2.1.1. Tạo lập môi trường kinh tế
Nước Mỹ có điều kiện kinh tế hết sức thuận lợi khi phát triển thị trường giáo dục đại học trên cơ sở kế thừa mô hình kinh tế thị trường tự do của nước Anh. Các trường đại học đầu tiên ở Mỹ xuất hiện trước khi ra đời nhà nước liên bang và hầu hết là trường tư thục, các trường này xuất hiện từ nhu cầu khách quan của nền kinh tế, hoạt động cung cấp dịch vụ đào tạo nhân lực trình độ cao và ít chịu sự chi phối của chính quyền bang. Trên cơ sở các quan hệ kinh tế thị trường tự do, nền kinh tế Mỹ bùng phát sau thế chiến II vừa đặt ra yêu cầu vừa tạo điều kiện tốt để thị trường giáo dục đại học phát triển mạnh mẽ. Như vậy, ở Mỹ, giáo dục đại học xuất hiện trong nền kinh tế thị trường và ngay từ đầu đã vận hành theo cơ chế thị trường.
Khác với Mỹ, hệ thống giáo dục đại học Nhật Bản ra đời và phát triển trong thời kỳ phong kiến, khi nền kinh tế còn ở trình độ kém phát triển. Các trường đại học không xuất hiện từ nhu cầu khách quan của nền kinh tế về nguồn nhân lực khoa học, nó được thành lập bởi nhà nước và có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ quan lại cho chính quyền phong kiến trung ương tập quyền. Tiền đề kinh tế cho thị trường giáo dục đại học Nhật Bản được đánh dấu bằng cải cách Minh Trị 1866-1869, hệ thống giáo dục đại học bắt đầu chịu ảnh hưởng lớn của mô hình giáo dục châu Âu cả về nội dung và hình thức tổ chức. Thời kỳ này, ở Nhật Bản đã xuất hiện các trường đại học tư, hoạt động vì lợi nhuận, tuy nhiên tính đến trước thế chiến thứ hai, Nhật Bản chưa thực
sự có thị trường giáo dục đại học, các trường đại học công lập hoạt động dựa vào nguồn cung cấp kinh phí của nhà nước vẫn giữ địa vị chi phối tuyệt đối. Sau thế chiến thứ hai, mặc dù là nước thua trận, nhưng nhờ sản xuất hàng quân nhu xuất khẩu, phục vụ chiến tranh Triều Tiên, chỉ sau 10 năm, nền kinh tế Nhật Bản khôi phục được mức sản xuất trước Đại chiến, và đến khoảng năm 1980 thì mức thu nhập trên đầu người trong nước đã vượt qua các quốc gia châu Âu. Sự thịnh vượng của nền kinh tế đã tạo ra một giai đoạn vàng son cho nền đại học Nhật Bản trong giai đoạn 1950-1980, nhu cầu sử dụng người tốt nghiệp đại học gia tăng bởi sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất khiến hệ thống giáo dục đại học quốc lập không đáp ứng kịp và Nhật Bản đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình giáo dục đại học theo cơ chế thị trường, huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục đại học nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực trình độ cao cho nền kinh tế.
2.1.2. Tạo lập môi trường chính trị, pháp lý
Ở giai đoạn đầu thành lập, dường như một thể chế chính trị với quyền lực nhà nước liên bang yếu lại tạo ra điều kiện thuận lợi cho nền giáo dục đại học Mỹ được tự do phát triển theo cơ chế thị trường. Ngay sau khi được bầu làm tổng thống đầu tiên, G. Washington đã chủ trương thiết lập một hệ thống giáo dục đại học quốc gia mạnh bắt đầu bằng đề xuất trước Quốc hội thành lập một trường đại học quốc gia kiểu mẫu cho cả liên bang, nhưng ý kiến của G. Washington đã không được các đại biểu ủng hộ vì điều họ quan tâm lúc này là chủ quyền từng bang chứ không phải sức mạnh của nhà nước liên bang non trẻ. [22].Thất bại của G. Washington đồng nghĩa với việc không có ngay một hệ thống giáo dục đại học mạnh dưới sự chi phối của nhà nước liên bang, nhưng nó tạo ra điều kiện hoạt động hoàn toàn tự do, độc lập và tự chủ cho các trường đại học ở từng bang, và đây là tiền đề quan trọng cho một thị trường giáo dục đại học phát triển bậc nhất thế giới sau này.
Tuy không trực tiếp thành lập được một hệ thống giáo dục đại học mạnh, nhưng chính quyền liên bang đã dần hoàn thiện một hệ thống quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cần thiết cho sự phát triển thị trường giáo dục đại học, đồng thời phát huy vai trò điều tiết thị trường này bằng cả công cụ pháp luật và kinh tế. Hiến pháp liên bang quy định quyền tự chủ cao của các chủ thể kinh tế, trong đó có các trường đại học. Một trong những sự kiện pháp lý minh chứng cho điều này là thắng lợi của trường đại học tư Darmouth trong vụ kiện của bang New Hampshire ở Tòa án Tối cao năm 1819 về quyền điều hành nhà trường. Tòa án tối cao cho rằng giấy phép thành lập mà nhà trường được chính quyền bang cấp chính là một hợp đồng kinh tế và theo Hiến pháp, chính quyền bang không được phép ra bất kỳ một dự luật nào “có tác hại đến nhiệm vụ quy định bởi các hợp đồng”. [22]. Dưới thời tổng thống A. Lincoln, năm 1862, Quốc hội Mỹ đã ban hành đạo luật Morrill quy định việc cấp đất công cho các bang để xây dựng các trường đại học phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp và cơ khí, theo đó mỗi đầu thượng nghị sĩ đại diện cho bang được cấp 30 nghìn acre (tương đương khoảng 12 nghìn ha) để xây dựng các trường đại học. Đến năm 1890, đạo luật Morrill 2 ra đời cho phép các trường đại học từng được cấp đất được hưởng tiếp một khoản trợ cấp hàng năm của chính phủ liên bang. Đạo luật này có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quan tâm của chính quyền liên bang đối với việc điều tiết cơ cấu ngành nghề trên thị trường giáo dục đại học. [25]. Vào thời điểm sắp kết thúc thế chiến II, Quốc hội Mỹ tiếp tục ban hành đạo luật “GI Bill”, trong đó có các điều khoản bảo đảm cho cựu quân nhân được nhập học các chương trình khác nhau trong các trường đại học. Đạo luật này vừa giúp thực hiện chính sách của chính phủ liên bang quan tâm tới các cựu binh, vừa giúp đẩy nhanh quá trình đại chúng hóa giáo dục đại học, vào các thập niên sau đó, giáo dục
đại học Hoa Kỳ đã được nâng lên trình độ phổ cập, tạo điều kiện thuận lợi để nước này tiến vào thời đại kinh tế tri thức. [25]
Khác với Mỹ, hệ thống giáo dục đại học Nhật Bản hình thành và phát triển dưới sự chi phối trực tiếp của chính quyền nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Giai đoạn này tồn tại khá dài nên giáo dục đại học bị bó hẹp cả về mục tiêu, nội dung và hình thức đào tạo. Tiền đề chính trị cho sự ra đời và phát triển thị trường giáo dục đại học Nhật Bản cũng được đánh dấu bằng cải cách Minh Trị. Cùng với sự thay đổi thể chế chính trị, nhiều cải cách quan trọng về giáo dục được thi hành trong đó có việc thành lập các trường đại học để đào tạo tầng lớp lãnh đạo chính quyền và kinh doanh. Giáo dục đại học được cởi trói làm xuất hiện một loạt các trường đại học tư theo nhu cầu của thị trường nhân lực. Sự phát triển năng động của các đại học tư buộc các trường công phải đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế vận hành để nâng cao sức cạnh tranh, thị trường giáo dục đại học Nhật bản hình thành và không ngừng phát triển.
Cùng với việc cải cách thể chế chính trị, hệ thống pháp luật của Nhật Bản cũng dần được thiết lập tạo điều kiện pháp lý cần thiết cho sự phát triển thị trường giáo dục đại học. Năm 1871, chỉ 3 năm sau khi thành lập, chính phủ duy tân đã ban hành nghị định trao quyền cho các trường đại học được quyền quyết định lựa chọn và cử sinh viên đi du học. [26]. Nghị định mới này có ý nghĩa quan trọng vì nó đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình phát triển giáo dục đại học Nhật bản, khi các chính sách của nhà nước từng bước được luật hóa. Ngoài các điều khoản cơ bản liên quan đến giáo dục đã được ghi trong Hiến pháp, hàng loạt các đạo luật chi tiết cũng đã được ban hành để tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục và hệ thống giáo dục đại học. Sau hơn 100 năm xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhật Bản đã thực hiện
thành công chính sách phi tập trung hóa và phân quyền trong quản lý giáo dục đại học. Theo chính sách này, Bộ giáo dục Nhật Bản thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về giáo dục bằng việc hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, ban hành các chuẩn mực giáo dục và chịu trách nhiệm thanh kiểm tra, các đại học, kể cả đại học công lập được toàn quyền tự chủ hoạt động. [2, tr. 5]
2.1.3. Tạo lập môi trường văn hóa, xã hội
Mỹ là quốc gia của những người nhập cư, đặc điểm này quy định tính cởi mở của văn hóa Mỹ. Người Mỹ ít bị gò bó bởi những truyền thống cũ, trái lại sự sáng tạo và tự do cá nhân được đề cao. Xã hội Mỹ không phân biệt đẳng cấp, mọi người có quyền bình đẳng và có cơ hội phát triển ngang nhau. Nước Mỹ cũng không có quan niệm “đẳng cấp nghề nghiệp”, mọi công việc có thể mang lại thu nhập đều được coi trọng. Người Mỹ thường không gắn bó lâu dài với một công việc cố định, họ thích sự thay đổi, thích tìm kiếm cái mới trong cuộc sống. Đặc điểm văn hóa, xã hội này ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thị trường giáo dục đại học theo cả hai chiều hướng, một mặt nó tạo ra sự tự do làm cho thị trường giáo dục đại học phát triển phong phú về loại hình dịch vụ, đa dạng về hình thức tổ chức dạy học, mặt khác nó hạn chế việc quy định những chuẩn mực đạo đức, văn hóa trong các chương trình giáo dục đại học.
Nhật Bản có đặc trưng văn hóa xã hội khác với Mỹ khi phát triển thị trường giáo dục đại học. Trước cải cách Minh Trị, giáo dục đại học Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Trung Hoa. Ý thức hệ Nho giáo cùng với tinh thần võ sĩ đạo Samurai chi phối đời sống tinh thần xã hội, xã hội phân hóa đẳng cấp rõ rệt, trong đó tầng lớp võ sĩ, quý tộc giữ địa vị thống trị. Thời kỳ này, giáo dục đại học gần như được tổ chức để phục vụ riêng giới thượng lưu,
và mục đích chủ yếu là đào tạo đội ngũ quan lại từ những người có xuất thân dòng dõi quý tộc, những người có thân phận bình thường trong xã hội khó có điều kiện học đại học. Hệ tư tưởng Nho giáo cũng coi giáo dục là lĩnh vực thiêng liêng và không chấp nhận đưa vào đó các quan hệ hàng hóa – tiền tệ của cơ chế thị trường.
Với mong muốn đuổi kịp phương Tây, Nhật Bản đã tiến hành những cải cách mạnh mẽ và toàn diện, bao hàm cả lĩnh vực văn hóa, xã hội. Hệ tư tưởng Nho giáo dần mất vị trí thống trị, và thay vào đó là các giá trị văn hóa phương Tây mang tính tự do, không phân biệt đẳng cấp và đề cao vai trò của cá nhân. Quá trình cải cách văn hóa là quá trình đấu tranh kịch liệt giữa 3 hệ tư tưởng chủ đạo: Nho giáo, võ sĩ đạo và duy tân, tuy nhiên hệ tư tưởng duy tân nhanh chóng chiếm ưu thế do đáp ứng được đòi hỏi phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại. Để tạo ra sự đồng thuận xã hội, chính phủ duy tân chấp nhận việc đền bù kinh tế cho những tổn thất tinh thần của tầng lớp võ sĩ (vì bãi bỏ đẳng cấp xã hội cao của họ). Và chỉ trong vòng hai, đến ba thế hệ, nước Nhật đã từ chỗ coi trọng thân phận con người theo nguồn gốc dòng dõi, chuyển sang cất nhắc cán bộ theo trình độ giáo dục (tân học).