1.2. Cơ sở lý luận phát triển nông thôn trong quá trình hội nhập kinh tế
1.2.4. Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với phát triển
Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, mở ra giai
đoạn phát triển mới, đưa nền kinh tế nước ta hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Quá trình đó, một mặt tạo ra những cơ hội lớn để nước ta phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển; mặt khác, cũng đặt ra những thách thức mới đối với toàn bộ nền kinh tế nước ta.
Trong sự tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế nông thôn vốn đang nhỏ bé, lạc hậu, chậm phát triển cả về quy mô, công nghệ và hiệu quả sẽ bị tác động mạnh hơn cả. Do vậy cần nhận diện đầy đủ tác động (cả tích cực và tiêu cực) của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mà trực tiếp là quá trình thực hiện cam kết của WTO đối với sự phát triển của nông thôn để có giải pháp phù hợp, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thúc đẩy nông thôn phát triển, hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
* Tác động tích cực
- Tăng nguồn lực cho phát triển nông thôn
Nhìn chung, nông thôn nước ta hiện đang rất thiếu vốn, không chỉ vốn cho sản xuất mà cả vốn cho đầu tư ban đầu và vốn cho hoạt động thường xuyên.
Với việc gia nhập WTO, đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp chế biến sẽ gia tăng. Với lợi thế là nước nông nghiệp, chúng ta có những điều kiện nhất định để phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy, hải sản. Nếu tạo được môi trường thuận lợi thì các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn và kinh nghiệm kinh doanh hàng nông sản sẽ lập những nhà máy sơ chế hoặc chế biến nông sản để sản xuất và nhập khẩu những mặt hàng mà họ đang có lợi thế về công nghệ và thị trường. Đây là cơ hội lớn góp phần tăng nguồn vốn cho phát triển nông thôn thông qua liên doanh, liên kết; khắc phục sự thiếu hụt nguồn vốn từ bên trong, tạo điều kiện cho phát triển.
- Nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ cho nông thôn
Cùng với tăng nguồn vốn, sự gia tăng đầu tư nước ngoài vào nông thôn còn góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ cho nông thôn trên cả ba mặt là sản phẩm, phương tiện kỹ thuật và phương pháp sản xuất. Cơ sở vật chất của nông
thôn ở nước ta còn nghèo nàn, trình độ công nghệ, kỹ thuật ở mức thấp. Nước ta có thế mạnh về chế biến xuất khẩu thủy sản nhưng công nghệ thiết bị còn ở dạng lạc hậu, vệ sinh kém, thiếu đội ngũ và thiết bị kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, khó khăn trong việc "xuyên, vượt" các hàng rào kỹ thuật của thị trường xuất khẩu. Với trình độ kỹ thuật và công nghệ lạc hậu như hiện nay, nông thôn khó có khả năng phát triển, hiệu quả sản xuất - kinh doanh thấp, sản phẩm không có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thậm chí không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, sự gia tăng đầu tư nước ngoài vào nông thôn là cơ hội lớn, góp phần đổi mới, nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ, hiện đại hóa nông thôn cả về máy móc thiết bị, phương pháp sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Phát triển kết cấu hạ tầng cho nông thôn
Mặc dù có sự đầu tư và cải thiện đáng kể, nhưng nhìn chung hệ thống kết cấu hạ tầng ở nông thôn nước ta còn rất kém phát triển, không đồng bộ, tác động bất lợi cho sự phát triển nông thôn, không chỉ hiện nay mà cả trong thời gian tới. Những năm gần đây, mặc dù kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cho việc phát triển nông thôn nói riêng và kinh tế nông thôn nói chung, nhất là giá điện cao, chất lượng đường giao thông nông thôn thấp. Hệ thống kho chứa, bến bãi, nước, thông tin liên lạc, dịch vụ, chợ… hầu như chưa đáp ứng yêu cầu. Mật độ chợ dân sinh lại thưa thớt. Hầu hết các chợ nông thôn có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất đơn sơ, tạm bợ, lực lượng tham gia sản xuất - kinh doanh chủ yếu là những người kinh doanh nhỏ và người sản xuất nhỏ… Tất cả làm hạn chế sự phát triển nông thôn.
Sự gia tăng đầu tư nước ngoài vào nông thôn cùng với sự gia tăng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn của Nhà nước sẽ kéo theo gia tăng đầu tư và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn cả từ các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Chính việc phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất
là hệ thống giao thông, mạng lưới điện, thông tin liên lạc, đặc biệt là hệ thống kho tàng, chợ sẽ trực tiếp thúc đẩy nông thôn phát triển.
- Mở rộng thị trường cho sản phẩm nông thôn
Thị trường là nhân tố quan trọng chi phối sự phát triển của nông thôn nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Với việc gia nhập WTO, thị trường hàng hóa nói chung và thị trường sản phẩm nông thôn nói riêng sẽ được mở rộng ra thế giới (hơn 150 thành viên) với tư cách là một đối tác bình đẳng, không phân biệt đối xử. Sản phẩm nông thôn, nhất là hàng nông, lâm, thủy, hải sản xuất khẩu sẽ chịu mức thuế suất thấp, cùng với việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông thôn sẽ không ngừng được mở rộng cả về quy mô và không gian thị trường. Những thị trường nhập khẩu lớn hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam như thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… đều có sự tăng nhanh về tỷ trọng và khối lượng. Đây là cơ hội lớn cho sự phát triển của nông thôn trong thời gian tới, nhất là các ngành chế biến nông, lâm, thủy sản, thủ công mỹ nghệ.
Với việc mở rộng thị trường, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển nông thôn đã có lời giải. Vấn đề còn lại là làm thế nào để sản phẩm của nông thôn chiếm lĩnh và khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới.
- Nâng cao trình độ quản lý, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nông thôn
Nông thôn chủ yếu hướng vào khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương, sử dụng lao động nông nhàn. Trình độ quản lý, cũng như trình độ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nông thôn rất hạn chế. Tỉ lệ giám đốc các cơ sở nông thôn có trình độ cao đẳng, đại học chỉ khoảng 31% và đa phần trưởng thành từ lao động thực tiễn, quản lý bằng kinh nghiệm. Lực lượng lao động trực tiếp không qua trường lớp đào tạo mà chủ yếu qua truyền nghề, năng suất lao động không cao. Ngoài ra, khả năng liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh kém và thiếu thông tin cũng là rào cản trong việc phát triển thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay đối với nông thôn.
Với việc hội nhập kinh tế quốc tế, đầu tư nước ngoài vào nông thôn sẽ tăng lên, kể cả việc lập chi nhánh, trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp nông thôn thay đổi cách thức quản lý, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm theo hướng mở rộng liên doanh, liên kết, kể cả với các nhà đầu tư nước ngoài. Chính điều này góp phần nâng cao trình độ tổ chức quản lý và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nông thôn ở nước ta.
- Góp phần đổi mới chính sách và cách thức chỉ đạo, quản lý của Nhà nước đối với sự phát triển nông thôn
Mặc dù đã có nhiều đổi mới trong chính sách và sự quản lý điều hành nhưng nhìn chung, chính sách của Nhà nước đối với sự phát triển nông thôn còn trùng lặp, chồng chéo nhau, thiếu tính đồng bộ, chưa đúng với vai trò, vị trí của nó trong nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, việc vận dụng những cơ chế, chính sách vẫn còn mang nặng yếu tố chủ quan, tùy vào từng địa phương, từng người lãnh đạo quản lý. Chính sự vận dụng thiếu nhất quán đó không những tạo ra sự không bình đẳng giữa các đơn vị giữa các vùng miền, mà còn làm hạn chế khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nông thôn. Gia nhập WTO, thực hiện các cam kết về thể chế, chính sách trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ làm cho môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, bình đẳng và minh bạch hơn, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh tốt hơn cho nông thôn nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đi đôi với việc ban hành, sửa đổi các chính sách, các quy định phù hợp với các cam kết quốc tế thì cách thức quản lý, điều hành của Nhà nước và Chính quyền các cấp đối với nông thôn cũng được đổi mới về căn bản theo hướng tạo thuận lợi nông thôn như: cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến thương mại và đầu tư. Chính vì vậy, hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra cơ hội thúc đẩy nông thôn phát triển thông qua việc đổi mới chính sách và cách thức điều hành của Nhà nước, cũng như chính quyền các cấp theo hướng công khai, minh bạch, tạo ra môi trường thông thoáng, bình đẳng và cơ hội mở rộng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nông thôn.
* Tác động tiêu cực
- Sản phẩm nông thôn đối diện với sự cạnh tranh gay gắt ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa thị trường, sản phẩm nông thôn của nước ta có thế bán ở nhiều quốc gia trên thế giới và ngược lại, sản phẩm của họ cũng có thể nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Nhìn chung, nhiều sản phẩm nông thôn của nước ngoài sẽ có ưu thế trên thị trường nhờ hơn hẳn về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng đẹp, lại đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, giá cả phù hợp, cộng thêm tâm lý của người Việt Nam vẫn đang "sính" hàng ngoại. Trong khi đó, sản phẩm nông thôn của nước ta thua kém hẳn về chất lượng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, giá cả lại cao. Hàng nông sản xuất khẩu của chúng ta có đến 90% được bán ra dưới dạng nông sản thô hoặc mới qua sơ chế. Chính vì vậy, sản phẩm nông thôn Việt Nam đối diện với sự cạnh tranh quyết liệt ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Đây là thách thức lớn nhất của nông thôn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đưa tới nguy cơ thu hẹp thị trường thế giới và cả ở thị trường trong nước làm cho nông thôn mất chỗ đứng trong cơ cấu kinh tế nông thôn, kéo theo nhiều hệ lụy khác về mặt xã hội.
Hơn thế nữa, thị trường thế giới vẫn tồn tại nhiều hàng rào phi thuế quan áp dụng đối với nhiều mặt hàng, nhất là hàng nông sản qua chế biến. Trong khi đó, nông thôn với quy mô nhỏ, phân tán, kỹ thuật và công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý và trình độ kỹ thuật thấp, khâu tiếp thị kém nên nhiều sản phẩm nông thôn không đạt chất lượng tiêu chuẩn trong nước chứ chưa nói đến tiêu chuẩn quốc tế, như đồ gỗ mỹ nghệ bị ngâm tẩm nhiều hóa chất; tôm, mực, cá bị dư lượng thuốc kháng sinh đã gây những hậu quả tiêu cực, làm mất uy tín sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, khả năng chiếm lĩnh và mở rộng thị trường ra bên ngoài là rất khó thực hiện, thậm chí còn có nguy cơ bị thu hẹp và mất thị trường bởi sự cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
- Xuất hiện sự chênh lệch về đầu tư đối với nông thôngiữa các vùng và giữa các ngành nghề
Bản thân nông thôn Việt Nam hiện nay có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng và giữa các ngành nghề. Nông thôn phát triển mạnh ở những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khá phát triển, tập trung nhất là khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng. Đây là nơi có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển ở trình độ cao nhất so với cả nước, nhất là giao thông, điện, chợ đầu mối… Đây cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu lớn, có chất lượng cho nông thôn phát triển. Đồng thời, đây còn là nơi gần với hai trung tâm kinh tế của cả nước nên có nhiều điều kiện thuận lợi cho nông thôn phát triển. Với những điều kiện thuận lợi trên, chắc chắn khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng sẽ là lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài vào nông thôn. Điều này làm gia tăng sự phát triển không đồng đều của nông thôn (vốn là không đều giữa các vùng, miền trên phạm vi cả nước).
Sự chênh lệch giữa các ngành nghề đối với nông thôn còn biểu hiện giữa các ngành nghề của nông thôn. Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các ngành nghề, sản phẩm mà họ đang có lợi thế về công nghệ và thị trường. Vì vậy, đầu tư vào công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy, hải sản phục vụ xuất khẩu sẽ là hướng lựa chọn chủ đạo của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện chúng ta đang có lợi thế về một số nông sản xuất khẩu như gạo, hạt điều, hồ tiêu, hàng thủy sản… với những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Vì vậy, công nghệ chế biến những mặt hàng trên sẽ là những ngành có sự đầu tư nước ngoài lớn trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, làm gia tăng sự phát triển không đều giữa các ngành nghề của nông thôn.
- Gia tăng sự phụ thuộc của nông thônvào sự biến động của kinh tế thế giới; nông thônphát triển thiếu ổn định và nhiều rủi ro
Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam nói chung và nông thôn nói riêng phải chịu tác động mạnh từ mọi biến động của kinh tế thế giới. Biến động kinh tế thế giới tác động trực tiếp vào nông thôn trên những nội dung cơ bản sau:
+ Sự thay đổi thường xuyên, thất thường của giá cả, không chỉ là giá của mặt hàng nông sản mà cả các mặt hàng khác như mây, tre đan, cói, chiếu… Với tư cách
là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nông thôn Việt Nam, sự thay đổi thường xuyên, bất thường của giá cả trên thị trường quốc tế làm cho sản xuất nông thôn thiếu ổn định, chứa đựng rủi ro, bất trắc. Hơn nữa, giá các loại vật tư, thiết bị kỹ thuật thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào thay đổi thường xuyên, bất thường cũng làm cho sản xuất nông thôn thiếu ổn định.
+ Sự phụ thuộc của nông thôn Việt Nam vào nền kinh tế thế giới còn biểu hiện rõ nét trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái như hiện nay. Nhu cầu sản phẩm nông thôn trên thị trường thế giới bị giảm sút đáng kể, kéo theo sự thu hẹp thị trường sản phẩm nông thôn. Khủng khoảng kinh tế thế giới đã thu hẹp thị trường thế giới; hàng hóa ứ đọng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông thôn. Các doanh nghiệp nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ sản xuất buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, sản xuất cầm chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh.