Các điều kiện chi phối sự phát triển thị trường giáo dục đại học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển thị trường giáo dục đại học ở mỹ, nhật bản và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 27 - 31)

1.3.1. Mô hình và trình độ phát triển kinh tế

Thị trường giáo dục đại học tất nhiên chỉ nảy sinh trong nền kinh tế thị trường, tuy nhiên tùy vào đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau mà các quốc gia đã phát triển kinh tế thị trường theo những mô hình khác nhau, mỗi mô hình kinh tế này chi phối khác nhau tới sự phát triển của thị trường giáo dục đại học. Mô hình kinh tế thị trường tự do ở Mỹ, Anh, Úc tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thị trường giáo dục đại học bằng cách trao quyền tự chủ rộng rãi cho các nhà trường. Mô hình kinh tế thị trường xã hội phúc lợi ở Đức, Thụy điển và các nước Bắc Âu lại gần như bao cấp hoàn toàn lĩnh vực giáo dục, thậm chí, sinh viên Đức được hoàn toàn miễn phí khi học trường đại học đầu tiên. Mô hình kinh tế thị trường nhà nước phát triển ở Nhật Bản, mặc dù nhà nước can thiệp trực tiếp, nhưng vẫn tạo ra sự thông thoáng nhất định cho sự phát triển thị trường giáo dục đại học.

Trình độ phát triển kinh tế tác động trực tiếp tới thị trường giáo dục đại học, không có thị trường giáo dục đại học hoạt động hiệu quả trong một nền kinh tế kém phát triển. Lịch sử phát triển giáo dục đại học ở nhiều quốc gia ghi nhận sự xuất hiện từ rất sớm các trường đại học tư, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, tuy nhiên thị trường giáo dục đại học chỉ thực sự phát triển khi nền kinh tế đạt ra yêu cầu về một nguồn nhân lực trình độ cao. Bên cạnh đó, trình độ phát triển kinh tế luôn song hành với trình độ phát triển khoa học công nghệ, mà sự phát triển khoa học công nghệ lại chi phối trực tiếp tới chất lượng các dịch vụ giáo dục đại học.

1.3.2. Truyền thống văn hóa

Truyền thống văn hóa cũng chi phối mạnh mẽ tới sự phát triển thị trường giáo dục đại học, mà rõ nhất là sự ảnh hưởng của văn hóa tới nhu cầu học đại học của người dân. Ở các nước phương Tây, nhu cầu học đại học chỉ thực sự gia tăng nhanh khi thị trường sức lao động hình thành một mức cầu

cao về loại lao động có trình độ đại học. Một bộ phận không nhỏ học sinh tốt nghiệp phổ thông, mặc dù có điều kiện học đại học nhưng không chọn hướng đi này, họ thường lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp theo sở thích cá nhân. Trong quan niệm của đông đảo người dân phương Tây, trình độ học vấn không phải là tiêu chí phân biệt đẳng cấp xã hội. Ở phương Đông thì khác, do ảnh hưởng tàn dư của hệ tư tưởng Nho giáo, người phương Đông phân biệt đẳng cấp giữa lao động trí óc và lao động chân tay, nhiều khi trọng danh tiếng hơn cả lợi ích kinh tế. Đặc điểm văn hóa này khiến người phương Đông có nhu cầu học đại học rất cao, ngay cả khi nền kinh tế thiếu trầm trọng những người lao động có tay nghề giỏi và dư thừa lực lượng lao động có trình độ đại học.

Truyền thống văn hóa cũng chi phối trực tiếp việc thừa nhận hay không sự tồn tại của thị trường giáo dục đại học. Người phương Tây coi nghề dạy học bình thường như bao nghề khác, và giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng cũng là một loại hình dịch vụ, thị trường giáo dục đại học ra đời và trở thành một bộ phận của nền kinh tế thị trường như một lẽ tự nhiên. Người phương Đông coi giáo dục là một lĩnh vực thiêng liêng, nghề dạy học là nghề cao quý và khó chấp nhận việc dùng đồng tiền làm thước đo giá trị của việc truyền thụ tri thức. Do vậy, mặc dù nhu cầu học đại học đặt ra rất cao và thị trường giáo dục đại học vẫn hình thành một cách tự phát, nhưng một bộ phận không nhỏ người phương Đông vẫn cố tình không chịu thừa nhận nó. Việc thừa nhận hay không sự tồn tại của thị trường giáo dục đại học ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của thị trường này.

1.3.3. Chính sách quốc gia về giáo dục đào tạo

Thế giới đã và đang chuyển từ mô hình phát triển kinh tế theo chiều rộng sang mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu, và trước ngưỡng cửa của nền kinh tế tri thức, nhu cầu về một nguồn nhân lực chất lượng cao buộc các

quốc gia đặt nhiệm vụ giáo dục đào tạo lên hàng đầu. Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm tình hình, mỗi quốc gia có chính sách phát triển giáo dục đào tạo riêng của mình.

Một số quốc gia quan niệm giáo dục đào tạo nói chung là phúc lợi xã hội, họ xây dựng chính sách giáo dục đào tạo trên cơ sở coi đây trách nhiệm của nhà nước nhằm đảm bảo quyền học tập bình đẳng của mọi công dân, đồng thời đảm bảo định hướng quốc gia về phát triển nguồn nhân lực. Với chính sách này, lĩnh vực giáo dục đào tạo là độc quyền và hoạt động giáo dục đào tạo là hoạt động phi kinh tế, thị trường giáo dục đại học không thể hình thành và phát triển.

Một số quốc gia khác quan niệm giáo dục phổ thông là phúc lợi xã hội, còn giáo dục đại học và đào tạo nghề là dịch vụ, mọi công dân có quyền tự do lựa chọn dịch vụ và phải trả phí để được hưởng dịch vụ. Với chính sách này, thị trường giáo dục đại học phát triển hoàn toàn tự do, những nguồn lực xã hội được huy động và sử dụng có hiệu quả, các chủ thể trên thị trường giáo dục đại học có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo và cạnh tranh với nhau thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thị trường này. Tuy nhiên, sự phát triển tự phát của thị trường giáo dục đại học cũng nảy sinh nhiều hệ quả tiêu cực như sự mất cân đối trong cơ cấu nhân lực sau đào tạo, xuất hiện nhiều dịch vụ giáo dục đại học chất lượng kém, sự thiếu tương đồng giữa trình độ học vấn và trình độ văn hóa ở người học, …

Với những quốc gia thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động giáo dục đại học, nhà nước cho phép và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục đại học như một hoạt động kinh tế, trong đó nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo. Chính sách này vừa tạo ra sự phát triển năng động của thị trường giáo dục đại học, vừa phát huy vai trò quản lý của

nhà nước nhằm định hướng, điều tiết thị trường giáo dục đại học, khác phục được những tác động tiêu cực nảy sinh tự phát trên thị trường.

Chương 2

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển thị trường giáo dục đại học ở mỹ, nhật bản và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)