Phát triển giáo dục và đào tạo với tạo việc làm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phân phối thu nhập ở Malaixia và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 69 - 73)

Phát triển giáo dục và đào tạo có ý nghĩa quan trọng và là nền tảng vững chắc đối với việc thực hiện hai mục tiêu của NEP về giảm đói nghèo và kết cấu lại xã hội. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, chính phủ Malaixia đã dành những khoản chi ngày càng tăng cho giáo dục và đào tạo qua các thời kỳ kế hoạc 5 năm. Những khoản đầu tư của nhà nước nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng giáo dục tốt hơn, hiệu quả hơn, thông qua đó, tạo ra các cơ hội việc làm có tính chất sản xuất trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Có thể thấy, cả hai khía cạnh phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục và tạo việc làm nêu trên có liên quan đến hai vấn đề phát triển ở Malaixia trong thời kỳ

65

là phát triển nguồn nhân lực và kết cấu lại nền kinh tế. Đây cũng là những nhân tố then chốt trong chiến lược tấn công vào đói nghèo ở thành thị và kết cấu lại việc làm trong các khu vực khác nhau của nền kinh tế ở tất cả các cấp độ nghề nghiệp.

Nhìn tổng thể, sự nghiệp phát triển giáo dục của Malaixia đã đạt được những thành tựu khá quan trọng: tỉ lệ dân cư được đào tạo ở tất cả các cấp đều tăng với mức tăng nhanh ở cấp đại học, số năm trung bình được tới trường của toàn bộ dân cư đều tăng trong suốt ba thập kỷ qua.

Vai trò của giáo dục trong việc nâng cao năng suất và mức thu nhập từ lâu đã được thừa nhận. Chính vì vậy, NEP đã coi giáo dục như một trong những phương tiện để thủ tiêu nghèo đói và kết cấu lại xã hội. Đối với khía cạnh kết cấu lại, mục tiêu trước tiên là phải kết cấu lại việc làm để làm tăng những đại diện của người Bumiputera trong các khu vực hiện đại cho tương xứng với cơ cấu tộc người. Phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục và đào tạo, một mặt, sẽ tạo cơ hội cho người nghèo, nhất là người Bumiputera có được cơ hội việc làm trong nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Mặt khác, quá trình này cũng đưa họ tiếp cận và đảm trách các công việc trong các khu vực hiện đại, là nơi có năng suất lao động và mức thu nhập cao. Trong lĩnh vực giáo dục chính phủ đã đề ra các chỉ tiêu tăng số lượng người Bumiputera ở tất cả các cấp tiểu học, trung học và đại học. Ở cấp đại học, nhà nước đưa ra chỉ tiêu về số lượng sinh viên, những suất học bổng và trợ cấp cho sinh viên người Mã Lai theo học tại các trường. Tại các cơ sở đào tạo, chính phủ dành các khoản kinh phí lớn cho các cơ sở đào tạo riêng cho người Mã Lai nhằm nâng cấp trang thiết bị, tăng số lượng học sinh học nghề. Nghĩa là, nhà nước tăng số lượng và chất lượng đào tạo nghề để cho mọi người dân đến tuổi, đặc biệt là người Mã Lai có thể tham gia và khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào các cơ sở sản xuất được mở rộng. Chương trình

66

đào tạo dành cho người Bumiputera gồm hai loại hình: đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề cho mục tiêu ngắn hạn và đào tạo các nhà kinh doanh, các nhà quản lý cho mục tiêu dài hạn. Tất cả điều này nhằm tạo ra cộng đồng công thương nghiệp Mã Lai (BCIC). Bên cạnh đó, cộng đồng người Hoa và người Ấn cũng được hưởng lợi trong các chương trình phát triển giáo dục và đào tạo của chính phủ. Kết quả là, vào cuối thời kỳ NEP, tỉ lệ người Mã Lai gần ngang bằng với các tộc người Hoa và Ấn trong các ngành công nghiệp và thương mại và vượt tỉ lệ so sánh trong khu vực dịch vụ. Đến năm 1990 người Mã Lai đã tham gia các hoạt động công thương nghiệp, dịch vụ nhiều hơn và các đại diện của người Mã Lai trong các nghề nghiệp như kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư, kế toán, quản lý…đã tăng dần, phù hợp với cơ cấu tộc người. Điều này không chỉ nâng cao địa vị của họ trong khu vực kinh tế hiện đại mà còn góp phần thu hẹp chênh lệch về thu nhập giữa họ và tộc người Hoa, người Ấn.

Trước năm 1976, lợi ích thu được từ sự phát triển giáo dục vẫn chưa đến được với người Bumiputera do họ chưa thể tiếp cận được với các chương trình phát triển giáo dục mới được thực hiện của chính phủ. Sự bất bình đẳng trong tiếp cận với các công việc được trả lương cao và các cơ hội kinh doanh đã góp phần làm cho tình trạng bất bình đẳng gia tăng. Chỉ sau khi người Bumiputera đã thực sự tham gia vào các khu vực kinh tế hiện đại của đất nước thì bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các cộng đồng tộc người, giữa các nhóm thu nhập mới thực sự được cải thiện.

Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa và hiệu quả đối với việc nâng cao vốn vật chất, góp phần đối với việc tăng nhanh mức tiền công. Theo nghiên cứu của Bhalla và Kharas, chất lượng của lực lượng lao động đã làm tăng tỉ lệ tiền công 1% mỗi năm trong thời kỳ 1973-1987. Đồng thời, hai tác giả này còn cho rằng, năng suất lao động cũng tăng lên do việc đầu tư vào

67

vốn nhân lực trong thời kỳ dẫn đến kết quả làm tăng mức tiền công 1% mỗi năm. Trên thực tế, vào cuối những năm 70 đầu 80, năng suất lao động của lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn tăng lên đã dẫn đến tăng tỉ lệ tiền công. Điều này làm phần tiền công trong thu nhập hộ gia đình tăng ở mức cao nhất trong các nhóm thu nhập thấp ở khu vực thành thị, góp phần giảm bất bình đẳng và đói nghèo ở khu vực đô thị.

Bước vào thập kỷ 90, như trên đã nói, do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều sự thay đổi, Malaixia chủ trương phát triển các ngành công nghệ kỹ thuật cao và sử dụng lao động kỹ thuật như là một sự định hướng cho quá trình công nghiệp hoá mới. Để thực hiện hướng phát triển này, Malaixia đã đề ra kế hoạch phát triển nguồn nhân lực: Mở rộng và phát triển hệ thống giáo dục; Thúc đẩy quá trình đào tạo nguồn nhân lực với chương trình đào tạo chuyên sâu hơn, kỹ năng lành nghề hơn nhằm tạo ra các nhà kỹ thuật và công nhân lành nghề, đáp ứng những đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới. Phát triển con đường hướng nghiệp cho công nhân kỹ thuật để họ có được trình độ lao động lành nghề. Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình đào tạo, cử cán bộ kỹ thuật và chuyên gia đi đào tạo tại nước ngoài. Mặc dù bất bình đẳng thu nhập tăng lên trong những năm 90, nhưng sự khác biệt về tiền công và tiền lương giữa các loại lao động ở Malaixia lại được thu hẹp. Theo số liệu điều tra của Cục thống kê Malaixia thì chênh lệch về tiền lương và tiền công giữa lao động quản lý và chuyên môn với các loại lao động khác như kỹ thuật, giám sát, lao động kỹ năng, nửa kỹ năng và không có kỹ năng đều được thu hẹp ở các mức khác nhau. Điều này cho thấy bất bình đẳng thu nhập tăng trong những năm 90 là bắt nguồn từ những nguyên nhân khác, chứ không phải là do sự chênh lệch về tiền lương, tiền công. Điều này khác hẳn với Xingapo, khi nền kinh tế tri thức phát triển mạnh trong những năm 90 đã làm cho bất bình đẳng thu nhập tăng lên, trong

68

đó sự khác biệt về tiền công, tiền lương giữa loại lao động kỹ thuật cao và không kỹ thuật được coi là nguyên nhân chủ yếu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phân phối thu nhập ở Malaixia và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 69 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)