Định hướng và điều tiết sự phát triển thị trường giáo dục đại học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển thị trường giáo dục đại học ở mỹ, nhật bản và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 47 - 53)

học

2.3.1. Định hướng về mục tiêu phát triển

Mục tiêu phát triển giáo dục đại học Mỹ cũng cởi mở như đặc tính văn hóa của quốc gia nhập cư này. Ở giai đoạn đầu phát triển các trường đại học, phương châm của người Mỹ là: “thà làm được cái gì đó (cho dù chất lượng không tốt), còn hơn không có gì cả”; điều này khác hẳn với truyền thống phát triển hệ thống giáo dục đại học tinh hoa của châu Âu với quan điểm: “nếu không làm được cái tốt nhất, thì thà không có gì còn hơn”. Nói như vậy không có nghĩa nước Mỹ không quan tâm tới chất lượng giáo dục đại học, trái lại, chính phủ Mỹ, từ rất sớm đã chủ trương phát triển một nền giáo dục đại học quy mô lớn với chất lượng đẳng cấp quốc tế, nhưng cách làm truyền thống, theo kiểu châu Âu, của vị tổng thống đầu tiên G. Washington đã không thành công. Thay vì dựa vào nguồn đầu tư lớn của nhà nước, chính cơ chế thị trường tự do đã tạo động lực thúc đẩy nền giáo dục đại học của Mỹ phát triển theo diện rộng, và cũng chính sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đã đưa nhiều trường đại học của Mỹ lên tầm hàng đầu thế giới.

Vậy chính phủ Mỹ có vai trò gì trong việc thực hiện mục tiêu phát triển thị trường giáo dục đại học? Chắc chắn đó không phải là sự bao cấp về kinh tế, Đại học Harvard là một ví dụ điển hình, tài trợ của chính phủ, kể cả các hợp đồng nghiên cứu mà chính phủ giao cho Harvard, cũng chỉ chiếm 15% tổng thu của trường này. Vốn liếng to lớn nhất mà nhà nước Hoa Kỳ trao cho các trường đại học, là cơ chế tự chủ (autonomy) và cam kết về tự do học thuật (academic freedom). “Đặc quyền về tự do học thuật gắn liền với nghĩa vụ nói lên sự thật ngay cả khi điều đó hết sức khó khăn hay không được nhiều người

ưa chuộng” (trích từ bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp 2009 của Hiệu trưởng Harvard, Dew Fraust) [20]

Hơn cả nước Mỹ, trong hệ thống các giải pháp để đạt tới sự phát triển thịnh vượng, Nhật Bản đặt kỳ vọng lớn vào sự nghiệp giáo dục. Ngay từ bài học vỡ lòng, người Nhật đã dạy cho thế hệ trẻ của mình hiểu rằng, Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, và nguồn lực quan trọng nhất là tri thức con người. Với tư tưởng chủ đạo là hình thành hệ thống giáo dục suốt đời (life-long learning), xây dựng xã hội học tập, chuẩn bị một thế hệ trẻ phát triển toàn diện, năng động, tự chủ, sáng tạo, đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội hiện đại và nâng cao khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trên trường quốc tế, từ nửa sau thế kỷ XX, Nhật bản đã đặt ra mục tiêu đại chúng hóa giáo dục đại học, đồng thời cũng mong muốn có được các trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Khác với Mỹ, chính phủ Nhật Bản có vai trò hết sức to lớn trong việc xây dựng những trường đại học đỉnh cao. Vai trò ấy trước hết thể hiện trong việc cung cấp một nguồn lực khổng lồ cho những trường đại học trọng điểm như đại học Tokyo, đại học Kyoto, Tohoku, Osaca, …nguồn lực này bảo đảm cho các trường thực hiện chính sách thu hút chất xám trên phạm vi toàn cầu. Không chỉ đầu tư lớn về mặt tài chính, chính phủ Nhật Bản cũng thực hiện sự chỉ đạo sát sao đối với hoạt động của các trường này, xây dựng hệ thống quản lý hành chính tập trung mạnh ở cấp trường và quyền tự chủ về học thuật. Bên cạnh việc đầu tư trọng điểm cho các trường đại học quốc lập, Nhật Bản cũng thực hiện chính sách phát triển thông thoáng đối với khu vực đại học tư. Với cách làm của mình, đến cuối thế kỷ XX, giáo dục đại học Nhật Bản đã thực hiện được mục tiêu đại chúng hóa, và các trường đại học quốc lập của Nhật cũng lọt vào tốp các trường hàng đầu thế giới.

2.3.2. Đảm bảo chất lượng dịch vụ

Đi kèm với việc trao quyền tự chủ cao cho các trường đại học, nhất là khu vực đại học tư, cả Mỹ và Nhật đều có cơ chế kiểm định hiệu quả đối với hoạt động của các trường. Việc kiểm định này, một mặt là cơ sở để trường có thể nhận được tài trợ tài chính; mặt khác thông tin kiểm định về hoạt động của trường là căn cứ quan trọng để sinh viên tham khảo trước khi đăng ký dự tuyển.

Ở Mỹ, có rất nhiều cơ quan kiểm định độc lập tiến hành kiểm định thường xuyên hoạt động của hơn 4000 trường đại học. Hoạt động của các cơ quan kiểm định này lại được đánh giá bởi Bộ giáo dục (USDE) và Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục đại học (CHEA), toàn bộ thông tin về hoạt động của các trường đã qua kiểm định đều được đăng tải minh bạch trên Website của hai cơ quan này. Các cơ quan kiểm định độc lập không chỉ đánh giá chung về chất lượng hoạt động của trường, mà còn đánh giá chất lượng của từng ngành đào tạo trong trường. Nhờ hoạt động kiểm định này, chất lượng dịch vụ giáo dục đại học do từng trường cung cấp được phản ánh tương đối chính xác, và người học có quyền lựa chọn loại dịch vụ phù hợp, có chất lượng tương xứng với số tiền họ phải chi trả. Như vậy, tuy không đặt ra một tiêu chuẩn khắt khe cho việc thành lập trường đại học hoặc mở ngành đào tạo trong từng trường, nhưng chính phủ chỉ tài trợ tài chính cho (sinh viên nhập học ở) những trường đạt tiêu chuẩn kiểm định, và điều đó đòi hỏi các trường đại học phải nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo của chính mình.

Ở Nhật Bản, để kiểm soát chất lượng giáo dục đại học, một cơ quan độc lập với tên gọi Nihon Koto Kyoiku Hyoka Kiko (Nhật Bản Cao Đẳng Giáo Dục Bình Giá Cơ Cấu) đã được thành lập , cơ quan này có chức năng điều tra năng lực của tất cả các đại học trong nước trên phương diện giáo dục, nghiên cứu và tài chính. Cơ quan này là một cơ quan độc lập, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính phủ, kết quả của tất cả các công trình đánh giá đều được công bố trên

internet và báo chí, và vì thế có một tác dụng rất mạnh buộc các trường phải tự điều chính chất lượng các dịch vụ mà mình cung cấp. Bên cạnh đó, thông tin kiểm định có được bằng cơ chế đánh giá 3 bên (các trường tự đánh giá, đánh giá của Ủy ban đánh giá đại học, đánh giá của Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ) là cơ sở để phân bổ ngân sách cho các trường quốc lập.

2.3.3. Khắc phục khuyết tật nảy sinh

Thị trường giáo dục đại học cũng giống thị trường kinh tế nói chung, khi để nó phát triển hoàn toàn tự do, dưới sự điều tiết của các quy luật khách quan, sẽ không tránh khỏi nhưng khuyết tật nảy sinh một cách tự phát, đòi hỏi nhà nước phải khắc phục.

Đối với thị trường giáo dục đại học Mỹ, hạn chế đầu tiên là cơ hội học tập không bình đẳng cho những người có điều kiện thu nhập khác nhau. Để khắc phục hạn chế này, chính phủ liên bang và chính quyền bang đã phân loại sinh viên theo nhóm gia đình có thu nhập khác nhau để có chính sách hỗ trợ kinh tế phù hợp (xem bảng 2.3, bảng 2.4.). Hạn chế thứ hai là nguy cơ mất cân đối cơ cấu nguồn nhân lực do việc cung cấp và lựa chọn dịch vụ giáo dục đại học theo thị hiếu. Để khắc phục hạn chế này, chính quyền liêng bang đã có chính sách hỗ trợ hiệu quả để khuyến khích phát triển một số ngành đào tạo cần thiết. Thí dụ, năm 1862, Mỹ đã ban hành đạo luật Morrill, cấp đất công để xây dựng các trường đại học chuyên đào tạo các ngành nông nghiệp và cơ khí, và bắt đầu từ năm 1890, hàng năm, chính phủ liên bang tiếp tục hỗ trợ một khoản tài chính đáng kể cho các trường này. Hạn chế lớn thứ ba là nguy cơ mất cân đối về cung cầu trong thị trường giáo dục đại học nội địa. Sau quá trình đại chúng hóa giáo dục đại học, số lượng sinh viên nhập học hàng năm đi vào ổn định, trong khi số lượng các cơ sở đào tạo vẫn không ngừng gia tăng. Để khắc phục hạn chế này, nước Mỹ đã mở cửa thị trường

giáo dục đại học, thậm chí nhà nước sẵn sàng cấp học bổng để tài trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí cho sinh viên ngoại quốc đủ điều kiện nhập học các trường đại học tại Mỹ, chính phủ cũng tạo điều kiện thuận lợi để các trường có thể xuất khẩu dịch vụ đào tạo của mình ra toàn thế giới. Theo Báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ (IIE), trong niên khóa 1954-1955, số sinh viên quốc tế ở Mỹ là 34.000, thì đến niên khoá 2003 – 2004 là hơn 572.000 và trong niên khoá 2006 – 2007 có 583.000 sinh viên ngoại quốc đang học tập, nghiên cứu ở Mỹ.

Những thất bại trong thị trường giáo dục đại học Nhật Bản cũng gần tương tự như ở Mỹ. Thứ nhất, để khắc phục nguy cơ mất cân đối trên thị trường nhân lực, Nhật Bản đã phát triển mạnh hệ thống các trường cao đẳng công nghệ. Nếu ở các loại hình đào tạo khác, khu vực tư thường chiếm tỷ lệ vượt trội, thì ở loại hình trường cao đẳng công nghệ, khu vực công chiếm 95,2% tổng số trường và 99,5% tổng số sinh viên (xem bảng 2.1, bảng 2.5). Sự can thiệp này của chính phủ Nhật Bản đã khắc phục hiệu quả tình trạng mất cân đối về cơ cấu ngành nghề trên thị trường sức lao động, do quan niệm phân biệt đẳng cấp nghề nghiệp trong truyền thống văn hóa phương đông. Thứ hai, sau quá trình đại chúng hóa giáo dục đại học, việc phát triển quá nhanh theo diện rộng đã dẫn tới hậu quả tất yếu là sự giảm sút chất lượng dịch vụ. Giai đoạn này, khu vực đại học tư đã chiếm tỷ trọng tuyệt đối và chính phủ không thể dựa vào việc duy trì chất lượng dịch vụ ở khu vực công để tạo sự cạnh tranh buộc khu vực đại học tư phải cải thiện chất lượng dịch vụ. Giải pháp khả dụng được Nhật Bản thực hiện là xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng và thu hồi giấy phép của các trường tư không đạt chuẩn. Hạn chế thứ ba trong phát triển thị trường giáo dục đại học Nhật Bản cũng là mất cân đối cung cầu ở thị trường trong nước. Giai đoạn trước những năm 90 của thế kỷ XX, thị trường vận hành ổn định với tỷ lệ gia tăng bình quân của số trường là

2,5% và số sinh viên là 4,2%. Tuy nhiên, bước vào thập niên cuối của thế kỷ XX, trong khi tỷ lệ gia tăng số trường hàng năm vẫn giữ ở con số 2,4% thì số lượng sinh viên gia tăng đã giảm xuống còn 1,6%. Sự mất cân đối cung cầu này làm suy giảm tài chính ở một loạt trường đại học khu vực tư, khoảng 30% trường đại học tư luôn hoạt động cầm chừng trong tình trạng thiếu sinh viên và một số trường buộc phải đóng cửa. Mở cửa thị trường giáo dục đại học cũng là giải pháp được Nhật Bản lựa chọn, tuy nhiên nó không mang lại hiệu quả tốt như ở Mỹ. Nếu hiện nay Mỹ thu hút được khoảng 30% lượng du học sinh trên toàn thế giới thì ở Nhật, tính đến năm 2010, có khoảng 141.774 sinh viên ngoại quốc nhập học và hơn nửa trong số này là nhờ vào sự đóng góp của nước láng giềng Trung Quốc (86.173 sinh viên).

Chương 3

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở MỸ, NHẬT BẢN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển thị trường giáo dục đại học ở mỹ, nhật bản và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)