3.2.1. Bài học về tạo lập môi trường phát triển
Thứ nhất, việc tạo lập đồng bộ các môi trường kinh tế, chính trị, pháp lý và văn hóa, xã hội là điều kiện thiết yếu để phát triển thị trường giáo dục đại học. Thực tiễn Mỹ và Nhật Bản cho thấy, thị trường giáo dục đại học chỉ nảy sinh và phát triển hiệu quả trong mô hình kinh tế thị trường ở trình độ tương đối cao, với một thể chế chính trị mang tính dân chủ, một hành lang pháp lý minh bạch, chặt chẽ, một nền văn hóa cởi mở và sự đồng thuận xã hội.
Thứ hai, tùy vào đặc điểm riêng mà mỗi quốc gia có quá trình tạo lập môi trường phát triển thị trường giáo dục đại học khác nhau. Nước Mỹ có xuất phát điểm thuận lợi về điều kiện kinh tế nhờ kế thừa mô hình kinh tế thị trường tự do của Anh, còn Nhật Bản phải tiến hành cải cách mạnh mẽ một nền kinh tế lạc hậu cả về mô hình và trình độ mang nặng đặc trưng của một xã hội phong kiến phương Đông để có nền kinh tế thị trường hiện đại. Nước Mỹ xuất phát từ một thể chế chính trị dân chủ tư sản, với hệ thống quyền lực phân tán và một bộ máy nhà nước liên bang yếu, do vậy ngay từ đầu nó không có điều kiện thực hiện sự chuyên chính, áp đặt về mục tiêu phát triển đối với giáo dục đại học ở từng bang. Việc tạo lập môi trường chính trị ở Mỹ là quá trình tìm kiếm ảnh hưởng bằng cách hoàn thiện hành lang pháp lý cho phép chính phủ liên bang thực hiện sự quản lý vĩ mô đối với thị trường giáo dục đại
học và từng bước phân định rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền từng bang với các trường đại học cả công và tư trên cơ sở đề cao vai trò tự chủ của các trường. Nhật Bản phát triển giáo dục đại học trong thể chế chính trị phong kiến, với nhà nước trung ương tập quyền mang đậm tính chuyên chính. Quá trình tạo lập môi trường chính trị pháp lý cho sự ra đời và phát triển thị trường giáo dục đại học Nhật bản thực sự là một cuộc cách mạng về chính trị, tuy không hoàn toàn diễn ra bằng con đường bạo lực. Những cải cách mang tính đột phá của chính phủ duy tân đã từng bước hạn chế sự độc quyền và can thiệp trực tiếp của nhà nước vào hoạt động giáo dục đại học, biến nó thành một bộ máy quản lý lĩnh vực này bằng hiến pháp và pháp luật. Đặc trưng văn hóa Mỹ với sự phong phú, đa dạng và cởi mở, luôn tôn trọng sự sáng tạo và đề cao vai trò cá nhân, không câu lệ tính truyền thống là điều kiện thuận lợi để người Mỹ đưa vào các dịch vụ giáo dục đại học những nội dung phong phú, đa dạng, phản ánh đứng thực tiễn kinh tế xã hội của một quốc gia đang trên đà phát triển. Nhật Bản không có được sự thuận lợi đó, nền văn hóa chịu sự chi phối quá nặng của tư tưởng Nho giáo truyền thống và tinh thần võ sĩ đạo samurai cùng với xã hội phân hóa đẳng cấp sâu sắc đã ngăn cản việc đưa các nội dung văn hóa, khoa học tiên tiến vào giáo dục đại học. Nhật Bản phải thực hiện một cuộc cải cách văn hóa tư tưởng và phát huy vai trò của chính phủ duy tân để giải quyết vấn đề phân chia đẳng cấp một cách hòa bình, tạo ra sự đồng thuận xã hội trong phát triển giáo dục đại học theo kiểu phương Tây.
Thứ ba, việc tạo lập môi trường phát triển thị trường giáo dục đại học là một quá trình lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên. Nước Mỹ có những điều kiện tiền đề hết sức thuận lợi cho phát triển thị trường giáo dục đại học, nhưng cùng với sự phát triển lớn mạnh của thị trường này, các yếu tố cấu thành nên môi trường phát triển vẫn không ngừng được củng cố hoàn
thiện, nhất là môi trường chính trị, pháp lý. Điều dễ nhận thấy nhất là sự kịp thời thiết lập hành lang pháp lý và mở rộng quan hệ đối ngoại để khắc phục tình trạng mất cân đối về cung cầu của thị trường giáo dục đại học trong nước, đưa Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu dịch vụ giáo dục đại học hàng đầu thế giới. Nhật Bản cũng không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách và khung khổ pháp lý để ngày càng giải phóng năng lực tự chủ của các trường đại học và tìm cách xuất khẩu dịch vụ giáo dục đại học chiếm lĩnh thị trường châu Á.
3.2.2. Bài học về xây dựng và phát triển các yếu tố cấu thành thị trường giáo dục đại học
Thứ nhất, hình thành một hệ thống các trường đại học với sự phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình trong đó có một bộ phận hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Đây là kinh nghiệm rút ra từ sự phát triển thị trường giáo dục đại học Mỹ. Khác với quan điểm phát triển giáo dục đại học của châu Âu, nước Mỹ khá cởi mở trong việc cấp phép thành lập trường đại học và mở ngành đào tạo trong từng trường. Khi thực hiện chính sách này, nhiều nghị sĩ Mỹ cũng bày tỏ quan điểm e ngại về khả năng suy giảm chất lượng đào tạo, nhưng thực tế chứng minh điều đó đã không xảy ra. Đơn giản là cơ chế kiểm định độc lập và minh bạch trong hệ thống giáo dục đại học buộc các trường phải nâng cao chất lượng dịch vụ nếu muốn nhận tài trợ tài chính từ ngân sách nhà nước và được quyền cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Các trường không đáp ứng yêu cầu sẽ không thu hút được sinh viên, đồng nghĩa với việc không có đủ nguồn tài chính để duy trì hoạt động và buộc phải đóng cửa hoặc sát nhập. Điều đặc sắc trong thị trường giáo dục đại học Mỹ là xuất hiện những đại học tư hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, phần học phí thu của sinh viên đôi khi chỉ bằng một phần nhỏ chi phí cho sinh viên, nhưng nhà trường vẫn tạo được nguồn kinh phí lớn để duy trì hoạt động.
Đại học Harvard là một thí dụ, năm 2008, chi phí cho mỗi sinh viên là 106.041 USD/năm trong lúc học phí trung bình là 31.456 USD/sinh viên/năm, nguồn thu từ học phí của sinh viên chỉ chiếm 20% tổng thu của trường, số còn lại chủ yếu từ quỹ hiến tặng và các hợp đồng nghiên cứu khoa học với chính phủ và các doanh nghiệp. [9]. Chính quyền tự chủ cao mà nhà nước trao cho các trường đại học đã giúp họ tìm kiếm các nguồn tài trợ bằng chính tầm ảnh hưởng của mình trong xã hội.
Thứ hai, phát triển đội ngũ sinh viên đông đảo và tham gia thị trường giáo dục đại học như những người tiêu dùng hiểu biết. Cả Mỹ và Nhật đều thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông từ rất sớm, tuy nhiên, chính sách giáo dục đại học của Mỹ tỏ ra hỗ trợ sinh viên hiệu quả hơn để họ có thể tham gia thị trường như một chủ thể độc lập. Sở dĩ có điều này vì nước Mỹ chọn phương thức cấp tài chính cho sinh viên chứ không phải cho các trường đại học, tức là cấp cho người tiêu dùng dịch vụ chứ không cấp cho người cung cấp dịch vụ, cách làm này giúp nâng cao vị thế của sinh viên, và theo đó nâng cao tầm ảnh hưởng của họ đối với thái độ phục vụ của các trường. Ngoài ra, cả Mỹ và nhật đều phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học, tuy nhiên, nếu vai trò kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Nhật thuộc về nhà nước, thì ở Mỹ, nó thuộc về các cơ quan kiểm định độc lập (không bị chi phối bởi chính phủ), cách làm này dường như khách quan, minh bạch hơn, và sinh viên Mỹ được tham khảo hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác và hữu dụng hơn trước khi đưa ra quyết định chọn trường đăng ký nhập học.
Thứ ba, phát triển hệ thống dịch vụ giáo dục đại học đa dạng, thiết thực, bám sát nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho nền kinh tế. Cả Nhật và Mỹ sớm nhận rõ được ưu thế của thị trường trong phát triển các dịch vụ giáo dục đào tạo, vì vậy, việc mở ngành đào tạo hoàn toàn do các trường đại học
quyết định, các trường cũng có quyền quy định chuẩn đào tạo cho chương trình của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng của các chương trình đào tạo trước cơ quan kiểm định. Chính sách này một mặt phát huy được sự năng động, nhạy bén của từng trường đại học trong việc đưa ra các gói dịch vụ đào tạo sát thực tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mặt khác vẫn đảm bảo được chất lượng dịch vụ nhờ hệ thống kiểm định và việc phân bổ ngân sách hỗ trợ căn cứ trên kết quả kiểm định.
3.2.3. Bài học về định hướng và điều tiết sự phát triển thị trường giáo dục đại học
Thứ nhất, định hướng, điều tiết thị trường giáo dục đại học là việc làm cần thiết của nhà nước nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển và khắc phục khuyết tật nảy sinh. Cả Mỹ và nhật đều theo đuổi mục tiêu đại chúng hóa giáo dục đại học, đồng thời có được những trường đại học chất lượng hàng đầu thế giới, những mục tiêu này không thể đạt được nếu để thị trường giáo dục đại học hoạt động một cách tự phát. Chính phủ Mỹ đã chủ động tạo ra thời kỳ mở rộng quy mô lớn nhất trong lịch sử phát triển thị trường giáo dục đại học bằng đạo luật “GI Bill”, trong đó có các điều khoản đảm bảo cho cựu quân nhân được nhập học các chương trình khác nhau trong các trường đại học. Với sự can thiệp này, năm 1947, 1,1 triệu quân nhân đã tham gia học đại học, trong khi tổng số sinh viên Mỹ trước đó chỉ có 1,5 triệu. Đồng thời với việc tăng quy mô sinh viên, nước mỹ đã phát triển mạnh hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng công lập với tốc độ trung bình hơn 1 trường trong 1 tuần lễ trong giai đoạn 1965-1972. [25].Nếu sự can thiệp của chính phủ Mỹ làm đẩy nhanh quá trình đại chúng hóa giáo dục đại học thì sự can thiệp của chính phủ Nhật Bản lại giúp phát triển các trường đại học quốc gia đạt đẳng cấp quốc tế. Ngoài ra, sự điều tiết thị trường giáo dục đại học của chính phủ Mỹ và Nhật
Bản đã khắc phục hoặc hạn chế phàn lớn những thất bại trên thị trường này như suy giảm chất lượng dịch vụ, mất cân đối cơ cấu nhân lực sau đào tạo, sự chênh lệch cung cầu trên thị trường giáo dục đại học nội địa, …
Thứ hai, định hướng, điều tiết của nhà nước bằng công cụ kinh tế phải tuân thủ các quy luật kinh tế khách quan. Ở Mỹ không có khái niệm bao cấp cho các trường đại học, dù đó là trường công lập. Chính phủ Mỹ chỉ hỗ trợ tài chính cho những trường đã được kiểm định độc lập và tự khẳng định mình bằng số lượng sinh viên mà trường đó thu hút được (cấp tài chính theo đầu sinh viên). Ngay trong giai đoạn nỗ lực thực hiện mục tiêu đại chúng hóa giáo dục đại học, từ năm 1969 đến 1975, trong khi thành lập mới được 800 trường đại học thì có 300 trường phải đóng cửa hoặc sát nhập do không đủ năng lực cạnh tranh. Nhật Bản mặc dù đầu tư một lượng tài chính rất lớn cho các trường công lập (trường công ở địa phương) và quốc lập, nhưng cũng thực hiện cơ chế kiểm định ba bên và buộc các trường này phải hạch toán để đảm bảo chắc chắn sự đầu tư từ phía nhà nước mang lại hiệu quả thiết thực. Tóm lại, việc điều tiết của chính phủ không làm mất tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường giáo dục đại học giữa khu vực đại học tư và đại học công.
Thứ ba, việc sử dụng công cụ hành chính để điều tiết thị trường giáo dục đại học phải được luật hóa. Ở Mỹ, không có sự can thiệp hành chính trực tiếp (ngoài phạm vi quy định trong hiến pháp và pháp luật) từ phía chính quyền đối với hoạt động quản lý, điều hành các trường đại học. Thắng lợi của trường đại học tư Darmouth trong vụ kiện của bang New Hampshire, năm 1819, ở Tòa án Tối cao về quyền điều hành nhà trường là một minh chứng rõ ràng. Ở Nhật Bản, những cải cách chính trị, hành chính cũng từng bước hạn chế, đi tới việc chấm dứt sự can thiệp trực tiếp của chính quyền vào hoạt động của các chủ thể kinh tế, trong đó có các trường đại học, với tư cách là chủ thể
độc lập trên thị trường giáo dục đại học. Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã tiến hành cải cách lĩnh vực giáo dục đại học, theo đó mọi chính sách phát triển giáo dục đại học phải được thông qua các hội đồng, ủy ban tư vấn cấp cao và được thể chế hóa bằng các đạo luật, hệ thống văn bản pháp quy. Việc luật hóa các chính sách đã loại bỏ được những quyết định trực tiếp (thiếu tính hệ thống và đôi khi không cần thiết) làm tổn hại hoặc gây khó khăn cho hoạt động tự chủ của các trường đại học.