biện pháp nhằm giảm giá so với vốn như hạ thấp lương,

23

trợ cấp lương cho các ông chủ…sẽ làm cho giới chủ lấy lao động để thay thế cho vốn trong các hoạt động sản xuất. Đối với giá của vốn, nhà nước xoá bỏ các ưu đãi để cho giá của máy móc, thiết bị tăng lên đến mức của sự khan hiếm. Khi đó, sẽ khuyến khích nhà sản xuất tăng sử dụng nguồn lao động dồi dào, giảm sử dụng nguồn vốn khan hiếm. Vì giá của các nhân tố được giả sử là vận động như là những dấu hiệu khuyến khích trong bất kỳ nền kinh tế nào. Việc giảm giá tương đối của lao động và tăng giá tương đối của vốn sẽ tạo ra những lợi thế quan trọng. Một mặt, điều này khuyến khích các nhà sản xuất sử dụng nhiều lao động, cung cấp thêm việc làm cho người lao động thất nghiệp, làm tăng thu nhập cho người nghèo, hạ thấp thu nhập của những người sở hữu vốn. Mặt khác, nó làm tăng năng suất và hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn, giảm tỉ lệ nghèo đói nhanh hơn và đem lại công bằng nhiều hơn. Trên thực tế, ở các nước đang phát triển trong thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hoá thì sự phát triển của công nghiệp chỉ diễn ra ở một số khu vực nhất định. Trong điều kiện đó, số lượng việc làm được tạo ra chưa nhiều, tỉ lệ thất nghiệp cao đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhóm người thu nhập thấp. Chính vì vậy, ở nhiều nước thuộc thế giới thứ ba, quá trình công nghiệp hoá thường gắn liền với việc áp dụng các loại công nghệ sử dụng nhiều lao động. Đây là nhân tố quan trọng nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm đói nghèo và bất công. Bên cạnh đó, để có thể hấp thụ số lao động dư thừa trong nền kinh tế ở cả thành thị và nông thôn, chính phủ các nước đã đưa ra các biện pháp khuyến khích khác nhau. Những khuyến khích này bao gồm: khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cần nhiều lao động, khuyến khích các hãng, nhà sản xuất sử dụng nhiều nhân công thông qua các biện pháp ưu đãi về thuế, về tín dụng…Việc khuyến khích các nhà sản xuất sử dụng nhiều nhân công cũng được thể hiện qua việc phát triển các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ. Ở thành thị, đó là các doanh nghiệp

24

trong các ngành gia công, lắp ráp, sửa chữa, những xí nghiệp vệ tinh làm nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm đầu vào. Ở nông thôn là các xí nghiệp chế biến nhỏ, sử dụng nguyên liệu và nhân công tại chỗ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phân phối thu nhập ở Malaixia và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)